Mưa dông gây nhiều thiệt hại ở Cà Mau

Mưa to kèm theo lốc xoáy vào ngày 26/7 tại các xã Khánh Tiến và Khánh Hòa thuộc huyện U Minh, tỉnh Cà Mau đã làm sập 8 căn nhà, tốc mái 13 căn nhà khác, ước tính thiệt hại trị giá trên 1,2 tỷ đồng.

Một căn nhà bị sập do dông lốc. Ảnh: TTXVN phát

Một căn nhà bị sập do dông lốc. Ảnh: TTXVN phát

UBND huyện U Minh đã nhanh chóng thành lập đoàn công tác đến 2 xã nêu trên để nắm tình hình, tổ chức thăm hỏi, động viên và hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả sau thiên tai nhằm sớm ổn định cuộc sống, sản xuất. Đồn Biên phòng xã Khánh Tiến, huyện U Minh đã cử hàng chục cán bộ, chiến sĩ phối hợp với chính quyền địa phương và lực lượng chức năng giúp dân khắc phục hậu quả sau thiên tai, nhanh chóng dựng lại nhà ở.

Chính quyền địa phương phối hợp các lực lượng chức năng giúp người dân khắc phục hậu quả sau thiên tai. Ảnh: TTXVN phát

Chính quyền địa phương phối hợp các lực lượng chức năng giúp người dân khắc phục hậu quả sau thiên tai. Ảnh: TTXVN phát

Trước đó, ngày 25/7, ở huyện Đầm Dơi liên tiếp xảy ra 6 vụ sạt lở đất ven sông. Rất may là không có thiệt hại về người, nhưng tài sản, diện tích sản xuất, nuôi trồng thủy sản của các hộ dân tại các xã Ngọc Chánh, Thanh Tùng, Tân Dân bị ảnh hưởng nặng nề.

Lãnh đạo UBND huyện U Minh thăm hỏi, hỗ trợ người dân bị thiệt hại do thiên tai gây ra. Ảnh: TTXVN phát

Lãnh đạo UBND huyện U Minh thăm hỏi, hỗ trợ người dân bị thiệt hại do thiên tai gây ra. Ảnh: TTXVN phát

Theo dự báo, những tháng còn lại trong năm 2024 sẽ xuất hiện từ 10-12 cơn bão, áp thấp nhiệt đới trên biển Đông. Trong đó khoảng 5 - 6 cơn bão, áp thấp nhiệt đới có khả năng ảnh hưởng đến đất liền nước ta. Biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, thiên tại tiếp tục diễn biến phức tạp sẽ gây thiệt hại về người và tài sản, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân.

Để chủ động ứng phó với thiên tai, Cà Mau tập trung đầu tư xây dựng, củng cố các công trình phòng, chống thiên tai, đảm bảo tính mạng, tài sản cho người dân. Đồng thời chủ động từ sớm, từ xa các biện pháp; xây dựng kế hoạch, phương án phòng, chống và tìm kiếm cứu nạn sát với cảnh báo, dự báo gắn với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin.

Cán bộ, chiến sĩ đồn Biên phòng Khánh Tiến, huyện U Minh, giúp người dân khắc phục hậu quả sau thiên tai. Ảnh: TTXVN phát

Cán bộ, chiến sĩ đồn Biên phòng Khánh Tiến, huyện U Minh, giúp người dân khắc phục hậu quả sau thiên tai. Ảnh: TTXVN phát

Mặt khác, tỉnh tăng cường giải pháp bảo vệ các công trình trọng điểm; rà soát và chủ động xây dựng kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai, theo dõi sát tình hình thực tế để chủ động xử lý khi có thiên tai xảy ra; chú trọng tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân về phòng, chống thiên tai.

Từ đầu năm 2024 đến ngày 26/7, thiên tai ở Cà Mau đã gây thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 35,7 tỷ đồng. Toàn tỉnh có 111 căn nhà bị sập, tốc mái; 80 vị trí ven sông bị sạt lở với chiều dài hơn 2,1 km; gãy một cây cầu bê tông; 6 trụ điện, cáp viễn thông và 4 cây xanh bị ngã đổ... Bên cạnh đó, mưa to gây ngập úng, thiệt hại 575ha lúa Hè Thu. Hạn hán làm sạt lở, sụt lún 730 vị trí với tổng chiều dài hơn 19km.

Kim Há

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/xa-hoi/mua-dong-gay-nhieu-thiet-hai-o-ca-mau-20240726153100188.htm