Mùa vải chín
BHG - Có lẽ những cây vải quê tôi chín sớm hơn vải Lục Ngạn (Bắc Giang). Có thể nói rằng, xét về kích cỡ thì cây vải quê tôi là cây vải cụ. Còn về tuổi tác thì đã từng có những cây vải tồn tại vài thế kỷ, có cây to đến ba bốn người ôm; cao hơn chục mét. Có cây già quá một phần cành khô hóa sừng trông như sừng của những con Hươu già chĩa thẳng lên trời trông thật ngạo nghễ, oai phong. Ở đó ban ngày từng đôi chim Sáo, chim Yểng về đậu hót véo von. Màn đêm buông xuống, những cái “sừng hươu” là nơi những con chim lợn to như cái sọt đậu rình chuột và mèo. Chập tối những con Tắc kè chui từ hang hốc trên thân cây vải thi nhau “dặng hắng” và điểm những khúc “tắc...è” đoán thời tiết, chẵn tiếng là nắng, lẻ tiếng là mưa...
Vải quê tôi có nhiều loại, như Vải guốc, Vải khỉ ở trên núi cao. Quả của chúng chủ yếu là thú rừng ăn. Mùa quả chín thì cũng chỉ chúng và cánh thợ săn biết mà thôi. Loại thứ hai là loại khi vào mùa chín thì biết ngay. Những con chim Tu hú kêu dạo, sau đó râm ran rồi khắc khoải - vải quê tôi vào mùa chín rộ. Tuy vậy cũng lại chia ra hai giống, một giống khá chua gọi là Vải mẻ, một giống khá ngọt gọi là Vải lò. Tất nhiên so với vải Lục Ngạn thì nó là giống vải cực chua. Mặc dù vậy, vải quê tôi không bao giờ ế khách bởi sự tốt lành và hấp dẫn của nó...
Chuyện kể rằng: Ngày xưa nhà kia chỉ còn hai bố con, một hôm anh con trai được bố cho mấy quả vải. Anh ta ăn hết số vải thấy ngon quá, nằng nặc đòi bố lấy thêm. Người bố thương con cố gắng trèo lên cây vải cao, khi với lấy chùm vải to và nhiều nhất không may bị rơi từ trên cây xuống và chết. Người con chờ bố dưới gốc vải ân hận ôm bố khóc thảm thiết rồi hóa thành con chim Tu hú. Tiếng quê tôi chim Tu hú gọi là “nộc pò ới” (tức là chim bố ơi, như tiếng khóc của người con khi xưa). Đó là câu chuyện về tình phụ tử, nhắc nhở người đời bao điều về cuộc sống mỗi khi mùa vải chín.
Chợ quê tôi đã có những chùm vải bán. Người quê đi xa về ai cũng sà vào nếm, nhăn mặt “mắt nhắm mắt mở” nhưng vẫn mua cho được vài túm. Quê tôi có câu “mác cại lò bươn thí, mác cại mí bươn tham”, nghĩa là: Quả Vải lò tháng Tư mới chín, quả Vải mẻ tháng Ba đã chín rộ. Vào thời điểm này cũng là thời kỳ nông nhàn, chủ yếu lên núi làm nương trồng sắn, trồng cây... Mùa Hè đến, người ta lấy hoa, bẹ chuối rừng về thái nhỏ nộm cá suối nướng và cùi quả vải, món dân dã này trở thành một trong những đặc sản của quê tôi. Mấy ngày nghỉ lễ, người quê tôi ở mọi miền tranh thủ về quê thăm người thân cũng háo hức làm các món ăn từ quả vải yêu dấu đậm đà tình đất, tình người.
Những cây vải cổ thụ quê tôi gần như không còn. Chỉ có những cây mới được trồng vài năm gần đây. Đến ngày bẻ vải, cả xóm đến chia nhau rồi cùng nhau xuống suối xúc cá. Trẻ con là những người thích thú nhất. Nhưng bao giờ cũng có người lớn đi kèm và chỉ được chia tối đa chục quả. Vì ăn nhiều, người nóng trong đi tắm dễ bị cảm. Mùa vải chín vẫn là mùa của tuổi thơ. Trên đường đi học về những cây vải gần đường là địa chỉ yêu thích của bọn chúng. Mọi sự mạo hiểm đều có thể xảy ra ở nơi đó và đó cũng là nơi người lớn luôn để mắt tới. Mùa vải chín, mùa Tu hú kêu cũng là những ngày cuối cùng của năm học. Những học sinh cuối cấp chuẩn bị vào mùa thi.
Những con chim Tu hú quê tôi giờ ít dần, thậm chí ngóng mãi mà không thấy chúng đâu. Mùa vải đã chín, mùa thi đã đến mà Tu hú vẫn lác đác xa xôi... Những kỷ niệm tuổi thơ lại ùa về trong khóe mắt đã ít nhiều nhăn nheo của bao người.
Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/tin-moi/202205/mua-vai-chin-a387bba/