Mùa nước lũ trên những cánh đồng

Mùa nước lũ về trên những cánh đồng không chỉ giúp người dân có thêm thu nhập, mà còn mang phù sa tái tạo ruộng đồng, chuẩn bị cho vụ mùa tiếp theo, cũng như góp phần bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đặc trưng của vùng ĐBSCL.

Cánh đồng ngập nước tích trữ phù sa. Ảnh: T.H

Tái tạo đồng ruộng

Năm nay, lũ về muộn và thấp hơn so các năm trước, nhưng ngành nông nghiệp vẫn tiến hành xả lũ theo kế hoạch đối với 34 tiểu vùng sản xuất lúa 3 vụ, với tổng diện tích gần 26.000ha thuộc các địa phương: An Phú, Phú Tân, Châu Phú, Châu Thành, Tịnh Biên, Tri Tôn và TX. Tân Châu. Bên cạnh đó, thực hiện cho lũ vào đồng ở các tiểu vùng đê bao tháng 8, vùng giáp biên với diện tích khoảng 64.000ha. Theo ngành nông nghiệp, trong điều kiện đê bao chắc chắn, việc xả lũ có kiểm soát nhằm tháo chua rửa phèn, giúp đất có thời gian nghỉ ngơi, tiêu diệt lúa rài, lúa chét, diệt chuột, cắt đứt cầu nối sâu bệnh, hạt cỏ dại lưu tồn trong đất. Mặt khác, nước lũ vào ruộng để bồi đắp phù sa cho đất, giảm chi phí cải tạo đất, giúp cây lúa phát triển tốt, tăng năng suất trong vụ sản xuất tiếp theo.

Ông Lê Văn Tiết (ngụ xã Phú Bình, Phú Tân) có 20 công đất ruộng đang trong tiểu vùng xả lũ cho biết, liên tiếp 3 năm sản xuất 8 vụ làm cho đất gần như cằn cõi, chất độc từ thuốc bảo vệ thực vật ở các vụ trước tồn đọng, sâu rầy, chuột bọ ngày càng nhiều nên năng suất cây lúa, cây nếp sụt giảm, trong khi chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao. Rất nhiều hộ phải canh tác xen canh 2 vụ lúa 1 vụ màu để cải tạo đất. Năm nay được ngành nông nghiệp huyện hướng dẫn thực hiện kế hoạch sản xuất “2 năm, 5 vụ”, ông Tiết và mọi người đều rất đồng tình, vui vẻ. Tại cánh đồng thuộc xã Núi Voi (Tịnh Biên) nước đã tràn vào đồng từ 0,8-1m, dòng nước đục ngầu mang nặng phù sa cho đồng ruộng. Ông Lê Văn Bàng (có 30 công đất ruộng tại khu vực này) chia sẻ: “Đồng này tuy chỉ sản xuất 2 vụ/năm do nằm ngoài đê bao, mặc dù sản xuất ít hơn so với những nơi khác nhưng bù lại năng suất và chi phí làm đồng, phân, thuốc giảm nhẹ hơn rất nhiều. Việc nước lũ tràn vào đồng ruộng sẽ giúp tẩy trôi chất độc tồn đọng trong các vụ trước bồi tụ phù sa giàu dinh dưỡng hơn, hạn chế dịch bệnh cho những vụ sản xuất kế tiếp đạt năng suất cao hơn”.

Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản

Theo các lão nông và ngư dân, vào mùa lũ các loại cá theo con nước từ thượng nguồn đổ về, đây cũng là thời điểm để một số loại cá, như: cá lóc, cá rô, cá trê, cá sặc, cá linh, cá dảnh, cá mè, cá trèn, cá lăng… từ sông, rạch lên đồng sinh sản phát triển bầy đàn. Đến khi nước rút, cá trên đồng theo con nước đổ ra các vùng trũng thấp trở về sông, rạch. Do đó, lũ tràn đồng không chỉ thuận lợi cho đất sản xuất, mà còn là phương pháp tự nhiên để nguồn lợi thủy sản phát triển phong phú và dồi dào. Tuy nhiên, song song với thời điểm cá lên đồng sinh sản cũng là lúc người dân sử dụng các ngư cụ cấm, xung điện, chất cấm, chất độc để khai thác vô tình đã tận diệt nguồn lợi thủy sản mùa nước nổi đặc trưng của ĐBSCL.

Để bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản bền vững, ngay từ đầu mùa lũ, ngành nông nghiệp các cấp đã phối hợp ngành chuyên môn và các địa phương tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật trong khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, cấm sử dụng khai thác thủy sản, gồm: lồng xếp (lờ dây, bát quái, lừ, dớn), đăng, đáy, xiệp. Đối với các loại ngư cụ như: lưới kéo, vây, lưới rê, vó, chài các loại, người dân sử dụng phải chấp hành quy định về kích thước mắt lưới tối thiểu tại bộ phận tập trung cá (theo Khoản 1, 3, Phụ lục II, Thông tư số 19/2018/TT-BNNPTNT). Đồng thời, phối hợp tuần tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hộ dân có hành vi sử dụng xung điện, chất độc, chất nổ để khai thác thủy sản.

Kinh nghiệm hơn 30 năm với nghề đánh bắt cá trên các cánh đồng nước lũ trong và ngoài tỉnh, ngư dân Nguyễn Văn Lèo (70 tuổi ngụ xã Tân Lập, Tịnh Biên) chia sẻ: “Những năm lũ lớn trước đây, khoảng 30 cái dớn mỗi ngày thu được vài trăm ký cá lớn nhỏ các loại là chuyện bình thường. Thời gian sau này lũ thấp, cộng thêm rất nhiều người làm nghề đánh bắt nên cá đồng ít lại. Mà nghĩ cũng đúng, lúc trước cá lớn nhỏ gì cũng dính hết, bây giờ thấy một số loài cá rất ít, thậm chí mất hút. Mấy năm nay ở đâu cũng thông báo cấm đặt dớn, đáy bắt cá nên nhiều người đã chuyển qua giăng lưới, đặt vó... hoặc bỏ nghề. Cấm đánh bắt theo kiểu tận diệt để còn cá cho con cháu sau này nên ai cũng đồng tình ủng hộ và tuân thủ nghiêm ngặt”.

TRỌNG TÍN

Nguồn An Giang: http://baoangiang.com.vn/mua-nuoc-lu-tren-nhung-canh-dong-a255681.html