Mùa 'săn' sản vật biển ở Hà Tĩnh

Sở hữu ngư trường rộng lớn cùng nguồn hải sản phong phú, giá trị, mùa hè là lúc ngư dân các làng chài ven biển Hà Tĩnh hào hứng ra khơi, mang về 'lộc biển' phục vụ khách du lịch gần xa.

Với lợi thế chiều dài đường bờ biển hơn 137 km, Hà Tĩnh có chục làng chài với truyền thống đánh bắt hải sản lâu đời, nhiều loại hải sản thơm ngon đặc trưng, là nguồn cung dồi dào để phục vụ khách du lịch. Những ngày này, ngư dân các làng chài ở Kỳ Xuân (huyện Kỳ Anh), Kỳ Ninh (TX Kỳ Anh), Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên), Thạch Kim, Thịnh Lộc (Thạch Hà), Cương Gián, Xuân Liên, Xuân Yên (Nghi Xuân)… đã bắt đầu giong tàu, thuyền ra khơi “săn” sản vật biển, cung cấp cho thị trường.

 Với ngư trường rộng lớn, biển Hà Tĩnh nhiều tiềm năng nguồn lợi hải sản phong phú để ngư dân vươn khơi đánh bắt.

Với ngư trường rộng lớn, biển Hà Tĩnh nhiều tiềm năng nguồn lợi hải sản phong phú để ngư dân vươn khơi đánh bắt.

Đến biển Kỳ Xuân trong một ngày cuối tháng Ba, tôi được chứng kiến cảnh nhộn nhịp tàu thuyền cập bờ sau chuyến vươn khơi, mang về nhiều hải sản giá trị.

Ông Nguyễn Thanh Long (SN 1969, ở thôn Xuân Thắng, xã Kỳ Xuân) - một ngư dân với hơn 40 năm gắn bó với nghề biển, chia sẻ: “Dẫu đi biển là công việc thường xuyên nhưng mỗi dịp vào mùa nắng lên, hoạt động đánh bắt hải sản có nhiều động lực, hào hứng hơn. Bởi, ngành du lịch ngày càng phát triển, nhu cầu hải sản của các nhà hàng rất lớn, sản lượng đánh bắt được tiêu thụ rất dễ dàng, giá bán cao…”.

 Ngư dân Nguyễn Thanh Long (xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh) chuẩn bị cho chuyến ra khơi câu mực nhảy phục vụ khách du lịch.

Ngư dân Nguyễn Thanh Long (xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh) chuẩn bị cho chuyến ra khơi câu mực nhảy phục vụ khách du lịch.

Theo ông Long, hầu hết những đặc sản được du khách nói riêng, khách hàng nói chung ưa thích, có giá trị kinh tế cao như: tôm hùm, mực, ốc cay, sò mai, chang chang, vẹm, cùm cụp… đều được ngư dân Kỳ Xuân khai thác trên vùng biển Hà Tĩnh. Trong đó, ngoài mực nhảy từ nghề câu thì các loại khác đều do nghề lặn khai thác. Kỳ Xuân vốn nổi tiếng có truyền thống nghề lặn từ những năm 90 thế kỷ XX. Thời đó, kỹ thuật, thiết bị lặn còn thô sơ, hiện nay, ngư dân ở đây đã trang bị cho mình nhiều thiết bị hiện đại đảm bảo an toàn cho mỗi chuyến ra khơi. Mùa hè là thời điểm thích hợp nhất cho việc lặn biển bắt hải sản, trong đó có sò, mực nang… Riêng mực nhảy, với đặc điểm phải giữ sống đến khi vào bờ, được ngư dân đánh bắt bằng hình thức thuyền câu. Sau khi câu mực, ngư dân “nuôi” trong khoang thuyền hoặc trong giỏ tre đan đã chuẩn bị trước đó đính kèm bên hông thuyền rồi nương theo con nước vào bờ.

