Mua ổ bánh mì, bó rau: Quét mã QR tính tiền

Tại TP.HCM, từ xe bánh mì ven đường đến các khu chợ truyền thống, việc thanh toán trở nên nhanh chóng, tiện lợi hơn khi người mua chỉ cần quét mã QR để thanh toán mà không dùng tiền mặt.

Hiện nay trên địa bàn TP.HCM, việc thanh toán không dùng tiền mặt đang dần trở thành thói quen của người dân. Đa số hàng quán lớn nhỏ trên địa bàn TP, thậm chí các khu vực chợ truyền thống, người bán hàng cũng có mã QR để người mua quét mã QR chuyển tiền một cách nhanh chóng, tiện lợi.

An toàn vì không mang theo tiền mặt

Tại các chợ truyền thống trên địa bàn quận 12 như An Sương, Lạc Quang… việc thanh toán không dùng tiền mặt đã được UBND quận thực hiện theo mô hình “chợ 4.0”.

Chị Nguyễn Thị Hồng Tươi, tiểu thương chợ An Sương, cho biết từ khi sử dụng mô hình thanh toán không dùng tiền mặt tại chợ, chị thấy rất tiện lợi, người mua không phải đem theo nhiều tiền mặt như trước đây, chỉ cần quét mã QR là xong.

“Khoảng 70% khách hàng thực hiện chuyển khoản. Tôi còn bán hàng online qua mạng xã hội nên nhiều khách hàng cũng thanh toán bằng hình thức chuyển khoản rất tiện lợi. Tôi thấy mô hình này rất hay” - chị Tươi nói.

Chị Thanh Hoa, ngụ quận 12, cho biết khi thấy chợ truyền thống sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt quét mã QR, chị rất ủng hộ. Giờ ai cũng có điện thoại thông minh kết nối mạng để sử dụng và ai cũng có một tài khoản ngân hàng. Khi mua hàng chỉ cần quét mã bấm đúng số tiền thanh toán, không quá lo lắng việc thiếu đủ cũng như bị cướp giật khi mang theo tiền mặt.

“Tôi biết được mô hình này là nhờ qua ban quản lý chợ tuyên truyền trên loa hằng ngày, rồi còn có người hướng dẫn tận tình nên mọi người ai cũng hiểu và biết cách sử dụng ngay” - chị Hoa cho hay.

Tại đường Nguyễn Đình Khơi, phường 4, quận Tân Bình, hầu như các hàng quán tại đây đều in mã QR để người mua quét mã QR thanh toán.

Chị Thanh Mai, một người bán chè trên đường này, cho biết gánh chè của chị bán một ngày cả trăm ly. Tuy một ly chè giá không bao nhiêu nhưng người mua cũng thích quét mã QR chuyển tiền vì rất thuận lợi. Chị cũng không phải chuẩn bị tiền lẻ để trả lại cho khách hàng như trước đây.

“Giờ thời buổi công nghệ thông tin rồi, không ai mang nhiều tiền mặt ra đường. Cần mua gì thì chuyển khoản nhanh gọn. Như tôi, bán bánh mì ngoài đường cũng có tài khoản ngân hàng, in mã QR để người mua quét mã QR trả tiền vào tài khoản, khỏi sợ thất thoát tiền hoặc trả lại tiền thừa nhầm lẫn” - chị Nguyễn Thị An, bán bánh mì trên đường Phan Văn Trị, quận Gò Vấp, chia sẻ.

 Thanh toán không dùng tiền mặt trong chợ truyền thống được nhiều người sử dụng vì tính tiện lợi. Ảnh: TRẦN MINH

Thanh toán không dùng tiền mặt trong chợ truyền thống được nhiều người sử dụng vì tính tiện lợi. Ảnh: TRẦN MINH

Ngân hàng hỗ trợ người dân đăng ký tài khoản

Trao đổi với PV, bà Lâm Thụy An, Phó Ban quản lý chợ An Sương, quận 12, cho biết mô hình 4.0, thanh toán không dùng tiền mặt được UBND quận 12 triển khai và các chợ đã áp dụng, thực hiện được ba tháng. Đánh giá qua ba tháng đã có hơn 85% tiểu thương và khách hàng sử dụng, trao đổi, kinh doanh, buôn bán bằng hình thức chuyển khoản, quét mã QR.

