Mua tủ chống ẩm cho thiết bị điện tử: FujiE, Dry-cabi hay Eureka…?

Giai đoạn chuyển mùa với độ ẩm tăng cao, các thiết bị điện tử, đồ dùng gia đình dễ bị ảnh hưởng bởi nấm mốc, oxy hóa. Sử dụng tủ chống ẩm để bảo quản đang trở thành nhu cầu của dân công nghệ.

Với khí hậu Việt Nam, độ ẩm quanh năm trung bình ở mức trên 80%, trong khi đó, độ ẩm lý tưởng cho các thiết bị điện tử, đồ công nghệ hoạt động chỉ là 45 – 55%. Vì vậy, tủ chống ẩm trở thành giải pháp thiết yếu.

Nở rộ các dòng sản phẩm

Lý giải cho sự cần thiết của tủ chống ẩm dành cho thiết bị công nghệ, tiến sĩ vật liệu quang, điện tử Trần Thị Hồng (Đại học Huế) chia sẻ: "Độ ẩm trên 60% là môi trường lý tưởng cho nấm mốc. Để phòng tránh vấn đề này, người dùng nên sử dụng tủ chống ẩm bảo quản các thiết bị điện tử để đưa độ ẩm bên trong thiết bị về mức lý tưởng định kỳ sau mỗi lần sử dụng".

Không chỉ đối với máy ảnh, có thể nói gần như các thiết bị điện tử cá nhân thường dùng, đều có thể nhờ tủ chống ẩm mà được bảo quản tốt hơn. Tiến sĩ Trần Thị Hồng cho biết, máy tính xách tay, ổ lưu trữ smartphone cho đến các thiết bị đeo đến thiết bị y tế gia dụng cũng nên cho vào tủ chống ẩm khi không dùng đến.

Rất nhiều vật dụng, thiết bị cần sử dụng tủ chống ẩm để bảo quản, kéo dài tuổi thọ. Ảnh: Tuệ Minh

Hiện nay, trên thị trường các loại tủ chống ẩm rất đa dạng, về mức giá và thương hiệu. Theo số liệu thống kê của VICO, có 5 thương hiệu tủ chống ẩm phổ biến nhất thị trường Việt Nam xếp lần lượt theo doanh số là FujiE, Dry-cabi, Eureka, Nikatei và Kumisai.

Fujie là thương hiệu tủ chống ẩm được người dùng đánh giá cao. Sản phẩm được sản xuất trên dây chuyền công nghệ hiện đại của Nhật Bản với cơ chế hút ẩm IC. Các model của tủ chống ẩm của Fujie có mức giá từ hơn 2 triệu - 50 triệu đồng, tương ứng với dung tích từ 30 - 500l.

Tủ chống ẩm Dry-cabi được đánh giá cao bởi hiệu quả hút ẩm và mức giá thành hợp lý, tiết kiệm điện năng và vận hành bền bỉ.

Trong khi đó, tủ chống ẩm Eureka thương hiệu Đài Loan được nhiều người lựa chọn bởi giá thành hợp lý, chất lượng ổn định. Loại tủ công nghệ Silicagel của Eureka có thể hoạt động được trong thời gian dài ngay cả khi mất điện.

Tủ chống ẩm Nikatei (Nhật Bản) được đánh giá cao với thiết kế đèn led bên trong khiến không gian sử dụng khá nổi bật. Tủ có mức giá bán rất cạnh tranh, chỉ từ 1,5 triệu - 30 triệu đồng, giúp khách hàng lựa chọn được model phù hợp.

Tương tự các thương hiệu khác, thân tủ chống ẩm của Kumisai dùng vật liệu thép không gỉ được sơn tĩnh điện, cánh tủ dùng kính cường lực với lớp gioăng bao quanh viền tủ vừa giữ ẩm vừa hạn chế tối đa sự va đập tới các vật dụng trong tủ. Ngoài ra, tủ chống ẩm Kumisai còn trang bị bảng điều khiển điện tử giúp người dùng có thể dễ dàng thực hiện thao tác điều chỉnh nhiệt độ và độ ẩm.

Một điểm chung của các loại tủ chống ẩm là sở hữu độ bền rất cao. Vì lý do này, các nhà sản xuất hầu hết đều có chính sách bảo hành từ 3 năm trở lên. Nhiều người cho biết đã từng mua tủ chống ẩm cách đây 5, 10 năm hoặc hơn nữa nhưng vẫn sử dụng bình thường.