 Ngư dân làng chài Kỳ Xuân chuẩn bị tàu thuyền và ngư cụ ra khơi đánh bắt hải sản phục vụ du khách về với biển Hà Tĩnh.

Ngư dân làng chài Kỳ Xuân chuẩn bị tàu thuyền và ngư cụ ra khơi đánh bắt hải sản phục vụ du khách về với biển Hà Tĩnh.

Các loại hải sản từ nghề lặn, nghề câu của ngư dân Kỳ Xuân vào mùa du lịch thường được thương lái, nhà hàng mua với giá cao: tôm hùm khoảng 700-800 nghìn đồng/kg, ốc cay 110 nghìn đồng/kg, chang chang 170 nghìn đồng/kg, mực 500 nghìn đồng/kg… Hải sản đánh bắt đều được tiêu thụ nhanh chóng, trong đó đối với mực nhảy, vào mùa cao điểm du lịch, thương lái từ các nhà hàng ở Vũng Áng (TX Kỳ Anh) và Khu du lịch Thiên Cầm (Cẩm Xuyên) đưa thuyền ra mua ngay trên biển “đếm con tính tiền”.

Ông Nguyễn Đình Hào - Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Xuân cho biết: “Hiện, địa phương có 6/8 thôn với 450 hộ làm nghề biển. Toàn xã có 249 tàu, thuyền và 567 lao động là các ngư dân chuyên ra khơi đánh bắt. Trung bình mỗi năm, Kỳ Xuân cung cấp cho thị trường 800-850 tấn hải sản các loại, trong đó có nhiều loài hải sản quý như: các loài cá, mực, ốc, ghẹ, sò mai… Có được điều đó, ngoài sự ưu đãi của nguồn tài nguyên biển, thì còn do người dân Kỳ Xuân đã có truyền thống đánh bắt lâu đời, đặc biệt các thế hệ không ngừng kế thừa, sáng tạo trong khai thác ngư trường. Nghề “săn” sản vật biển thực sự đã mang lại đời sống khấm khá cho bà con, góp phần xây dựng quê hương Kỳ Xuân ngày càng phát triển".

 "Sản vật" biển do ngư dân Hà Tĩnh đánh bắt đã cập bến các nhà hàng, sẵn sàng phục vụ du khách về với biển Hà Tĩnh.

"Sản vật" biển do ngư dân Hà Tĩnh đánh bắt đã cập bến các nhà hàng, sẵn sàng phục vụ du khách về với biển Hà Tĩnh.

Rời Kỳ Xuân, tôi đến làng chài Xuân Yên (Nghi Xuân) để chứng kiến không khí chuẩn bị cho mùa đánh bắt mới - vụ cá nam. Là làng chài cổ nằm ở mạn Bắc Hà Tĩnh, với truyền thống khai thác biển có tiếng, nhiều năm qua, Xuân Yên là “vựa” hải sản cung cấp cho các nhà hàng phục vụ du khách tại các khu, điểm du lịch trong vùng, đặc biệt là Khu du lịch Xuân Thành.

Ông Trần Văn Mạnh - Bí thư Chi bộ thôn Yên Liễu kiêm Tổ trưởng Tổ đồng nghề cá số 2 xã Xuân Yên cho biết: “Địa phương có 3 thôn làm nghề đánh bắt hải sản, gồm: Yên Ngư, Hải Lợi và Yên Liễu với gần 230 tàu, thuyền các loại. Năm 2024, sản lượng khai thác hải sản đạt hơn 1.200 tấn. Từ đầu năm 2025 đến nay, chỉ riêng vụ cá trích đã đạt khoảng 600 tấn. Những ngày này là thời điểm chúng tôi chuẩn bị ngư cụ, tập trung cho khai thác các loại cua, ghẹ, mực ống… để phục vụ khách du lịch tại các nhà hàng. Mực được đánh bằng lưới vây vào ban đêm, cua ghẹ đánh lưới vào ban ngày, chỉ cần ra khơi 3-10 hải lý là đã có thể khai thác. Hải sản đánh bắt được mới cập bờ là thương lái, chủ các nhà hàng đã đón sẵn. Biển Xuân Yên luôn dồi dào các loại hải sản nên cuộc sống của ngư dân ngày càng khấm khá”.

