'Mưa ở lưng chừng đồi', thông điệp giàu nhân văn
Phạm Việt Tiến là một nhà báo kỳ cựu, nổi bật của VTV và là Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội. Ông là một trong những người đầu tiên sáng lập ra sân chơi kiến thức vui học cho thiếu nhi trên truyền hình. Lúc được nghỉ hưu, Phạm Việt Tiến là Phó tổng giám đốc VTV.
1.Sau Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam, miền Bắc không còn hứng mưa bom bão đạn. Hà và 14 đồng đội ở Cung 16 - một tuyến đường trên tọa độ lửa giao thông khu 4 (cũ) được sắp xếp về làm công nhân tại Nông trường Đông Giang. Đó là một trong những đơn vị kinh tế, chuyên trồng dứa.
Từ nơi khốc liệt trở về, Hà và chị em khác đều háo hức. "Khi họ đến Đông Giang, mặt trời vừa xuống núi. Quang cảnh nông trường thật đẹp... những quả đồi nhấp nhô, như bát úp. Ở phía xa, dãy núi như bức tường thành, bao tròn bốn hướng. Một màu xanh ngăn ngắt hiện lên..." (trang 10). Nhiều năm rồi họ mới thấy màu xanh.
Các nữ thanh niên xung phong đều con em nông dân, nhiều người có gia cảnh đặc biệt. "Học hành mới hết lớp bảy, chỉ có Hà và hai đứa nữa là hết lớp mười" (trang 29) Đối diện với bom đạn, họ không sợ; tuổi thanh xuân 18 - 20 đã dành cho tiền tuyến, cho cuộc chiến đấu giải phóng miền Nam. Tú cùng quê với Hà đã hy sinh, nằm lại trên Cung 16.
Hiện thực của Đông Giang, làm người đọc dễ liên tưởng đến những nông trường dứa bạt ngàn phía Bắc như Đồng Giao, Hà Trung... hoặc các nông, lâm trường, vốn không thiếu ở miền Bắc thời đó. Thắm, Hà, Lương, Hồng, Phương... không thể biết rằng, dần dần phải đối diện với muôn mặt đời thường, đầy gam sáng và tối.
Một phía tràn đầy năng lượng cống hiến, muốn phục vụ nông trường đó là Giám đốc Sang, Trường, đội trưởng Thắm, đội phó Hà...; phía luôn gây khó, đổ lỗi cho cơ chế để trục lợi là Phó giám đốc Tám, ông Mạnh, ông Hoàng, ông Khuông... Thời đó đã có "lợi ích nhóm" trong một đơn vị kinh tế nhà nước, đã có cấu kết trong ngoài để rút ruột và nhiều thủ đoạn để kìm hãm, gây khó khăn cho những nhân tố tích cực.
Ông Sang, Giám đốc nông trường là một người "không hẹp bụng", "cẩn trọng, ít nói nhưng về công việc thì cả cấp trên và Nông trường đều biết ông làm tốt" (trang 92). Trong khi đó ông Tám và cánh hẩu - đại diện cho những người luôn tìm mưu kế xà xẻo, vơ vét, phục vụ tham vọng cá nhân luôn lũng đoạn, cản trở. Giữa ông Tám vốn không ưa ông Sang, từ trước đó, khi cùng cạnh tranh chiếc ghế giám đốc. "Gần hai nhiệm kỳ trôi qua, chẳng lúc nào ông Tám nuốt trôi được cái cục hận ấy. Ông luôn đối trọng với Giám đốc trong mọi việc" (trang 93).
Việc thay đổi cách làm đất trồng dứa, khoan giếng, làm tháp nước, giải phóng sức lao động, nâng cao năng suất, đến đa dạng sản phẩm của nông trường.... diễn ra không đơn giản. Đó là cuộc đấu tranh giữa cái tích cực và tiêu cực, giữa khát khao thay đổi và trì trệ (lợi dụng, duy trì trì trệ) để kiếm chác. Hà, nhân vật chính của tiểu thuyết làm người đọc khó rời trang viết. Từ thắc mắc, tìm hiểu đến trực diện đấu tranh.