Nhiếp ảnh gia Bùi Thanh Trung cho biết: “Tôi đã bắt đầu sử dụng tủ chống ẩm kể từ khi chơi nhiếp ảnh. Nhờ thói quen cất giữ thiết bị sau khi sử dụng vào tủ chống ẩm, chúng hoạt động ổn định và tuổi thọ cao hơn hẳn. Việc này trở thành bình thường đến mức chúng ta không nhận ra, nhưng khi xem lại khoảng thời gian trước đây, ống kính máy ảnh hay bị mốc thì mới thấy được sự khác biệt”.

Cũng theo anh Trung, chiếc tủ sấy 30 lít anh mua cách đây gần 10 năm vẫn hoạt động tốt. Hiện tại vì có nhiều thiết bị hơn cần bảo quản nên nhiếp ảnh gia này lựa chọn mua thêm tủ chống ẩm.

Có nhiều thương hiệu, chủng loại tủ chống ẩm trên thị trường. Ảnh: Tuệ Minh

Chuyên gia gợi ý tiêu chí lựa chọn

Để đánh giá loại tủ chống ẩm nào tốt, cũng như chọn được dòng sản phẩm phù hợp, giới công nghệ đưa ra một số tiêu chí cụ thể để người dùng cân nhắc lựa chọn.

Công nghệ hút ẩm - Hiện nay có 2 công nghệ tủ chống ẩm phổ biến là silicagel và IC. Kỹ sư điện lạnh Trần Ngọc Anh (Đà Nẵng) nhận định, loại tủ bằng IC mặc dù giá thành cao hơn nhưng được đánh giá sở hữu nhiều ưu điểm vượt trội, hiệu suất cao hơn, vận hành êm ái và tốn ít điện năng.

Trong khi đó, tủ chống ẩm hoạt động bằng silicagel sẽ có thêm 1 bộ phận chứa các hạt silicagel. Khí ẩm được hút vào các hạt silicagel rồi sử dụng cơ chế sấy kết hợp với hệ thống van đóng mở để làm khô các hạt này, đưa khí ẩm ra ngoài. Kỹ sư Trần Ngọc Anh cho biết: “Loại tủ này không được sử dụng phổ biến như tủ IC nhưng nó cũng được đánh giá cao vì trong khi mất điện, các hạt silicagel vẫn tiếp tục hút ẩm nhiều giờ đồng hồ”.

Dung tích, kích thước - Các mức dung tích phổ biến của tủ chống ẩm từ 8 - 400 lít. Trước khi mua, người tiêu dùng cần lựa chọn tủ có dung tích phù hợp cho nhu cầu. Trên thị trường, loại dung tích từ 30-100 lít là thường được lựa chọn nhiều nhất.

Hiện tại, ngoài các cơ sở nghiên cứu sử dụng các thiết bị đắt tiền hoặc do yêu cầu độ chuẩn xác cao cần phải dùng các hệ thống tủ chống ẩm lớn thì nhu cầu của thị trường dân dụng phổ biến loại tủ từ 30-100 lít.

Đại diện nhà phân phối một thương hiệu tủ chống ẩm cho biết: “Đa phần khách hàng cá nhân của chúng tôi là các nhiếp ảnh gia. Gần đây, nhiều khách hàng cho biết họ cần bảo quản nhiều vật dụng khác nhau nên có sự chuyển biến tăng về dung tích. Việc hình thành thói quen cất thiết bị điện tử vào tủ chống ẩm theo chúng tôi là rất tốt, nhất là đối với khí hậu ẩm như Việt Nam”.

Loại đồng hồ - Tủ điều khiển cơ dùng đồng hồ đo độ ẩm bằng kim, còn tủ điều khiển tự động thì dùng đồng hồ điện tử. Đồng hồ điện tử có nhiều ưu điểm được đánh giá cao hơn đồng hồ kim. Nếu dùng đồng hồ đo độ ẩm bằng kim cần hiệu chỉnh sau thời gian sử dụng vì chúng dễ bị sai lệch thông số.

Kỹ sư Nguyễn Ngọc Anh đưa ra lời khuyên khi mua, sử dụng các loại tủ chống ẩm: “Có thể lựa chọn bất cứ thương hiệu nào, bởi rất khó để tủ chống ẩm hư hỏng. Vì vậy chỉ cần lưu ý đến các quy tắc sử dụng để nâng cao hiệu quả, tiết kiệm điện”.

Cũng theo kỹ sư này, người dùng cần hạn chế mở tủ ở mức tối đa, khi đã mở tủ ra hãy thao tác nhanh chóng và sau đó đóng tủ vào ngay, đặc biệt không được quên đóng tủ. Những vật dụng không cần thiết như: dây đeo, túi đựng thiết bị công nghệ… nên tránh bỏ vào tủ.

Tuệ Minh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/khoa-hoc-cong-nghe/mua-tu-chong-am-cho-thiet-bi-dien-tu-fujie-dry-cabi-hay-eureka-2081338.html