Mưa trái mùa giúp thủy điện tiết kiệm xả nước cho vụ Đông Xuân

Lượng mưa trái mùa lớn đã giúp các địa phương vùng Trung du và đồng bằng Bắc Bộ đảm bảo nước cho 30% diện tích gieo cấy vụ Đông Xuân 2019-2020, giúp các hồ chứa thủy điện tiết kiệm được hơn 11,74 tỷ m3 nước so với cùng kỳ năm 2019.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Ngày 5/3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị tổng kết công tác chỉ đạo, điều hành cấp nước phục vụ gieo cấy lúa vụ Đông Xuân 2019-2020 khu vực Trung du và đồng bằng Bắc bộ.

Trước đó, Bộ NN&PTNT đã tính toán và lựa chọn phương án xả ở mực nước thấp. Theo đó, mực nước sông Hồng tại Trạm Thủy văn Hà Nội được duy trì ở mức cao nhất 2,0m (đợt 2), thấp nhất là 1,4m (đợt 3) và đợt 1 chỉ xả ở mức 1,6m trở lên. Tuy nhiên, theo Tổng cục Thủy lợi, đợt 1 lấy nước, mực nước tại Trạm Thủy văn Hà Nội đạt trung bình từ 1,2-1,6m, ở mức tương đối thấp, làm hiệu quả đẩy mặn không cao, gây khó khăn cho việc lấy nước.

Nhiều địa phương đã chủ động vào cuộc lấy nước rất quyết liệt trước và trong đợt 1: Khoảng 30% diện tích có nước do các địa phương đã sửa chữa các trạm bơm, lắp các trạm bơm dã chiến. Các địa phương phải chi tiền điện rất nhiều, không chờ đợt xả nước đầu tiên để lấy nước.

Kết thúc đợt 1 tổng diện tích có nước của các địa phương là trên 286.000ha, đạt 54% diện tích. Sau khi kết thúc đợt 1 lấy nước, đã có "trận mưa vàng" trên diện rộng (từ ngày 24-26/1/2020) với tổng lượng mưa phổ biến từ 60-90 mm và các địa phương vẫn tranh thủ vận hành công trình tiếp tục lấy nước nên diện tích đủ nước tăng thêm khoảng 30%.

Do vậy, đợt 2 và đợt 3 được điều chỉnh giảm số ngày lấy nước tổng cộng là 6 ngày, đồng thời giữ mực nước tại hạ du hệ thống sông Hồng linh hoạt, vừa đảm bảo công trình thủy lợi lấy nước hiệu quả, vừa tiết kiệm nguồn nước xả từ các hồ chứa thủy điện.

Theo ông Nguyễn Hồng Khanh, Cục trưởng Cục Quản lý công trình (Tổng cục Thủy lợi), trước khi thực hiện xả nước, các hồ chứa thủy điện ở thượng nguồn hệ thống sông Hồng - Thái Bình là 9,46 tỷ m3 đạt khoảng 60% dung tích thiết kế (thấp hơn khoảng 6 tỷ m3 so với trước đợt điều tiết nước phục vụ gieo cấy năm 2018-2019). Đặc biệt, hồ Hòa Bình chỉ đạt 63% dung tích thiết kế - mức thấp nhất trong 30 năm qua, kể từ khi đưa vào vận hành.

Mặc dù vậy, tỷ lệ lấy nước trong đợt 2 đạt khá cao, dù đã giảm bớt 3 ngày. Kế thúc đợt 2 (ngày 9/2/2020) diện tích có nước là 510.900 ha đạt 96,2%, trong đó, 10 địa phương đã đảm bảo 100% diện tích gieo cấy theo kế hoạch đủ nước hoặc còn phần diện tích nhỏ chủ động cấp nước; riêng Thành phố Hà Nội diện tích đủ nước chỉ đạt 84,7%.

"Thông thường khi đạt trên 95% diện tích chúng ta có thể dừng xả nước" - ông Nguyễn Hồng Khanh nói. Tuy nhiên, đợt 3 xả nước vẫn tiếp tục trong 3 ngày với sự điều chỉnh linh hoạt, hầu như chỉ để phục vụ việc lấy nước của TP. Hà Nội.

Kết thúc 3 đợt lấy nước, diện tích có nước ở khu vực Trung du và đồng bằng Bắc bộ là 529.900 ha, đạt 99,8%; trong đó, diện tích chưa đủ nước bao gồm khoảng 450 ha phải tiếp tục cấp nước bằng trạm bơm dã chiến Phù Sa.

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đã đánh giá cao sự chủ động vào cuộc lấy nước từ các địa phương và bà con nông dân. Cùng với đó, Thứ trưởng cho biết đã bàn với TP. Hà Nội về việc xây dựng đập để nâng mực nước sông Hồng và phía thành phố đã đồng ý triển khai.

"Làm đập không chỉ nâng mực nước sông Hồng mà còn giúp việc xây dựng thành phố hai bên bờ sông. Về lâu dài, để không lệ thuộc vào nguồn nước các hồ thủy điện xả, các địa phương cần quan tâm đầu tư xây dựng các trạm bơm, nhất là trạm bơm cột nước thấp lấy nước".

Đỗ Hương

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/kinh-te/mua-trai-mua-giup-thuy-dien-tiet-kiem-xa-nuoc-cho-vu-dong-xuan/389103.vgp