Mùa vàng trên nương
Những ruộng lúa nương ở Xuân Lập (Lâm Bình) đã chín vàng óng ả như được ruộm bởi nắng thu. Nghề trồng lúa ở đây thật nhọc nhằn bởi đất cằn cỗi nhưng bà con đã một nắng hai sương làm cho cây lúa trĩu bông. Câu chuyện trồng lúa nương còn là một nét văn hóa của người vùng cao. Khi hạt lúa được tra xuống đất gieo bao hy vọng sống và khát vọng tình yêu tuổi trẻ…
Giữ bản sắc
Đường lên xã Xuân Lập không còn khó khăn như trước bởi con đường ĐT 188 đang được tỉnh đầu tư trải nhựa phẳng lì vào tận trung tâm xã. Bên kia những vạt núi là ruộng lúa nương đã chín vàng óng ả như những thảm lụa. Thấp thoáng trên vạt nương là những cô gái đôi mươi căng đầy sức sống đang gùi lúa về nhà.
Chúng tôi rẽ lúa mà đi, hương lúa tỏa trong sắc thu khiến tâm hồn tĩnh tại và thật sảng khoái sau chặng đường dài đến với Xuân Lập. Khu trồng lúa nương Nà Co, Lũng Giềng, Khuổi Trang hiện ra thật nên thơ. Năm nay, lúa nương được mùa nên nhìn các chị, các em gùi lúa trĩu lưng mà gương mặt vẫn rạng rỡ. Chị Chị Vạt Thị Nhụa, thôn Lũng Giềng phấn khởi cho biết, gia đình chị vừa thu hoạch gần 4.000m2 rừng gỗ keo đầu năm 2019. Khi xe chở hết gỗ đi, chị và chồng con phát cỏ, làm sạch thực bì tiếp tục trồng cây keo. Khi cây keo còn bé, nhà chị kết hợp trồng lúa nếp nương. Vụ mùa năm nay gieo tận 35 kg giống nếp nương, thời tiết thuận lợi lúa không bị chết, nhà chị thu gần 5 tạ thóc.
Xưa kia lúa nương là nguồn lương thực chủ đạo của người dân nơi đây nhưng do năng suất thấp nên những thửa ruộng nương đã được thay thế bằng những thửa ruộng bậc thang trồng lúa nước năng suất cao hơn hẳn. Tuy nhiên, ở các thôn bà con vẫn trồng lúa nương vì cho chất lượng gạo ngon hơn hẳn. Ông Bàn Tòn Chài, người cao tuổi của thôn Lũng Giềng kể rằng, cây lúa nương đã nuôi sống bao thế hệ người Dao, Mông xã Xuân Lập. Người Xuân Lập không phá rừng làm nương mà chỉ tận dụng trồng lúa nương dưới chân rừng, dưới tán rừng. Trong tục cúng cơm mới thì gạo lúa nương bao giờ cũng được chọn để tạ ơn thần linh, tổ tiên và đất trời đã cho một thứ gạo ngon, dẻo, thơm đậm đà. Lúa nương Xuân Lập không có để bán, nhiều cơ sở du lịch đến đặt mua bán cho người lạ nhưng mỗi gia đình cũng chỉ bán được ít. Trồng lúa nương là nét đẹp văn hóa, người Mông, người Dao ở đây gìn giữ để nhắc nhở con cháu không quên nguồn cội. Dẫu sau này Xuân Lập có phát triển đến đâu thì nghề này vẫn còn - ông Chài tin như vậy. Mùa trồng và thu hoạch lúa nương rộn ràng, gái trai bản nọ gặp nhau thẹn thùng lắm. Mỗi buổi lên nương làm lúa các cô gái còn tranh thủ khâu vá, thêu thùa, gìn giữ sắc phục dân tộc…
Phát huy giá trị truyền thống
Thay vì dùng liềm, máy, người dân nơi đây chỉ sử dụng dụng cụ là bấm để thu hoạch lúa nương. Bấm được làm từ mảnh gỗ hoặc sừng động vật cầm vừa vặn trong lòng bàn tay. Lúa được hái từng bông rồi bó thành từng khum nhỏ, phơi khô rồi cất tích trữ cẩn thận, chỉ khi nào dùng đến mới mang thóc ra vo lấy hạt. Làm như vậy lúa nương sẽ giữ được mùi thơm, cơm nấu sẽ dẻo và ngọt hơn. Hẳn thế, gạo nương là nguyên liệu không thể thiếu để làm bánh chưng, bánh dày, xôi, cốm… Thật khó quên khi thưởng món ăn làm từ gạo lúa nương bản Lũng Giềng, Nà Co...
Ở các bản, người ta đổi công nhau để trồng lúa nương. Thanh niên bản nọ đến giúp nhau làm lúa nương bản kia, tình yêu đôi lứa bắt đầu từ đấy. Cánh con trai đi trước chọc lỗ, con gái theo sau gieo hạt, nảy lên những mầm xanh của sự sống. Vào các bản lúc lam chiều mùi cơm lúa nương tỏa ra như muốn níu chân khách lạ. Cơm lúa nương mà ăn với thịt gà rang thả đồi Xuân Lập thì tuyệt đỉnh, chả thể nào quên nổi.
Năm nay thời tiết thuận lợi nên lúa nương được mùa, giá thóc khá cao nên bà con rất phấn khởi. Giá lúa tẻ từ 20.000- 25.000 đồng/kg, lúa nếp nương từ 25.000-30.000 đồng/kg. Ngoài nguồn thu từ rừng, hàng năm mỗi vụ lúa nương người dân cũng có khoản thu thêm đáng kể. Nhiều hộ tận dụng hết diện tích rừng mới trồng để xen canh lúa nương như anh Giàng Seo Pao, thôn Khuổi Trang trồng hơn 1 ha; bà Giàng Thị Dễ, thôn Lũng Giềng trồng gần 1 ha… Họ trữ thóc lúa nương đợi Tết, giá sẽ cao hơn, mua được cho gia đình thêm nhiều thứ.
Trồng xen lúa với rừng trồng còn giúp cho chăm sóc rừng được thuận lợi hơn. Lúa nương được gieo vào tháng 4 âm lịch thì khoảng tháng 7 người dân làm cỏ một lần. Đây cũng là thời điểm tốt để chăm sóc, vun cây rừng trồng mới. Sau khi thu hoạch, rơm rạ sẽ để lại trên nương làm đất tơi xốp giúp cho cây trồng phát triển tốt hơn.
Ông Triệu Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Xuân Lập cho biết, phong trào trồng rừng ở Xuân Lập phát triển mạnh, hiện xã có hơn 700 ha, trong đó mỗi năm xã khai thác và trồng mới từ 70-100 ha rừng gỗ keo, bồ đề… Khi rừng mới trồng được bà con xen canh lúa nương mang lại lợi ích “kép”. Những năm gần đây diện tích lúa nương của xã Xuân Lập luôn duy trì từ 50-70 ha, năng suất đạt 30 tạ/ha.
Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/phong-su/mua-vang-tren-nuong-123863.html