Kịch tính được đẩy lên cao khi tháp nước của Đội 6 bị sập, do bị rút bớt xi măng, sắt thép. Hà và một nhân viên của đội thi công bị thương... Cuộc thanh tra, kiểm tra của bộ chủ quản, với sự tham gia của cơ quan Công an dẫn đến thay thế bộ máy lãnh đạo của Đông Giang.
Trường vốn được bộ đưa đi học làm nguồn bổ sung cho các đơn vị kinh tế ở phía Nam khi tiếp quản được đưa về làm giám đốc mới. Hưng được bộ tăng cường làm phó giám đốc. Nhiệm vụ điều hành, thay đổi tư duy, nếp nghĩ, cách làm ở Nông trường Đông Giang luôn được đan cài giữa các tình huống, tuyến nhân vật, thực sự hồi hộp.
Phạm Việt Tiến tỏ ra sung sức và chắc tay khi thiết kế các tình huống để nhân vật có đời sống, bộc lộ tính cách riêng biệt... tạo nên sự hấp dẫn. Tiểu thuyết vừa hư cấu, vừa mang hơi thở phi hư cấu, gần gũi. Ông rất kỹ, chi tiết, sâu sắc khi viết về tâm lý nhân vật, lãng mạn khi viết về tình yêu của Hà trong tác phẩm....
Hà và anh bộ đội tên Nam khi gặp gỡ nhau trên Cung 16 ở tuyến lửa. Rồi tin Nam hy sinh ở chiến trường. Trường khi đang là trưởng phòng đã theo đuổi, nâng đỡ, chờ đợi. Những trang viết ngôn tình trong tiểu thuyết, càng chứng tỏ sự chắc tay của Phạm Việt Tiến.
"Mưa ở lưng chừng đồi" đề cập đến nhiều vấn đề hậu chiến tranh. Từ việc ông để nhân vật Phương có con ngoài giá thú cũng là một vấn đề "hậu chiến" đối với các cựu nữ thanh niên xung phong. Phạm Việt Tiến dành nhiều trang viết về những thân phận phụ nữ đã cống hiến gần hết tuổi thanh xuân cho những cung đường ra mặt trận…Họ khát khao có tình yêu, được làm đàn bà. Sự sắp xếp đan xen hợp lý giữa quá khứ và hiện tại.
Các nhân vật chính của tiểu thuyết cho thấy trong bất kỳ hoàn cảnh nào, họ đều không chỉ chịu đựng được những khó khăn gian khổ, những sóng gió của đời sống sau chiến tranh, mà còn mang được sự lãng mạn và tử tế.
Nhà văn, PGS. TS Nguyễn Thế Kỷ đánh giá tốt về tiểu thuyết, đặt niềm tin, Phạm Việt Tiến với năng lượng đã được bộc lộ trong "Mưa ở lưng chừng đồi" sẽ tiếp tục "con đường văn chương" với nhiều thành công hơn.
2. Phạm Việt Tiến là một nhà báo kỳ cựu, nổi bật của VTV và là Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội. Ông là một trong những người đầu tiên sáng lập ra sân chơi kiến thức vui học cho thiếu nhi trên truyền hình. Lúc được nghỉ hưu, Phạm Việt Tiến là Phó tổng giám đốc VTV.
Sau khi nghỉ công tác, Phạm Việt Tiến mới được sống cùng đam mê văn chương. Tác phẩm đầu tiên của ông là truyện dài "Bến Phù Vân" (năm 2021). Một năm sau, tác phẩm thứ hai của ông là "Phía tây trời sáng" ra đời. Từ câu chuyện của một dòng họ, với những thế hệ lớn. Như vậy, 3 năm Phạm Việt Tiến xuất bản 3 tác phẩm văn xuôi, với gần 900 trang in.
Hai truyện dài đầu tay, đều có thể nâng lên thành tiểu thuyết. Với "Mưa ở lưng chừng đồi", Phạm Việt Tiết dành gần một năm từ khi phác họa bố cục, tình huống đến lúc ngồi vào bàn phím.