 Ngư dân làng chài Xuân Yên (Nghi Xuân) chuẩn bị ngư cụ cho chuyến ra khơi.

Ngư dân làng chài Xuân Yên (Nghi Xuân) chuẩn bị ngư cụ cho chuyến ra khơi.

Tại làng chài Thạch Kim (Thạch Hà), nơi có cảng Cửa Sót - cảng cá lớn nhất Hà Tĩnh, không khí cũng hết sức nhộn nhịp. Ông Phan Văn Hiệu - cán bộ Ban Quản lý các Cảng cá và Khu neo đậu tránh trú bão tàu cá Hà Tĩnh cho biết: “Dịp này, trung bình mỗi ngày có 60-70 tàu thuyền cập cảng. Đây là thời điểm khởi đầu vụ cá nam, vụ đánh bắt quan trọng nhất trong năm. Thời tiết đang thuận lợi, tàu thuyền ra khơi đều thắng lợi, mang về nhiều hải sản giá trị như: mực ống, cua, ghẹ, các loại sò, cá đục, cá trích... Cảng cũng đón nhiều xe tải đến thu mua hải sản về phục vụ tại các khu, điểm du lịch”.

Hải sản tươi ngon, nguồn cung dồi dào, thời điểm này, các nhà hàng tại các khu, điểm du lịch biển Hà Tĩnh cũng đã lên thực đơn chuẩn bị đón khách.

Anh Nguyễn Xuân An - chủ nhà hàng Hải Châu (bãi tắm Xuân Hải, thị trấn Lộc Hà, huyện Thạch Hà) cho biết: “Cùng với chỉnh trang lại cơ sở, chúng tôi cũng đã bắt đầu thu mua hải sản tươi sống, nuôi dưỡng trong bể chứa để chuẩn bị đón khách. Năm nay, nhà hàng sẽ có những món ăn hấp dẫn chế biến từ hải sản vùng biển Hà Tĩnh như: gỏi cá đục, gỏi mực, mực nhảy, tôm hùm nướng bơ, sò mai nướng… sẵn sàng phục vụ du khách”.

 Cảnh nhộn nhịp thu hoạch hải sản sau chuyến ra khơi đánh bắt của ngư dân Hà Tĩnh tại Cảng cá Cửa Sót (Thạch Kim, Thạch Hà) một ngày cuối tháng 3/2025.

Cảnh nhộn nhịp thu hoạch hải sản sau chuyến ra khơi đánh bắt của ngư dân Hà Tĩnh tại Cảng cá Cửa Sót (Thạch Kim, Thạch Hà) một ngày cuối tháng 3/2025.

Tạm biệt các làng chài với không khí rộn ràng, hào hứng của ngư dân trước mùa du lịch sôi động, nhìn về phía biển, con nắng đầu mùa mang theo làn gió mát hong khô những mạn thuyền, tôi không khỏi bồi hồi cảm xúc. Những câu thơ trong bài “Đoàn thuyền đánh cá” của Huy Cận như vang lên: "Ta hát bài ca gọi cá vào/ Gõ thuyền đã có nhịp trăng cao/ Biển cho ta cá như lòng mẹ/ Nuôi lớn đời ta tự buổi nào". Biển không chỉ mang chứa truyền thống văn hóa, lịch sử mà là nguồn tài nguyên quý giá để kiến tạo nên những giá trị quê hương hôm nay, trong đó với Hà Tĩnh, sản vật biển đang góp phần đưa ngành du lịch phát triển.

Thiên Vỹ

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/mua-san-san-vat-bien-o-ha-tinh-post285409.html