“Các tiểu thương và khách hàng rất đồng tình về mô hình này. Tôi nghĩ phát triển công nghệ số là mô hình tất yếu. Mô hình này rất thuận lợi để giao thương, không cần mang nhiều tiền mặt, nó an toàn, không sợ tiền giả. Bên cạnh đó, công tác thu phí đối với ban quản lý, tiểu thương cũng dễ dàng hơn” - bà An nói.

 Người dân tại chợ An Sương, quận 12 mua trái cây thanh toán không tiền mặt. Ảnh: TUYẾT NHUNG

Người dân tại chợ An Sương, quận 12 mua trái cây thanh toán không tiền mặt. Ảnh: TUYẾT NHUNG

Trao đổi với PV, một đại diện Ngân hàng Nam Á - Chi nhánh Trường Chinh, quận 12 cho biết ngân hàng có chương trình hỗ trợ tiểu thương mở tài khoản ngân hàng điện tử. Theo đó, khách hàng là tiểu thương chỉ cần có điện thoại có kết nối với mạng để tải app về sử dụng. Khi đăng nhập vào app, khách hàng có thể mở tài khoản bằng số điện thoại hoặc số CCCD để dễ nhớ. Bên cạnh đó, đối với tiểu thương có điểm bán, có thể tạo mã QR chia sẻ cho năm nhân viên của mình để chia sẻ biến động số dư.

Khi triển khai mô hình này, ngân hàng được lãnh đạo địa phương, ban quản lý chợ quan tâm ủng hộ, đồng hành, vận động tiểu thương sử dụng công nghệ 4.0. Khi sử dụng app, khách hàng có thể rút ngắn thời gian kiểm đếm tiền. Rất nhiều tiểu thương sau khi sử dụng thấy được tính tiện ích nên đã giới thiệu thêm người thân, bạn bè sử dụng app và những dịch vụ của ngân hàng.•

Nhiều đơn vị áp dụng việc thanh toán không dùng tiền mặt

Hiện nay, quận 12 đã triển khai và áp dụng việc thanh toán không dùng tiền mặt tại một số cơ quan, đơn vị trên địa bàn.

Tại UBND quận 12 và UBND 11 phường trên địa bàn, việc thu phí, lệ phí được thực hiện bằng hình thức chuyển khoản, quét mã QR.

Các trường học từ mầm non, tiểu học đến THCS, trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên, Trường chuyên biệt Ánh Dương, trung tâm y tế thuộc thẩm quyền quản lý của quận đã thực hiện thu phí dưới hình thức thanh toán không dùng tiền mặt. Theo thống kê, hiện đã có 99,6% phụ huynh sử dụng phương thức thanh toán này.

14.500 doanh nghiệp, 11 siêu thị, 199 cửa hàng tiện lợi, 100% đều đã thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt; khoảng 50% hộ kinh doanh (khoảng 15.000 hộ) trên địa bàn quận đã trang bị hạ tầng và áp dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt...

Vừa qua, quận 12 cũng triển khai hoạt động kinh tế đêm tại phường Tân Hưng Thuận. Quận cũng có chỉ đạo các đơn vị tổ chức chợ đêm phối hợp với các ngân hàng thương mại trên địa bàn quận triển khai việc phát hành thẻ cho tiểu thương và khách hàng đến tham quan, vui chơi, tạo thuận lợi cho việc thanh toán không dùng tiền mặt.

Bà VÕ THỊ MỘNG THU, Trưởng phòng Kinh tế quận 12, TP.HCM

NGUYỄN HIỀN - TRẦN MINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/mua-o-banh-mi-bo-rau-quet-ma-qr-tinh-tien-post773345.html