Mua thuốc chữa COVID chui
Ở Hà Nội, chỉ cần có nhu cầu mua thuốc điều trị COVID-19 là khách hàng được các đối tượng rao bán trên mạng xã hội cung cấp. Hầu hết các đối tượng bán thuốc đều muốn giao qua dịch vụ để tránh bị phát hiện hoặc dẫn dụ khách đến những địa chỉ định trước rồi lén lút giao hàng, nhanh chóng rời đi…
Dẫn dụ khách từ chợ thuốc đến ngõ sâu
Chủ động nhắn tin cho tài khoản tên H. N., chúng tôi được báo giá 2,2 triệu đồng/lọ thuốc kháng virus Molnupiravir 200mg MOLAZ (xuất xứ Ấn Độ). “Đây là giá thuốc hôm nay, nhà chị bán hàng chuẩn, không có hàng nhái. Em lấy, chị bớt 100 nghìn đồng, gửi địa chỉ, chị cho người ship qua”, H.N. mời chào.
Để cam kết hàng chuẩn, H.N. gửi kèm hình ảnh một đoạn trò chuyện nhóm thể hiện thuốc có hiệu quả: “Có bán hàng cho các bác sĩ, người bệnh. Sau khi sử dụng thuốc đã âm tính với SARS-CoV-2”… Ngỏ ý muốn kiểm tra hàng trước khi mua, H. N. hướng dẫn chúng tôi đến chợ thuốc Hapulico (trên đường Vũ Trọng Phụng, quận Thanh Xuân, Hà Nội). “Em muốn xem hàng thì đến chợ thuốc Hapulico, nhà chị có sẵn thuốc. Đến thì nhắn tin hoặc gọi số 0985.08x.xxx chị cho người mang xuống”, H.N. trả lời.
Theo Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19 của Bộ Y tế ban hành ngày 28/1/2022, các thuốc kháng vi rút trong điều trị COVID-19 bao gồm: Remdesivir, Favipiravir, Nirmatrelvir kết hợp với Ritonavir. Các loại thuốc này được sử dụng theo chỉ định của bác sĩ và tùy thuộc vào giai đoạn của bệnh. Theo hướng dẫn này, thuốc Molnupiravir mới được thí điểm điều trị cho các trường hợp mắc COVID-19 thể nhẹ, thể không triệu chứng điều trị tại các cơ sở y tế, khu cách ly, khu thu dung điều trị và tại nhà. Các loại thuốc này được cấp phát miễn phí để điều trị theo chỉ định của bác sĩ, chưa được phép bán trên thị trường.
Tuy nhiên, khi đến chợ thuốc Hapulico, số điện thoại của H.N. cho không thể liên lạc được, gọi qua ứng dụng chat Facebook cũng không bắt máy. Nửa tiếng sau, H.N. nhắn lại “đã bán hết”. Như vẫn tiếc “con mồi”, người này tiếp tục nhắn: “Cho địa chỉ, chị ship cho thôi”. Tỏ ý đang cần gấp để người nhà sử dụng, cần lấy luôn, H.N. lại chỉ dẫn chúng tôi đến địa chỉ khác. “Em đến số 200 phố Trần Điền (Định Công, Hoàng Mai), chị cho người nhà mang thuốc ra”, H.N. hướng dẫn.
Đến địa chỉ trên, sau 15 phút chờ đợi, một người đàn ông đội mũ, bịt khẩu trang kín mít phóng xe máy (biển số 18V1. 55xx) đến đầu ngõ nơi phóng viên đang đứng ngó nghiêng. Sau mấy phút gọi điện kiểm tra, người này mới tiến đến gần phóng viên giới thiệu là chồng của H.N. để giao dịch.
Lọ thuốc được để trong túi bóng màu đen, quấn chặt băng dính để ngụy trang. Chờ khách bóc hàng ra kiểm tra, người đàn ông tỏ ý sốt ruột, liên tục bấm điện thoại, ngó nghiêng cảnh giác. Lấy cớ không mang đủ tiền, phóng viên xin thông tin số tài khoản của người này để chuyển khoản.
