Mưa to và dông ở phía Bắc tiếp tục gây ra sạt lở và ngập úng diện rộng

Khu vực Tây Bắc và Việt Bắc của Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to và dông, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 30-80mm, cảnh báo nguy cơ sạt lở ở Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Lào Cai...

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ sáng 1 đến ngày 2/8, khu vực Tây Bắc và Việt Bắc của Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to và dông, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 30-80mm, cục bộ có nơi trên 200mm. Từ đêm 2/8, mưa lớn ở khu vực Tây Bắc và Việt Bắc có xu hướng giảm dần.

Ngoài ra, ngày và đêm 1/8, các khu vực khác ở Bắc Bộ có mưa rào, dông rải rác, cục bộ có nơi mưa to với lượng mưa từ 15-30mm, cục bộ có nơi trên 50mm. Độ rủi ro thiên tai do mưa lớn, lốc, sét cấp 1.

Các chuyên gia cũng đưa ra cảnh báo cụ thể về lũ quét, sạt lở đất đối với một số huyện thành phố của các tỉnh như Mường Tè, Nậm Nhùn, Phong Thổ, Sìn Hồ, Tam Đường, Tân Uyên (Lai Châu); Điện Biên, Điện Biên Phủ, Mường Ảng, Mường Chà, Mường Nhé, Nậm Pồ, thị xã Mường Lay, Tủa Chùa, Tuần Giáo (Điện Biên); Bắc Yên, Mai Sơn, Mường La, Quỳnh Nhai, Vân Hồ, Yên Châu (Sơn La); Bắc Hà, Bảo Yên, Bát Xát, Mường Khương, Sa Pa, Si Ma Cai, Văn Bàn (Lào Cai); Mù Cang Chải, Trấn Yên, Văn Chấn, Văn Yên (Yên Bái); Bắc Mê, Bắc Quang, Hoàng Su Phì, Quản Bạ, Quang Bình, Vị Xuyên (Hà Giang).

Mưa lớn gây lũ ở huyện Yên Sơn, Tuyên Quang. (Ảnh: TTXVN phát)

Mưa lớn gây lũ ở huyện Yên Sơn, Tuyên Quang. (Ảnh: TTXVN phát)

Các huyện Chiêm Hóa, Na Hang, Sơn Dương, thành phố Tuyên Quang, Yên Sơn (Tuyên Quang); Bạch Thông, Chợ Đồn, Chợ Mới, Ngân Sơn, Pác Nặm, Thành phố Bắc Kạn (Bắc Kạn); Đại Từ, Định Hóa, Đồng Hỷ, Phổ Yên, Phú Bình, Phú Lương, Sông Công, thành phố Thái Nguyên, Võ Nhai (Thái Nguyên); Bảo Lạc, Bảo Lâm, thành phố Cao Bằng, Hạ Lang, Hà Quảng, Hòa An, Nguyên Bình, Thạch An, Trùng Khánh (Cao Bằng); Bình Liêu, Đầm Hà, Hải Hà, Móng Cái, Tiên Yên (Quảng Ninh) cũng có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất.

Bên cạnh đó, mưa với cường độ lớn trong một thời gian ngắn gây ngập úng tại các khu đô thị; trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.

* Cao Bằng: Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, từ ngày 27 đến 31/7 trên địa bàn tỉnh Cao Bằng xuất hiện mưa lớn kéo dài trên diện rộng khiến cho nhiều công trình giao thông bị sạt lở, hoa màu bị ngập úng, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sinh hoạt của nhân dân.

Đường giao thông và nhiều diện tích hoa màu ở xã Nam Tuấn, huyện Hòa An bị ngập trong nước lũ. (Ảnh: TTXVN phát)

Đường giao thông và nhiều diện tích hoa màu ở xã Nam Tuấn, huyện Hòa An bị ngập trong nước lũ. (Ảnh: TTXVN phát)

Đặc biệt, do mưa lớn kéo dài, nền đất ngấm nước gây ra rất nhiều vụ sạt lở taluy của các công trình giao thông. Trong đó, Quốc lộ 3 bị sạt lở taluy dương, gây tắc giao thông (đã xử lý thông xe); đường tỉnh 218 sạt lở taluy dương 02 điểm, khối lượng sạt lở khoảng 500m3, gây tắc đường.

Ngoài ra, hàng chục tuyến giao thông nông thôn cũng bị sạt lở. Một số tuyến đường bị nứt, lún, có nguy cơ hư hỏng...

UBND tỉnh Cao Bằng đã chỉ đạo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện, xã theo dõi sát sao tình hình; vận động, hỗ trợ nhân dân sơ tán người, tài sản khỏi các khu vực có nguy cơ sạt lở, đồng thời khẩn trương rà soát, thống kê báo cáo thiệt hại, lên phương án hỗ trợ cho người dân.

* Bắc Kạn: UBND tỉnh vừa công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai đối với khu vực sạt lở tại Tổ 4, phường Đức Xuân, thành phố Bắc Kạn. Trước đó, từ đầu tháng 7, tỉnh Bắc Kạn đã công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai đối với ba khu vực sạt lở tại Tổ nhân dân Hát Deng, trụ sở Công an xã Xuân Lạc, trụ sở Công an huyện Ba Bể.

