Mùa rươi - cuốn tiểu thuyết đậm 'chất làng' của Phạm Quang Long

Có thể nói, đọc Mùa rươi (Nhà Xuất bản Văn Học, 2022) người đọc như thấy những góc nhìn tương đối đầy đủ về một thời làng quê Việt Nam. Những hình ảnh đã vốn rất thân thương, quen thuộc trong tâm tưởng nhiều người giờ đây được tái hiện sinh động, đặc sắc trong tiểu thuyết của Phạm Quang Long.

Vừa bắt đầu tiếp cận "khúc dạo đầu" của truyện ở những trang sách đầu tiên, độc giả "bất ngờ" với một "tràng chửi" có tiết tấu nhanh, mạnh liên tục và dai dẳng. Nhân vật Hoản hiện ra với một cơn bất bình đâu đó nơi thôn trường, trở về đập cổng, quát vợ với thái độ "giận cá chém thớt". Rồi cứ thế, nhân vật Hoản được đặt trong những mối tương quan khác nhau với dân làng, với những đồng nghiệp và cả với gia đình cứ trở nên khắc nghiệt dần, như chính con người ông ta vậy.

Tiểu thuyết Mùa rươi - tác giả Phạm Quang Long

Tiểu thuyết Mùa rươi - tác giả Phạm Quang Long

Hiện lên trong tiểu thuyết Mùa rươi là tất cả những hoạt động của một làng quê Việt Nam điển hình. Những nhân vật trong thôn mà gần như chủ chốt là mối tương quan giữa những nhân vật chính, rồi những nhân vật ở phe đối lập, và cũng có những nhân vật đại diện cho lớp trẻ...

Ấn tượng nhất là những đoạn mô tả ông Hoản, một vị "quan thôn" trải qua bao nhiêu chuyện cứ bị căn bệnh suy diễn, chạnh lòng, hay cả nghĩ, cộng với tâm lý của một vị "quan thôn" hữu danh vô thực, ít được trọng dụng, bị đối thủ cùng thôn cuốn vào vòng nguy hiểm mà mãi sau này ông mới có thể nhận ra.

Mùa Rươi - câu chuyện nông thôn Việt Nam tiêu biểu và đặc sắc

Tác giả Phạm Quang Long - là Phó Giáo sư, tiến sĩ, nguyên là Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội, nguyên là Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội. Mùa Rươi là cuốn tiểu thuyết có tính chất tiếp nối về đề tài nông thôn của tiểu thuyết Chuyện làng mà tác giả Phạm Quang Long đã sáng tác năm 2020. Đọc Mùa rươi, người đọc như trở về với câu chuyện nông thôn Việt Nam của thế kỷ trước.

Những câu chuyện trong làng được kể lại một cách sinh động qua các luồng nhân vật đan xen. Những mâu thuẫn phát sinh trong hành trình sinh nhai, những chính sách về ruộng đất, quyền lợi người nông dân, rồi chuyện dồn điền, đổi thửa, những quy hoạch nông thôn mới, việc làng, việc xã, việc thôn..., khiến cho nhịp sống của làng sôi động và nhịp độ ngày càng đẩy đến cao trào.

Ngoài những tình tiết giàu cảm xúc, những nhân vật được tác giả miêu tả một cách góc cạnh và ấn tượng khiến câu chuyện lôi cuốn người đọc ngay từ những phút đầu.

Một bức tranh làng quê với những con người sở hữu những tính cách khác nhau hiện lên trong Mùa rươi thật sinh động qua cách miêu tả những sắc thái cử chỉ nhưng có tính điển hình. Đó là những cán bộ "áo luôn bỏ trong quần, chân đi dép cao su, làm việc gì cũng chỉn chu, trịnh trọng", một bà vợ "quan huyện" có vẻ ngoài rất đặc trưng của những phụ nữ thành đạt những năm đầu thế kỷ XXI - "tóc bà phi dê, da bà trắng, quần áo lúc nào cũng sạch sẽ, thơm tho. Bước qua vũng nước, bà khẽ nhón tay kéo quần lên...".

Đọc Mùa rươi, tôi rất thích cách tác giả dùng từ ngữ để miêu tả. Có thể nói, cách miêu tả người của Phạm Quang Long rất sáng tạo, đa dạng nhưng lại gần gũi, dễ hiểu. Nét gần gũi, thực chất nhất được thể hiện trong văn chương xuyên suốt Mùa rươi là cách tác giả không ngại cho nhân vật "chửi bậy". Nhiều nhân vật còn được ông cho phép "lột trần", "vạch mặt" nhau một cách không kiêng nể khi chửi bậy như vốn có trong cuộc sống thực. Những cụm từ "chửi" đậm chất "vịnh Bắc Bộ" được sử dụng không ít trong những lời thoại của các nhân vật đều đã được nhân vật thốt ra rất sống, rất đời thực.

Đồng hành với các nhân vật trong Mùa rươi, người đọc dễ dàng nhận ra những câu chuyện rất đặc trưng của một ngôi làng Bắc Bộ: từ chuyện trồng rau, nuôi lợn, nấu rượu, họp thôn, làm gạch..., đến chuyện đi Tây, học hành, cải cách, hợp tác; và cả những chuyện yêu đương, làm ăn của những người trẻ; chuyện bao đồng của những người già; chuyện "đấu đá" lẫn nhau, mưu sâu kế hiểm của những tuyến nhân vật trong khi tranh giành việc làng.

Mùa Rươi là một tác phẩm văn học đầy đặn bởi không chỉ các tuyến nhân vật phong phú, tính cách đa dạng của từng giai tầng thể hiện trong đời sống thường nhật, mà còn "chạm" tới những chuyện "đại sự", những vấn đề đang là vấn nạn ở nông thôn mới. Từ đó tác giả đã cho các nhân vật đẩy các mâu thuẫn lên cao, các thói hư tật xấu được phơi bày và buộc phải được giải quyết, pháp luật phải được thượng tôn nơi làng quê.

Dự án Đồng Rươi được nhắc đến như một kết quả của một hành trình đi tới của các nhân vật trong làng nông thôn mới ấy. Sau tất cả, những triết lý sống được tác giả gửi gắm qua những suy ngẫm của các nhân vật. Những suy ngẫm ấy cũng đã khiến những con người như nhân vật chính (Hoản) thay đổi như một tất yếu.

"Cuộc đời đâu phải những ngày hội, mà cũng chẳng phải như cực hình. Sống khó khăn cũng phải cắn răng lại mà sống". Vì vậy, sự cố gắng và nỗ lực luôn phải tồn tại song hành trong cuộc đời, để giúp ta đi tới.

"Ai cũng cần sống và xã hội cũng cần trở lại nếp sinh hoạt bình thường". Sau tất cả những sóng gió, những mâu thuẫn cuối cùng cũng được giải quyết thấu đáo. Những nỗi đau rồi cũng qua đi, dự án Đồng Rươi được tiếp tục trở lại, làng xóm trở về sự yên bình vốn có.

Giống như mọi cơn bão, dù là bão biển, mưa gió qua đi, cây cối lại hồi sức như thuở chưa biết gió bão là gì. Cuộc sống vẫn cứ diễn ra như cần phải thế.

Tuyết Trinh

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/mua-ruoi-cuon-tieu-thuyet-dam-chat-lang-cua-pham-quang-long-179230722113913717.htm