'Mưa trên cánh bướm': Sự thật phía sau vụ ngoại tình của người chồng

'Mưa trên cánh bướm' của đạo diễn Dương Diệu Linh là bộ phim đầu tiên của Việt Nam ra rạp trong năm 2025. Phim được nhận xét không quá khó xem, khó 'thẩm' như những bộ phim nghệ thuật khác.

Doanh thu khả quan

Rạp Việt đầu năm 2025 "khai màn" với phim "Mưa trên cánh bướm" của đạo diễn Dương Diệu Linh.

Trước khi ra rạp (ngày 3/1), phim gây chú ý khi giành giải Phim hay nhất và Phim sáng tạo nhất tại Tuần lễ Phê bình phim quốc tế tại Liên hoan phim Venice 2024.

Tính đến chiều 4/1, phim đạt doanh thu hơn 110 triệu đồng - con số ấn tượng với một bộ phim nghệ thuật khi chiếu tại rạp Việt, theo Box office Vietnam.

Diễn viên Tú Oanh (phải) vào vai người phụ nữ trung niên cô độc, bị chồng phản bội và tuyệt vọng tìm cách níu giữ.

Diễn viên Tú Oanh (phải) vào vai người phụ nữ trung niên cô độc, bị chồng phản bội và tuyệt vọng tìm cách níu giữ.

"Mưa trên cánh bướm" kết hợp từ nhiều thể loại, bao gồm hài kịch pha lẫn chút kinh dị, phim lấy bối cảnh từ cuộc sống thường nhật của một gia đình kiểu mẫu tại Hà Nội.

Phim ghi điểm khi khai thác câu chuyện gia đình quen thuộc với những lối sống, suy nghĩ và hành động đậm chất Việt Nam.

"Mưa trên cánh bướm" là câu chuyện xoay quanh gia đình bà Tâm (Tú Oanh đóng) sau một biến cố lớn khi bà phát hiện chồng - ông Thành (Lê Vũ Long) ngoại tình trên sóng truyền hình.

Bà Tâm tìm đến một thầy bùa nhằm "kéo hồn" chồng về nhà, nhưng lại vô tình đánh thức một thế lực kỳ bí trong chính ngôi nhà của mình.

Trong khi đó, Hà (Nguyễn Nam Linh) – con gái bà Tâm tức giận và thất vọng về bố, càng quyết tâm bỏ xứ đi du học ở trời Tây.

Cách diễn giải độc đáo của đạo diễn Dương Diệu Linh lời nguyền liên thế hệ giống như một con "quái vật" cũng được đánh giá cao.

Bà Tâm tìm thầy bùa về tìm cách níu giữ chồng ngoại tình.

Bà Tâm tìm thầy bùa về tìm cách níu giữ chồng ngoại tình.

Chia sẻ về cảm hứng thực hiện bộ phim, đạo diễn Dương Diệu Linh cho biết cô lấy ý tưởng từ cuộc sống của chính những người phụ nữ xung quanh mình. Nữ đạo diễn đã giành 4 năm để hoàn thành kịch bản của bộ phim đầu tay này.

"Tôi viết kịch bản của bộ phim này dựa trên những trải nghiệm riêng của mình từ ngày bé đến giờ. Bên cạnh đó, tôi cũng muốn khắc họa những khoảng cách thế hệ trong cuộc sống hiện nay, những điều người lớn cho là vô bổ đôi khi lại là thú vui của người trẻ.

Đó là lý do vì sao tôi không chỉ kể câu chuyện của riêng bà Tâm, mượn nỗi đau của bà để nói lên sự bất lực của cả ba người trong gia đình. Tôi mong bộ phim gợi được cho khán giả những câu chuyện đơn giản, thường thấy trong cuộc sống, từ đó chạm được sự đồng cảm của mọi người".

Thông điệp nghệ thuật thông qua các chi tiết ẩn dụ

Điều đặc biệt trong "Mưa trên cánh bướm" là có nhiều ẩn dụ để khán giả vừa thấy mình trong đó vừa kích thích sự tò mò của khán giả.

Bối cảnh chính của "Mưa trên cánh bướm" là căn nhà dột nát, tối tăm cũ kỹ.

Bối cảnh chính của "Mưa trên cánh bướm" là căn nhà dột nát, tối tăm cũ kỹ.

Chẳng hạn như vết dột khó chịu trên trần nhà được nhắc đi nhắc lại. Qua đó, "Nhà dột từ nóc" là thông điệp mang nghĩa đen lẫn nghĩa bóng xuyên suốt tác phẩm.

Vết ố này còn mọc ra một con quái vật tấn công hai nhân vật nữ trong tưởng tượng của họ. Đó chính là sự khủng hoảng, khổ tâm, mất kết nối của những người phụ nữ khi thiếu bàn tay chăm chút, sửa chữa của người đàn ông.

Với căn hộ nhà bà Tâm, thiết kế mỹ thuật Lanzi cho biết, ê kíp chú trọng tìm những nội thất gỗ màu nâu đậm và cồng kềnh, cùng giấy dán tường có họa tiết, nhằm tạo một bầu không khí nặng nề, ứ đọng.

