Mùa quả ngọt bên sông

Vẫn cây đa cổ thụ, vẫn nhà truyền thống ghi dấu ấn những năm tháng đấu tranh cách mạng giai đoạn 1947 - 1950 bên dòng sông Hồng miệt mài bồi đắp phù sa cho châu thổ; mang theo tự hào về truyền thống cách mạng, Soi Cờ - Soi Giá hôm nay khoác lên mình chiếc áo mới, đang trở thành vùng cây ăn quả lớn bên sông Hồng.

Trước khi đưa tôi đến mảnh đất giàu truyền thống cách mạng Soi Giá - Soi Cờ (nay được sáp nhập và mang tên là Soi Cờ), dù sinh ra và lớn lên tại thôn Hòa Lạc, nhưng Phó Bí thư Đảng ủy xã Gia Phú (Bảo Thắng) Phạm Văn Xuân luôn tự hào và kể về Soi Cờ không thiếu một chi tiết.

Qua tâm sự của anh Xuân, tôi mới biết, bố đẻ của Phó Bí thư Đảng ủy xã Gia Phú là người Soi Cờ và đã trực tiếp chứng kiến hai người chú ruột của ông bị địch tàn sát. Qua câu chuyện kể của bố, anh Xuân mang trong mình tình yêu với mảnh đất Soi Cờ từ khi còn nhỏ đến lúc đi công tác và cũng sẽ theo anh cả cuộc đời.

Vườn bưởi Diễn trĩu quả trên đất Soi Cờ.

Vườn bưởi Diễn trĩu quả trên đất Soi Cờ.

Không để tôi chờ đợi, anh Xuân bảo tôi lên đường, vừa đi vừa nói tiếp. Xe bon theo tuyến đường bê tông mới hoàn thành 3 tháng, câu chuyện giữa tôi và anh đang sôi nổi thì đến đất Soi Cờ. Cổng chào của thôn không bề thế, nhưng mọi người đến đây đều dễ dàng nhận ra. Sau cổng chào là cả vùng cây ăn quả ngút tầm mắt được quy hoạch rõ nét, bên trái trồng bưởi, bên phải trồng cam, táo. Ngay từ lúc đầu đã bất ngờ, nhưng khi đến đây, tôi càng bất ngờ hơn, bởi sự nặng lòng của anh Xuân với mảnh đất này. Chỉ tay vào vườn táo, vườn cam, vườn bưởi, anh đọc từng tên chủ hộ và thời gian trồng, đã cho thu hoạch mấy vụ… Đang ngẩn ngơ ngắm vườn bưởi Diễn trĩu quả với diện tích gần 1 ha, anh bảo tôi đi tiếp, bởi còn nhiều bất ngờ để khám phá.

Đi thêm một đoạn đường, chỉ tay về phía ngôi nhà xây theo kiểu truyền thống, lấp ló giữa vườn cây ăn quả, anh Xuân bảo đó là nhà của Bí thư Chi bộ thôn Soi Cờ Phạm Đình Tấn. Vốn là công nhân Nông trường Quốc doanh Phú Xuân, nên ông Tấn hiểu hơn ai hết khí hậu, thổ nhưỡng ở mảnh đất này thích hợp để trồng loại cây ăn quả nào. Ông Tấn tâm sự: Vùng đất Soi Cờ - Soi Giá nằm dọc sông Hồng, sau mỗi trận lũ lớn, phù sa bồi đắp, nên hình thành 4 bãi màu để canh tác. Có lẽ, do từ thời Nông trường Quốc doanh Phú Xuân quy hoạch đây là vùng trọng điểm trồng cây bưởi và cam, nên người dân gần như dành toàn bộ đất bãi để trồng cây ăn quả.

Không cần sổ sách, Bí thư Chi bộ Tấn thông tin cho tôi hay: Cả hai thôn có 30 ha đất bãi để sản xuất nông nghiệp, riêng cây ăn quả chiếm 1/2 diện tích với 4 loại cây chủ lực là mít Thái, bưởi Diễn, thanh long ruột đỏ, táo đại, ngoài ra còn có thêm ổi, cam V2, na, vải lai. Sau 10 năm miệt mài không cho đất nghỉ, đến nay Soi Cờ đã hình thành vùng cây ăn quả có tiếng của huyện Bảo Thắng. Ông Tấn không giấu nổi phấn khởi: “Tính sơ sơ, mỗi năm người dân Soi Cờ bán ra thị trường 3 tấn quả thanh long, 6 tấn quả bưởi, 20 tấn quả táo, 4 tấn quả mít, 10 tấn quả ổi. Sướng nhất là không phải mang đi xa, thương lái đến tận nơi thu mua, thậm chí họ còn đặt tiền khi quả còn non. Hiện, cả thôn có 5 - 6 hộ thu nhập từ 200 - 300 triệu đồng/năm từ cây ăn quả, còn mức thu nhập từ 100 - 150 triệu đồng/năm từ cây ăn quả có tới 30 hộ. Ngay như nhà tôi đây, hai vợ chồng già mỗi năm cũng thu được gần 200 triệu đồng từ cây ăn quả”.

