Mùa ớt xiêm
Cây ớt có từ hồi nào đâu ai biết, ai là người đầu tiên dám ăn ớt, cũng không biết. Có người nói đùa “Con chim chóc quạch ăn trước rồi người bắt chước ăn theo”. Ớt cứ ra trái, rụng xuống rồi mọc lên hay nhờ chim ăn rồi phát tán. Sau những cơn mưa mùa hạ, hạt ớt khô thức giấc, nảy mầm rồi len lén lớn lên bên bờ rào, bụi rậm. Chắc trên những lối mòn, nhiều người đi, đất đai chai cứng, mầm non không lên được; nhưng hồi nhỏ lũ trẻ chăn bò chúng tôi cứ tưởng: ớt biết tìm nơi ẩn nấp cho an toàn; lớn lên một chút lại giải thích kiểu khác, rằng: ở trong bụi rậm mới có chim, chim thả hạt ớt xuống đất mới có cây ớt mọc lên…
Những giống cây tự mọc, tự vươn lên, ra trái, rụng xuống rồi lại mọc lên hay nhờ chim ăn phát tán, thường được gọi kèm theo chữ “rừng”; như : ớt rừng, khổ qua rừng, ổi rừng, nhãn rừng, mít rừng (mít nài)...
Nói chung vậy chứ riêng trái ớt thì người quê tôi hay gọi là ớt hiểm, cũng có người gọi là ớt xiêm. Người gọi ớt hiểm thì giải thích, vì ớt quá cay; người gọi ớt xiêm lại bảo rằng: trái quá nhỏ; còn ớt cay và thơm ngon thì ai cũng đều công nhận.
Cuối mùa hè, ớt xiêm bắt đầu ra hoa, đậu trái nhưng còn thưa thớt; đến mùa thu, sau vài đợt mưa, những chỗ cây dại um tùm thường thấy bụi ớt. Khi có trái chín thì càng dễ thấy hơn. Ớt ra trái từng chùm như bàn chông tua tủa chỉa thẳng mũi nhọn lên trên nên còn gọi là ớt chỉ thiên…
Có đứa ham, không biết tính xa, không biết để dành, bẻ luôn cành có cả trái chín, trái già, trái non và hoa trắng đem về. Hôm sau gặp lại, nói nhỏ: “bị mẹ rầy…”. Có đứa say mê hái ớt, mặt trời chạm núi còn lẩn quẩn trong bụi rậm, quên cả việc gom bò, tra giỏ (giỏ mồm); cả đàn cứ tự động thong dong hướng về nhà, có khi ghé vào đám mía… Sáng mai có người đến nhà mắng vốn, bị đòn. Có đứa lần đầu tiên cùng bạn chăn bò đồng xa, xa tận bìa rừng cũng bắt chước thả bò đi hái ớt. Mải mê trong bụi rậm, đến khi tắt nắng, bạn bè gọi nhau lùa bò về mới giật mình chạy đi tìm; bò người ta đã mang giỏ, sắp hàng một thong thả ra về, có đứa ngồi trên lưng bò cười khúc khích… Những lúc ấy sợ đến bắn khói nhưng khi bắt đầu khóc thì tất cả đám bạn cùng ra lệnh cho đàn bò dừng lại và cùng nhau đi tìm…
Nhiều khi ham hái ớt, rướn theo, bước dần vô trong bụi rậm đến khi gặp tổ ong vò vẽ trong lùm cây túa ra, quay lưng chạy không kịp bị ong chích, mặt sưng ù, méo xẹo. Nhưng chỉ vài ngày sau lại hăng hái vào bụi rậm tìm ớt hay chim chim dú dẻ.
Có đứa chưa kinh nghiệm thấy ớt chia chỉa, ham quá, bứt lia lịa rồi lấy mũ làm dụng cụ đựng. Vừa ớt xanh vừa ớt chín đầy mũ rồi túm lại cầm về đến nhà, mấy trái chín dập ra bám vào mũ, hôm sau đội mũ đi học, đầu tóc cứ nóng hầm hập mới hiểu vì sao người ta dùng lá gói chứ không đựng trong mũ như mình. Hái lá mè ré quấn lại như cái phễu, đổ ớt vào, bẻ gấp đầu lá lại như cái bánh ú, cột dây cách đi là hay nhất.
Hồi ấy, có đứa nhờ mùa ớt mà đủ tiền mua sách vở và đồ Tết. Cứ hái được vài ký, sẵn mẹ đi chợ đem đưa cô hàng xén, hy vọng trái ớt rừng chính tay mình hái sẽ đến tận quán phở ở thành phố…
Bây giờ lớn rồi, ăn ớt không sợ cay mới cảm nhận được hương vị thơm ngon của ớt xiêm, khác hẳn với những giống ớt khác. Trái ớt nhỏ nhưng rất cay và giòn; cay nhưng không nóng lâu trong miệng như những loại ớt khác; cay xong là nghe man mát trên đầu lưỡi, thoáng mùi thơm rất dễ chịu. Ngoài ra, lá ớt xiêm nấu canh tập tàng cũng rất ngon…
Mùa mưa đến, cây cối um tùm; rong dọn vườn tược, rào giậu, phải chú ý thật kỹ để khỏi xuýt xoa, hối tiếc vì làm gãy cây ớt. Vì ớt xiêm là gia vị cần thiết số 1 cho món cá đồng và nấm khoang.
Qua hết mùa đông, ớt xiêm bắt đầu lim dim rồi rụng lá, héo cành, nhường chỗ cho những giống cây khác nhưng những hột ớt giống thì đã tự chọn chỗ ẩn nấp thích hợp rồi, mùa hè năm sau sẽ vươn lên, đơm hoa, ra trái; nối tiếp vị cay, nồng, ấm áp, thơm ngon!
Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/93/232669/mua-ot-xiem.html