Mùa tuyển sinh 2023: Điều gì là quan trọng nhất khi lựa chọn ngành học?
Vào mùa tuyển sinh, câu chuyện về việc chọn ngành, chọn trường luôn là mối bận tâm của hầu hết thí sinh, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang phải chịu tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Ngành “hot” đang dẫn đầu xu hướng
Theo số liệu từ cổng thông tin tuyển sinh Trường đại học Nguyễn Tất Thành, những năm gần đây, nhóm ngành dẫn đầu cuộc đua hút thí sinh là những ngành “hot” như quản trị kinh doanh, công nghệ thông tin, marketing, Đông phương học, y khoa, công nghệ kỹ thuật ô tô…
Điều này trùng khớp phần nào với thống kê trên diện rộng mà ngành giáo dục và đào tạo vừa công bố. Cụ thể, trong 3 - 5 năm gần đây, số lượng thí sinh đăng ký các khối ngành kinh doanh, quản trị, quản lý chiếm ưu thế. Sau đó là đến khối ngành về công nghệ thông tin. Tiếp theo là kỹ thuật công nghệ, báo chí, luật… Số liệu dựa trên tỷ lệ sinh viên nhập học trên toàn quốc.
Qua tìm hiểu, phóng viên được biết, hiện không ít bạn trẻ chưa hiểu rõ tầm quan trọng của việc chọn lựa ngành nghề, bị bủa vây bởi quá nhiều thông tin từ bạn bè, gia đình và ngay cả trên mạng xã hội nên dễ sinh tâm lý chán nản khi vào học, bỏ học nửa chừng, gây lãng phí thời gian và tiền bạc.
Lý giải về việc chọn ngành theo xu hướng thời thượng, chuyên gia cho rằng, việc chạy theo ngành hot đem lại nhiều rủi ro, bởi ngành được coi là hot hôm nay, nhưng có thể sẽ hết hot trong 3-5 năm tới do xu hướng việc làm luôn biến đổi theo từng giai đoạn và theo nhu cầu xã hội. Đặc biệt, sự khuynh đảo của ứng dụng ChatGPT thời gian gần đây được các chuyên gia dự đoán sẽ là mối đe dọa với nhiều ngành nghề trong tương lai.
Do đó, thí sinh phải xác định rõ năng lực, sở thích, khả năng của mình để chọn ngành nghề. Nếu một ngành có nhiều trường cùng đào tạo, thí sinh có thể vào website của các trường để tìm hiểu thông tin, lựa chọn trường phù hợp với bản thân, xét cả trên định hướng đào tạo và chi phí học tập, cơ hội việc làm.
PGS-TS. Trần Trọng Nguyên, Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển cho biết, hiện nay có những trường mở ra các ngành học theo xu hướng mới để phù hợp với xu thế và yêu cầu của sự phát triển. Khi theo học những ngành mới thì cơ hội việc làm cho các em sẽ có. Các xu hướng cũ qua đi, sẽ có các xu hương mới thay vào và tạo ra nhiều việc làm mới.
Để lựa chọn đúng ngành phù hợp với bản thân, thí sinh cần xét xem bản thân mình thích ngành gì, năng lực bản thân có phù hợp không? Ngoài năng lực chuyên môn, các em cũng cần lưu ý đến vấn đề sức khỏe và tài chính.
Nên ưu tiên yếu tố nào?
Theo TS. Nguyễn Quang Thuận, Phó hiệu trưởng Trường Quốc tế (Đại học Quốc gia Hà Nội), khi chọn ngành nghề, quan trọng nhất là xét năng lực của mình đến đâu, có yêu thích hay không, nhu cầu xã hội về ngành nghề đó thế nào và cuối cùng là thu nhập.
Ông Thuận cũng nhấn mạnh, yếu tố quan trọng nhất là mình yêu thích gì. Vậy làm thế nào để xác định cụ thể mình yêu thích ngành nghề nào? Có thể dùng phương pháp xét nghiệm tính cách, hỏi chuyên gia, tư vấn qua truyền hình để có thêm thông tin, từ đó phân tích tổng hợp và đưa ra quyết định cuối cùng.
PGS-TS. Nguyễn Phú Khánh, Phó hiệu trưởng Trường đại học Phenikaa đưa ra lời khuyên với thí sinh nên cân nhắc kỹ khi lựa chọn ngành học.
“Rất nhiều sinh viên sau khi học đại học được 1-2 năm rồi mới thấy mình không phù hợp với ngành đã chọn thì có thể chuyển sang ngành khác. Đây là phương thức mà các trường đều áp dụng nếu thí sinh đủ điều kiện chuyển sang ngành khác phù hợp mà vẫn đảm bảo về điều kiện đầu vào”, ông Khánh nói.
Trường hợp các em không thể tiếp tục với ngành đang học thì có thể tuyển sinh lại từ đầu. Việc lựa chọn đại học là cần thiết và cần lựa chọn thật kỹ, nhưng nếu lựa chọn nhầm ngành nghề thì các bạn cũng đừng quá bi quan, bởi kỹ năng chuyên môn chỉ chiếm khoảng 15% sự thành công của con người.
Được biết, theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, 10 lĩnh vực có tỷ lệ tuyển sinh đại học cao nhất năm 2022 gồm: kinh doanh và quản lý; đào tạo máy tính và công nghệ thông tin; công nghệ kỹ thuật; nhân văn; sức khỏe; khoa học xã hội và hành vi; khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên; kỹ thuật; pháp luật; kiến trúc và xây dựng.
Cũng theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong 3 năm liên tiếp, 4 lĩnh vực: nông lâm nghiệp và thủy sản; khoa học sự sống; khoa học tự nhiên; dịch vụ xã hội đều đứng đầu danh sách các lĩnh vực tuyển sinh kém nhất.