Theo đạo diễn Dương Diệu Linh, bà Tâm dường như luôn mắc kẹt trong một nhà tù, vậy nên các góc quay thường dồn nhân vật này vào một góc không gian, hoặc bó hẹp qua các khung cửa, trong một không gian chật chội, ngột ngạt.

Ngay cả khi không ở nhà, bà Tâm vẫn luôn luôn bị nhét vào giữa những bối cảnh đông người, xe cộ chạy qua lại, và nhiều yếu tố di chuyển trong khung hình.

Đi kèm với hình ảnh dột nát, tối tăm và cũ kỹ sự thiếu đối thoại giữa các thành viên cũng thể hiện sự lạnh lẽo trong ngôi nhà.

Ông Thành luôn lầm lì, thoại đúng một câu, bà Tâm phải quán xuyến mọi việc trong nhà bên cô con gái khó gần. Phim khéo léo khám phá các chủ đề về hôn nhân, thể hiện mối quan hệ cha mẹ với con và ngược lại cùng những rào cản giao tiếp phức tạp với sự tinh tế lẫn hài hước.

Một số hình ảnh trong phim.

Một số hình ảnh trong phim.

"Mưa trên cánh bướm" còn được khắc họa một Hà Nội một cách chân thực ngay từ những thước phim đầu tiên như: tiếng người già dậy sớm tập thể dục, tiếng bát đũa chuẩn bị bữa sáng từ các căn hộ trong khu tập thể, những cây cầu và các ngõ phố đông đúc mỗi giờ tan tầm…

Đạo diễn Dương Diệu Linh cho biết: "Mưa trên cánh bướm là Hà Nội trong ký ức của tôi, cả quá khứ lẫn hiện tại. Các bối cảnh được lựa chọn với ý đồ tái hiện nhịp sống dồn dập, hỗn độn của một Hà Nội hiện đại, nơi người ta hiếm khi có thể tìm thấy khoảnh khắc yên tĩnh để sống chậm lại và đối thoại với chính bản thân mình".

Diễn xuất ấn tượng

Điểm sáng trong "Mưa trên cánh bướm" còn là diễn xuất ấn tượng của NSƯT Tú Oanh - một diễn viên dày dặn kinh nghiệm trên sân khấu kịch và phim truyền hình.

Nhân vật bà Tâm do NSƯT Tú Oanh đảm nhiệm là hình mẫu tiêu biểu của một người phụ nữ trung niên Việt Nam.

Đó là người vợ, người mẹ luôn tần tảo, bận rộn, dù đôi khi tỏ ra khó tính nhưng sâu trong lòng luôn là tình thương vô bờ bến dành cho gia đình.

Vào vai một người phụ nữ trung niên mắc kẹt trong những định kiến xưa cũ, Tú Oanh mang đến những cung bậc cảm xúc đầy tinh tế trong mỗi giai đoạn của câu chuyện.

Nguyễn Nam Linh trong vai Hà.

Nguyễn Nam Linh trong vai Hà.

Bên cạnh đó, nhân vật cô con gái tên Hà do Nguyễn Nam Linh đảm nhiệm cũng có nhiều đất diễn.

Nữ diễn viên đã nỗ lực thể hiện một cô gái có nội tâm phức tạp, không dễ để thể hiện. Từ đó cho thấy sự chênh vênh của những người trẻ khi đứng giữa cuộc đời và chịu tổn thương sâu sắc vì cha mẹ.

Diễn xuất sinh động của dàn diễn viên giúp bộ phim không quá khó xem, khó "thẩm" như những bộ phim nghệ thuật khác, hay như những bộ phim thương mại giàu tính giải trí.

Trước đó, "Mưa trên cánh bướm" từng nhận được nhiều lời khen từ giới phê bình quốc tế.

Tờ IndieWire chấm tác phẩm điểm B (mức khá) và đánh giá: "Một bộ phim đầu tay đầy mê hoặc. Dương Diệu Linh sáng tạo những hình ảnh khó quên trong tác phẩm, khiến cô trở thành một nghệ sĩ đáng để theo dõi trong giai đoạn bùng nổ của điện ảnh Việt Nam, sau Bên trong vỏ kén vàng và những dự án khác. Mưa trên cánh bướm thực sự hấp dẫn".

Tờ Screen International bình luận: "Phim kết hợp nhiều thể loại, hài kịch, kỳ ảo và một chút kinh dị".

Screen Daily đánh giá tác phẩm là "sự pha trộn kỳ lạ giữa chủ nghĩa nữ quyền, tín ngưỡng và văn hóa dân gian". Dẫu vậy, lối kể chuyện của Dương Diệu Linh hơi rời rạc và gây mất tập trung.

Cây viết Panos Kotzathanasis của Asian Movie Pulse cho rằng phim còn một vài thiếu sót, chủ yếu do đạo diễn chưa có nhiều kinh nghiệm.

Song, đây vẫn là một bộ phim đầu tay "giàu tiềm năng", thể hiện sâu sắc những đấu tranh của phụ nữ trước áp lực gia đình và xã hội thông qua loạt hình ảnh ẩn dụ.

Trailer phim "Mưa trên cánh bướm". (Video: CGV).

Bạch Dương

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/mua-tren-canh-buom-su-that-phia-sau-vu-ngoai-tinh-cua-nguoi-chong-192250104165629553.htm