JF-17 được quảng cáo là loại tiêm kích giá rẻ đa chức năng có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết với trọng lượng nhẹ, theo các chuyên gia quân sự Trung Quốc. Tuy nhiên, JF-17 hiện trở thành gánh nặng cho Pakistan.
Vào năm 1999, Pakistan và Trung Quốc đã ký một thỏa thuận hợp tác phát triển và sản xuất tiêm kích giá rẻ JF-17. Hai bên cũng đã quyết định chia sẻ chi phí phát triển, trước khi bàn giao hoàn toàn sản phẩm cho Pakistan.
Pakistan kỳ vọng chiến đấu cơ JF-17, được trang bị động cơ RD 93 của hãng Klimov (Nga), sẽ có tính năng ngang hàng với chiến đấu cơ Su-30MKI, Mig-29 của Nga sản xuất và Mirage-2000 của Pháp.
Tuy nhiên, truyền thông Pakistan đưa tin JF-17, không đáp ứng hầu hết yêu cầu trong quá trình đánh giá độ hiệu quả và trong nhiệm vụ thực sự.
Chẳng hạn, vào ngày 27/2/2019, trong chiến dịch của Không quân Pakistan trả đũa Ấn Độ, sau vụ nước này tấn công các tay súng Pakistan, JF-17 được phát hiện hoạt động kém hiệu quả so với những chiếc chiến đấu cơ Mirage-2000 và Su-30 của Ấn Độ.
Hệ thống liên kết dữ liệu Link-17 nội địa, của JF-17 được đánh giá không đáng tin cậy, vì không truyền dữ liệu đủ về trung tâm chỉ huy và không thể tích hợp với Link-16 của chiến đấu cơ F-16 do Mỹ sản xuất, để phối hợp thực hiện chiến dịch. Thậm chí JF-17 không có hệ thống tên lửa đánh chặn trên không hiệu quả.
JF-17 được ca ngợi là máy bay chiến đấu tốt nhất của Không quân Pakistan, chỉ đứng sau tiêm kích F-16, nhưng độ tấn công chính xác kém và khả năng mang vũ khí hạn chế đã được chứng minh trên thực địa.
Trong chiến dịch ngày 27/2/2019, tất cả quả bom REK trên những chiếc JF-17 đã không thể ném trúng mục tiêu, lúc đối mặt các đợt tấn công và gây nhiễu hiệu quả từ các chiến đấu cơ Ấn Độ.
Phần quan trọng của hệ thống điện tử trên JF-17, là hệ thống radar KLJ-7 Al và hệ thống điện tử kiểm soát vũ khí đều gặp sự cố, làm giảm độ chính xác khi phóng tên lửa không đối không.
Một trong số nguyên nhân chính dẫn đến hiệu suất kém của JF-17, được cho là do sử dụng động cơ RD-93, vốn được xem là loại động cơ kém nhất của Nga.
Một số điểm yếu khác của JF-17 là bánh đáp, ở phần mũi máy bay bị rung lắc. Bên cạnh đó, các vết nứt ở bụng máy bay được phát hiện cho thấy quá trình sản xuất hoặc thiết kế yếu kém.
Ngoài ra, không chỉ phần thân mà hệ thống điện, trên vòm kính che buồng lái của JF-17 cũng bị trục trặc. Đây là lỗi có thể khiến phi công khó phóng thoát ra ngoài trong trường hợp khẩn cấp.
Tuy có giá rất rẻ, chỉ bằng 1/3 giá bán của máy bay chiến đấu F-16 (khoảng 25 triệu USD/chiếc), tính năng được cho là tương đương (theo giới thiệu của nhà sản xuất), nhưng hiện JF-17 vẫn chưa có nhiều khách hàng để ý. Qua việc nứt khung, thân máy bay, chắc chắn những quốc gia có ý định mua loại máy bay này phải xem xét lại. Nguồn ảnh: Military-today.
Trung Quốc và Pakistan vẫn miệt mài "quảng cáo" cho tiêm kích JF-17.
Thái Hòa