Mua vàng lấy may, lỗ ngay tiền triệu
Nhiều 'nhà vàng' hoạt náo, gây chú ý để lôi kéo khách hàng. Trong khi doanh nghiệp vớ bẫm thì người mua vàng dễ 'ăn quả đắng'.
Giá vàng biến động liên tục, nhà đầu tư chịu lỗ
Từ ngày đầu tiên thị trường khai xuân, câu chuyện mua vàng lấy may đầu năm, đặc biệt là vào ngày Vía Thần tài (ngày 10 tháng giêng) để đón lộc đã trở nên sôi động. Nhiều người có tâm lý mua vàng ngay từ phiên mở hàng, nhưng cũng có không ít người lại muốn mua vàng đúng “chính hội” mùng 10 Tháng Giêng cho… thiêng. Vì thế, thị trường kim loại quý mấy ngày gần đây trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Cảnh dòng người xếp hàng tiếp tục tái diễn.
Theo quan sát của chúng tôi, trên con phố tập trung nhiều cửa hàng vàng như Trần Nhân Tông (Hà Nội), dòng người mua bán tấp nập khiến cho tình trạng tắc nghẽn cục bộ xảy ra ở cả trên vỉa hè và lòng đường. Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, cũng như lôi kéo sự chú ý của người dân, một số cửa hàng còn cho bắc loa, cho người đóng giả Thần tài, xếp ghế, phát nước, thậm chí phát cả lì xì cho khách mua vàng.
Với lượng người giao dịch tăng vọt, giá cả cũng vì thế mà “nhảy múa” theo, đặc biệt là giá vàng miếng SJC “rung lắc” mạnh. Cụ thể, ngày 17/2, giá vàng nhẫn tròn trơn 24k có xu hướng tăng mạnh và lập đỉnh ở nhiều thương hiệu. Tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn, giá bán ra vàng nhẫn trơn 9999 đã lên hơn 65 triệu đồng/lượng, cao nhất từ trước đến nay. Trong khi đó, giá vàng SJC biến động dữ dội, liên tục đảo chiều. Loại vàng này tăng mạnh 1 triệu đồng/lượng sáng 16/2 rồi lại quay đầu lao dốc cuối giờ chiều.
Đến sáng 17/2, loại vàng miếng lại tiếp tục đảo chiều tăng giá khoảng 500 nghìn đồng/lượng, để rồi tiếp tục “quay xe” vào phiên sau đó. Tới sáng 18/2, Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng miếng SJC ở mức 76,15-78,15 triệu đồng/lượng, giảm khoảng 900 nghìn đồng/lượng so với mức cao nhất hôm 16/2, trong khi giá vàng nhẫn trơn tại đây sau khi tăng lên 66,3 triệu đồng/lượng cũng đã điều chỉnh giảm xuống 65,98 triệu đồng/lượng.
Đi cùng với biến động những phiên gần đây, chênh lệch giá mua vào - bán ra vàng SJC có xu hướng nới rộng lên 2,6 triệu đồng/lượng khiến rủi ro gia tăng với nhà đầu tư. Ngay thời điểm mua vào vàng SJC, nhà đầu tư đã chịu lỗ 2,6 triệu đồng/lượng. Nếu muốn hòa vốn, nhà đầu tư phải đợi đến khi giá vàng tăng lên tương ứng. Ví dụ khi mua vào, giá vàng ở mức 78,5 triệu đồng/lượng, thì phải đợi đến lúc giá vàng lên tới hơn 81 triệu đồng/lượng, nhà đầu tư mới hết bị lỗ. Mà mức 81 triệu đồng/lượng đối với giá vàng trong thời điểm hiện nay, nhất là khi chủ trương sửa đổi Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng, kéo giá vàng trong nước về sát giá thế giới, đang được Ngân hàng Nhà nước tiến hành, thì khả năng này rất khó xảy ra.
Hiện, chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế cũng rất lớn. Với mức giá giao ngay trên thị trường thế giới khoảng 2.010 USD/ounce, tương đương với khoảng 60,5 triệu đồng/lượng khi quy đổi theo tỷ giá VND/USD, thì giá vàng trong nước vẫn đang cao hơn giá thế giới 18-19 triệu đồng/lượng. Đây là mức chênh lệch cực kỳ rủi ro cho nhà đầu tư, và có thể đảo chiều bất kỳ lúc nào.