Ông Vương Văn Tầm (phải ảnh) luôn có nguồn thu lớn từ trồng cây ăn quả.

Ông Vương Văn Tầm (phải ảnh) luôn có nguồn thu lớn từ trồng cây ăn quả.

Như để chứng minh cho khẳng định của mình, ông Tấn liệt kê một loạt “đại gia” trồng cây ăn quả trên đất Soi Cờ, mỗi năm thu từ 200 - 300 triệu đồng, như ông Đặng Văn Dung trồng cây thanh long, cam V2 với diện tích 3.000 m2; ông Lê Văn Hưng trồng bưởi Diễn với diện tích 8.000 m2; ông Lưu Văn Hanh trồng táo đại, mít Thái, na, vải lai với diện tích 5.000 m2; ông Lê Mạnh Dũng trồng na, đu đủ, táo đại với diện tích 6.000 m2… Nói đến đây, ông Tấn gọi điện cho một người nào đó và hẹn ở nhà, rồi đưa chúng tôi đến gặp. Sau 5 phút đi xe, chúng tôi đến gặp ông, một lão nông tri điền đích thực, nhưng là người trồng cây ăn quả nổi tiếng nhất của đất Soi Cờ và cũng là hộ sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh. Nước da ngăm đen do suốt ngày dãi dầm mưa nắng để chăm sóc 5.000 m2 cây ăn quả, lão nông Vương Văn Tầm tuy không được học qua trường lớp nào, nhưng ông được người dân ở đây ví như kỹ sư trồng trọt. Điều đặc biệt nữa là ông Tầm được biết đến là người đầu tiên đưa các giống cây ăn quả về trồng tại Soi Cờ. Năm 2010, ông Tầm “giấu vợ” mang tiền nhà về Thạch Thất (Hà Tây cũ) để mua 40 cây giống táo đại, 10 cây giống mít Thái, nhân tiện ông tìm về Lập Thạch (Vĩnh Phúc) mua thêm vài chục mầm thanh long ruột đỏ. “Khi đó, giá cây giống cao hơn bây giờ rất nhiều, 60.000 đồng/mầm thanh long, 150.000 đồng/cây mít Thái, cầm hơn 50 triệu đồng đi mua giống, nghĩ lại cũng thấy mình quá liều. Khi về trồng, cây ra quả không như kỳ vọng, tôi lại cơm nắm về tận nơi bán giống cây để học hỏi kỹ thuật trồng, chăm sóc. Dẫu vất vả, nhưng đổi lại bây giờ tôi nắm được nhiều kỹ thuật trồng, chăm sóc, thụ phấn, thu hoạch quả”, ông Tầm tâm sự.

Cây không phụ công người, sau vụ đầu thất bại, những vụ sau, vườn táo, mít, thanh long cho quả ngọt và ông có nguồn thu ổn định. Có được thành công, ông Tầm mang giống cây ăn quả chia cho một số hộ xung quanh, đồng thời hướng dẫn họ kỹ thuật trồng, chăm sóc. Từ đó, phong trào trồng cây ăn quả cứ thế lan rộng trên đất Soi Cờ và phát triển mạnh hơn khi một số dự án trồng cây ăn quả được triển khai ở đây.

Khi hỏi về thu nhập từ trồng cây ăn quả, ông Tầm tủm tỉm “vài trăm triệu đồng/năm thôi mà”. Không bằng lòng với những gì đã có, nghe đâu có giống mới, ông Tầm lại “khăn gói quả mướp” về tận nơi để học hỏi kỹ thuật trồng, chăm sóc. Mấy năm qua, ông đã về tận Đông Triều (Quảng Ninh) để học kỹ thuật trồng na, về Khoái Châu (Hưng Yên) học trồng ổi, đồng thời quyết định trồng thêm những giống cây ăn quả mới mà nhu cầu thị trường cao, như mãng cầu, bơ và ấp ủ cùng với nhiều hộ xây dựng thương hiệu cho vùng cây ăn quả Soi Cờ.

Trở lại câu chuyện với Bí thư Chi bộ thôn Soi Cờ, ông Phạm Đình Tấn cho biết, chủ trương của thôn là sẽ chuyển đổi toàn bộ diện tích trồng ngô và một số vùng đồi thấp để mở rộng diện tích trồng cây ăn quả.

Nếu hiện thực hóa được, thì Soi Cờ sẽ trở thành “vựa quả” của Bảo Thắng. Với phương châm mùa nào quả ấy, mảnh đất giàu truyền thống cách mạng ven sông Hồng đang chuyển mình, trở thành điểm đến tham quan, trải nghiệm mỗi mùa quả chín.

Thanh Nam

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/phong-su/mua-qua-ngot-ben-song-z62n20190813073912142.htm