Nhà văn Phạm Việt Tiến cho biết, những nhân vật trong sách cũng chính là những người ông đã gặp ngoài đời. "Tôi đã đến, đã gặp gỡ chính họ, không phải nhân vật mà chính là họ ngoài đời, đã đến nơi đó, một nông trường như nông trường Đông Giang trong tiểu thuyết. Thời gian đó mọi thứ đều rất gian khổ, nhưng tôi nhìn thấy sự tin tưởng của họ. Niềm tin của họ chính là lẽ sống, nếu không có lòng tin, sẽ không thể vượt qua tất cả. Đó là điều mà tôi thấy được ở họ", ông chia sẻ.
Nhà văn Phạm Việt Tiến từng qua quân ngũ. Những trang viết trong "Mưa ở lưng chừng đồi" cũng chính là những trải nghiệm thực tế, không chỉ thời gian trong quân ngũ, sống ở vùng biên giới phía Bắc, hay những chuyến công tác trong suốt thời gian làm việc ở Đài Truyền hình. Chính vì thế, trang viết của ông đầy ắp những chi tiết của đời sống. Văn của Phạm Việt Tiến giản dị như nhân vật của anh, nhưng chất chứa suy tư, và đẹp thánh thiện.
Không chỉ quăng quật cùng đời sống, những năm tháng cống hiến ở VTV, xây dựng, tổng duyệt bao nhiêu kịch bản cũng mang lại cho ông lợi thế. "Tôi viết dễ dàng lắm. Tất cả như được chảy ra trên trang viết", ông chia sẻ.
Với tiểu thuyết "Mưa ở lưng chừng đồi", Phạm Việt Tiến đã dành tâm huyết, khắc họa nên nhân vật Hà thật đáng yêu. Chính ông Tám cũng phải tự vấn: "Từ ngày về nông trường, nó đã nghĩ việc gì là làm được việc ấy. Cái tháp nước tốn nhiều tiền, nhưng đúng là hiệu quả" (trang 109). Rồi Hà trở thành Giám đốc Nông trường Đông Phong, cống hiến với tất cả đam mê và trí tuệ.
Nhưng chính Hà, phải nhận nhiều đau khổ mất mát về tình duyên. Yêu Trường nhưng Hà bị Trường phản bội… Đau khổ lần thứ hai. Lần thứ ba, Hạnh Đan, con gái suýt rơi vào mối tình cận huyết với chính con trai Trường, khi họ gặp nhau ở nước ngoài.
Khi gấp lại "Mưa ở lưng chừng đồi", tôi ngả người ra sau ghế, thở phào. Tình yêu trong trẻo Hà dành cho Nam - một người lính trên chiến trường là một cái kết có hậu. Trong một lần đi cơ sở, cô vô tình từ cái ca nhôm treo trước nhà một người dân, Hà gặp lại Nam, người thương binh nặng, tàn phế trên xe đẩy. Chính Nam cũng biết về Hà ở Nông trường Đông Giang nhưng anh không đi tìm, chỉ lo trở thành gánh nặng.
"Thời gian và ký ức như một dòng chảy trong cuộc sống mỗi con người. Tôi may mắn được lớn lên trong mênh mông của những cánh đồng, sự ấm mát của những dòng sông và những triền đồi. Chính cái may mắn ấy đã cho tôi một tình yêu với những miền quê thân thương. Những lát cắt của ký ức, đã giúp tôi trở lại, và gửi vào trong đó một thứ tình cảm dịu ngọt đối với mảnh đất và con người mà tôi đã từng sống, từng đi qua", Phạm Việt Tiến chia sẻ.
Hồi hộp, lo âu....là tâm lý chung của người đọc khi gấp lại trang cuối cùng tiểu thuyết "Mưa ở lưng chừng đồi" của nhà báo, nhà văn Phạm Việt Tiến. Và đó là thành công của nhà văn Phạm Việt Tiến.
Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/mua-o-lung-chung-doi-thong-diep-giau-nhan-van-i753174/