Liệu giá vàng có giảm sau ngày Vía Thần tài?
Giá vàng dao động mạnh ngay trước ngày Vía Thần tài là điều không khó giải thích, sau khi thị trường vàng đã có một năm tăng dữ dội. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp vàng cố tình tạo sóng trên thị trường để thu hút khách hàng. Dường như ngày Vía Thần Tài năm nay, sức hút của vàng SJC đã giảm đi một phần so với những năm trước, khi mà giá vàng đã duy trì ở mức cao, trên 78 triệu đồng từ trước Tết, cùng với việc chênh lệch mua - bán vẫn duy trì ở mức cao, trên 2 triệu đồng, khiến thị trường vàng miếng hiện tại có thể đã khiến người mua vàng cẩn trọng hơn. Ngay cả đối với vàng nhẫn, việc mua bán sôi động hơn, song phần lớn cũng chỉ mua loại 1 chỉ hoặc 5 phân lấy may.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu đưa ra lời khuyên: “Sau ngày Vía Thần Tài, xác suất giá vàng giảm có thể lên đến 70%. Chính vì thế, khách hàng hãy cẩn thận khi mua vàng trong ngày này, tránh tạo lợi ích cho những tay đầu cơ và những nhà kinh doanh vàng. Trong trường hợp người mua vàng ngày Vía Thần Tài giữ vàng một thời gian dài, có thể giá vàng trong năm tới sẽ vượt cả giá của ngày Thần Tài, tạo ra lợi nhuận cho người mua”.
Trong khi đó, ông Phan Dũng Khánh, chuyên gia đầu tư tài chính cho rằng, Thần tài là tiền vào chứ không phải tiền ra, việc đi mua vàng chính là chi tiền ra. Còn nếu nhìn từ góc độ người bán, nếu là may mắn thì chả lẽ người bán lại bán cái may cho người khác. Chính vì vậy ông Khánh khuyến cáo người dân nên cẩn trọng bởi giá vàng thường tăng trong những ngày đó, nên nếu mua thì mua trước ngày đó rồi nắm giữ trung hạn, hoặc cũng có thể mua trước ngày đó rồi đợi ngày đó bán để tiền vào gia chủ mới đúng. Nếu nghĩ theo cách này, người dân vừa đỡ phải xếp hàng mà giá được đẩy lên vào ngày Thần tài nên bán dễ có lời hơn và bán ra là tiền vào thì đúng với ý nghĩa của Thần tài hơn.
Trở lại với thị trường vàng, trong khi các chuyên gia ước tính có khoảng 500 tấn vàng đang “nằm” trong dân, cần phải tìm cách để huy động nguồn vốn này hỗ trợ nền kinh tế, thì việc người dân tiếp tục đổ xô đi mua vàng chỉ khiến cho chủ trương huy động vàng trong dân thêm khó khăn hơn. Các chuyên gia cho rằng đã đến lúc cần phải “mở cửa” cho các hình thức kinh doanh vàng.
“Nếu chúng ta chỉ duy trì thị trường vàng vật chất, mua về cất tủ, két ở nhà, thì chỉ an toàn cho người có tiền, nhưng có sinh lợi hay không và đồng tiền đó có được đưa vào lưu thông không là vấn đề, thậm chí cần chi phí cho việc bảo trữ. Khi chúng ta có sàn vàng, người dân sẽ thay đổi tâm lý. Công cụ để điều hòa về mặt cung vàng rất rộng rãi, đặc biệt, khi giao dịch vàng trên tài khoản sẽ giúp cả các công cụ phái sinh, bán vàng theo hợp đồng bán cho tương lai, không phụ thuộc việc nhập vàng về mới có bù cho thị trường, khi đó sẽ bảo đảm phản ứng rất kịp thời”, GS.TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội phân tích.
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/thi-truong/mua-vang-lay-may-lo-ngay-tien-trieu-i722981/