Đoạn Quốc lộ 3B thuộc địa phận xã Cư Lễ (huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn) bị đất đá sạt lở, gây ách tắc cục bộ. (Ảnh: TTXVN phát)

Đoạn Quốc lộ 3B thuộc địa phận xã Cư Lễ (huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn) bị đất đá sạt lở, gây ách tắc cục bộ. (Ảnh: TTXVN phát)

Tỉnh Bắc Kạn thực hiện các biện pháp khẩn để ứng phó và khắc phục hậu quả nhằm ngăn chặn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do sạt lở đất gây ra; tổ chức thực hiện xử lý bước đầu đảm bảo an toàn, có phương án đảm bảo an toàn cho người dân, phương tiện đi lại và cơ sở hạ tầng, cử người canh gác tại khu vực sạt lở (nếu cần thiết), cắm biển cảnh báo nguy hiểm để người dân, tổ chức biết phòng tránh.

* Sơn La: Do ảnh hưởng của cơn bão số 2, xã Chiềng Đen, TP Sơn La, tỉnh Sơn La đã xuất hiện mưa lớn kéo dài gây thiệt hại đến tài sản, nhà ở, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, đi lại của người dân.

Đặc biệt, hiện tại, 38 hộ dân tại bản Phiêng Nghè và hàng chục ha diện tích nông nghiệp, cây ăn quả, hoa màu bị ngập trong biển nước.

Nhằm hỗ trợ trước mắt cho nhân dân bản Phiêng Nghè do bị ngập lụt, các đoàn công tác, thiện nguyện của tỉnh Sơn La đã đến thăm hỏi động viên, chia sẻ, tặng các suất quà cho các hộ dân bị thiệt hại về nhà ở, tài sản, hoa màu, gồm các mặt hàng thiết yếu như gạo, mỳ tôm, cá khô, cá hộp, nước uống, bột giặt, dầu ăn, bánh kẹo…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Nguyễn Thành Công cùng lãnh đạo các sở, ngành, đoàn thể kiểm tra khu vực ngập lụt tại bản Phiêng Nghè, chiều 31/7/2024. (Ảnh: Quang Quyết/TTXVN)

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Nguyễn Thành Công cùng lãnh đạo các sở, ngành, đoàn thể kiểm tra khu vực ngập lụt tại bản Phiêng Nghè, chiều 31/7/2024. (Ảnh: Quang Quyết/TTXVN)

Đến kiểm tra tình trạng ngập lụt, thăm hỏi và động viên nhân dân bản Phiêng Nghè, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Nguyễn Thành Công yêu cầu cấp ủy, chính quyền địa phương tập trung các giải pháp hỗ trợ nơi ở tạm cho các hộ dân bị ngập úng; hỗ trợ nhu yếu phẩm thiết yếu cho nhân dân; không để xảy ra tình trạng thiếu đói, thiếu nước sạch, dịch bệnh.

Trong trường hợp lũ tiếp tục dâng cao, UBND TP Sơn La lên các phương án di dân tái định cư, ổn định đời sống cho nhân dân.

* Nghệ An: Bộ Giao thông Vận tải vừa công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai để ứng phó, khắc phục hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ tại lý trình từ Km 264+300-Km 264+900 Quốc lộ 16 do các đợt mưa lớn gây ra tại tỉnh Nghệ An từ ngày 12-15/7.

Theo đó, thời gian qua, các đợt mưa, lũ tại tỉnh Nghệ An đã gây hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ tại lý trình từ Km 264+300-Km 264+900 quốc lộ 16 tỉnh Nghệ An, có nguy cơ đe dọa trực tiếp đến an toàn tính mạng của người, phương tiện tham gia giao thông đường bộ.

Một điểm sạt lở kết cấu hạ tầng tuyến đường do mưa lũ gây ra. (Ảnh: TTXVN phát)

Một điểm sạt lở kết cấu hạ tầng tuyến đường do mưa lũ gây ra. (Ảnh: TTXVN phát)

Cục Đường bộ Việt Nam đã rà soát, xác định cụ thể hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông thuộc hệ thống quốc lộ và ban hành Lệnh xây dựng công trình khẩn cấp nhằm khắc phục hậu quả thiên tai gây ra được xác định từ ngày 12-15/7.

Bộ Giao thông Vận tải giao các cơ quan, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ được giao thực hiện các hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai theo quy định về phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai trong lĩnh vực đường bộ của bộ.

Cục Đường bộ Việt Nam, Sở Giao thông Vận tải Nghệ An theo phạm vi, trách nhiệm quản lý triển khai các hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai quy định, trong đó thực hiện rà soát, xác định cụ thể mức độ hư hỏng công trình đường bộ do tình huống thiên tai gây ra, giải pháp sửa chữa khắc phục và ban hành Lệnh xây dựng công trình khẩn cấp để khắc phục hậu quả thiên tai theo quy định của pháp luật.

P.V (tổng hợp)

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/mua-to-va-dong-o-phia-bac-tiep-tuc-gay-ra-sat-lo-va-ngap-ung-dien-rong_165403.html