Sau khi điện thoại báo tài khoản đã đủ tiền, người đàn ông này mới chuyển giao lọ thuốc rồi nhanh chóng vít ga phóng đi. Đây là con ngõ có hàng loạt ngã rẽ, là nơi thuê trọ của lao động tự do nên dù đã bố trí sẵn người trong con ngõ nhưng chúng tôi cũng không đuổi kịp người đàn ông này.
Chất lượng cam kết... miệng
Những ngày gần đây, khi Hà Nội liên tục có số ca mắc COVID-19 cao nhất cả nước, thị trường chợ đen bán thuốc chữa COVID-19 càng nóng. Trên mạng xã hội, nhiều hội nhóm được lập ra như “Chợ thuốc Hapulico”; “Chợ thuốc Molnupiravir” để rao bán rầm rộ các loại thuốc điều trị COVID-19 của Nga, Trung Quốc, Ấn Độ… thu hút nhiều người quan tâm.
Tại nhóm “Chợ thuốc Molnupiravir” (có khoảng 700 thành viên) tràn lan lời rao bán thuốc điều trị COVID-19. Chỉ trong ngày 9/2 có hàng chục tài khoản đăng thông tin bán thuốc Molnupiravir. Tài khoản Huong Nguyen, KimAnh Chan, Nguyễn Phương Hạnh, Dược Minh, Sally Phan, Lê Tiến… đăng hàng loạt dòng trạng thái rao bán. Để thu hút sự chú ý, những tài khoản này còn đăng kèm hình ảnh các loại thuốc, công dụng “Uống thuốc nhanh âm tính, không để lại di chứng” và hướng dẫn sử dụng: “Một lọ Molnupiravir MOLAZ dùng cho 1 người trong 5 ngày bảo đảm khỏi, ngày 8 viên chia 2 lần uống”. Những quảng cáo này nhận được hàng chục bình luận hỏi giá và nhận báo giá... Không ít những tài khoản có hàng nghìn bạn bè (đã được sử dụng từ lâu), nhiều tài khoản cung cấp rõ số điện thoại di động, tài khoản ngân hàng…
Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) khẳng định, việc mua, bán, sử dụng các thuốc không được phép lưu hành trên thị trường là vi phạm nghiêm trọng quy định của Luật Dược và tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân, giảm hiệu quả phòng chống dịch, nguy cơ thuốc giả, thuốc nhập lậu. Việc buôn bán thuốc chưa được phép lưu hành vi phạm quy định về bán buôn, bán lẻ thuốc theo Điều 40 Nghị định 176/2013/NĐ-CP (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế). Theo quy định này, người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề dược, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc trong thời hạn từ 3 tháng đến 6 và buộc tiêu hủy toàn bộ số thuốc.
Hai loại thuốc kháng vi rút là Molnupiravir, Favipiravir gắn mác “hàng xách tay”, đang được rao bán nhiều nhất. Theo quảng cáo Molnupiravir MOLAZ có giá trung bình từ 1,4 - 2,2 triệu đồng/lọ 40 viên, Molnupiravir 200 mg Optimus giá 8,2 triệu đồng/hộp, còn Molnupiravir 400 mg Stella có giá 14 triệu đồng/hộp. Mức giá này cao hơn nhiều lần so với giá trên các trang thương mại quốc tế. Chẳng hạn, trên trang thương mại điện tử indiamart.com, một hộp Molnupiravir MOLAZ được rao bán giá khoảng 2.400 rupee Ấn Độ, bằng khoảng 726.000 đồng.
Đặc điểm của các loại thuốc này đều không có tem nhãn phụ, người bán hàng chỉ cam kết bằng miệng là “hàng xách tay”, có người dùng đã khỏi, và không có bất cứ giấy tờ gì đảm bảo.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/mua-thuoc-chua-covid-chui-post1415358.tpo