Mùa vàng trên rẻo cao

Tháng 6, trong những thung lũng của dãy Trường Sơn, lúa nước đã chín vàng óng ả. Lúc này, con người, trời đất và 'mùa vàng' hòa quyện vào nhau tựa như một bản nhạc trữ tình giàu âm sắc.

Biểu tượng của sự bền bỉ trong lao động

Tận cuối tuyến đường Quốc lộ 48, buổi sáng ngày mùa ở bản Na Bì, xã Châu Thôn, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An bắt đầu từ rất sớm. Đồng bào dân tộc Thái tay cầm liềm, vai mang gùi cùng hướng ra thung lũng Na Bì. Ở đó lúa nước đã vào độ thu hoạch, màu vàng óng ả như dát mật kéo dài từ thung lũng lên tận lưng chừng đồi.

Chưa đến 7h sáng, chị Vi Thị Mão ở bản Na Bì, tay liềm đã thoăn thoắt gặt lúa. Sau lưng chị, chiếc gùi tre đã lưng lửng lúa vàng óng ả. Lúa chín vàng rồi, năm nay được mùa to. Bà con phải tranh thủ gặt nhanh kẻo mưa xuống là mất trắng.

Đầu tháng 6, lúa nước chín vàng óng như dát mật trong những thung lũng ở dãy Trường Sơn

Đầu tháng 6, lúa nước chín vàng óng như dát mật trong những thung lũng ở dãy Trường Sơn

Ở vùng cao Châu Thôn, đồng bào dân tộc Thái vẫn gieo trồng lúa theo phương thức canh tác truyền thống. Các khâu làm đất, cấy lúa, gặt hái đều được bà con làm hoàn toàn bằng tay.

Những năm gần đây, chính quyền địa phương kiên quyết chỉ đạo bà con cấy lúa theo đúng lịch thời vụ. Bên cạnh đó, cán bộ khuyến nông hướng dẫn bà con bón thêm phân chuồng, làm cỏ sục bùn nên năng suất lúa được cải thiện hơn nhiều so với trước.

Ông Hoàng Trung Cường, Chủ tịch UBND xã Châu Thôn cho biết: “Thời điểm này, lúa nước ở các bản đang vào chính vụ thu hoạch. Bản Na Bì nói riêng và toàn xã nói chung sẽ thu hoạch kịp trước thời điểm mưa và sạt trượt đầu mùa. Nhờ gieo cấy đúng thời vụ nên lúa được mùa to, năng suất ước đạt 50 tạ/ha”.

Ở bên kia, đoạn giữa tuyến đường Quốc lộ 7A, bà con nông dân vùng cao xã Hội Sơn, huyện Anh Sơn cũng đang hối hả vào mùa thu hoạch lúa. Thung lũng lúa nước ở Hội Sơn rộng hơn nên bà con có thể đánh xe bò xuống để chở lúa thay cho gùi như ở Châu Thôn. Tuy nhiên, ở những khu ruộng bậc thang có độ cao lớn, thì gùi vẫn là phương thức duy nhất để bà con đưa lúa về nhà. Mùa lúa mới, người lớn người trẻ cùng nhau ra ruộng.

Đã xế trưa, chị Bảo Ngọc đang cố gùi thêm chuyến nữa để kịp tập kết ra cho xe bò chở lúa về nhà. Lúa được mùa vàng óng ả và cũng nặng hơn mọi năm. Cạnh chị Ngọc, những thanh niên trai tráng cũng đang rướn sức để đưa những gùi lúa lên xe bò.

Ngày mùa là ngày hội

Xuôi về hướng Nam theo đường Hồ Chí Minh huyền thoại, đồng bào Bru Vân Kiều ở xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình (cũ) cũng đang vào ngày hội gặt lúa. Năm nay trời thuận nên lúa vàng trĩu hạt, màu vàng óng như dát mật trải dài trên thung lũng.

Anh Hồ Văn Thịnh bản Cà Ròn I cho biết: “Vụ này nhà tôi được chừng 30 gùi lúa, mỗi gùi nặng hơn 20 kg. Trong những ngày mùa, mỗi ngày tôi đi gặt và gùi về được ba bốn lượt. Chân mỏi rã rời, nhưng vẫn rất vui vì lúa được mùa”.

Sau khi thu hoạch lúa về nhà, người vùng cao phơi lúa trên tấm bạt trải trước hiên nhà. Khi lúa đã về nhà, đồng bào cất giữ kỹ lưỡng trong bồ được đan bằng tre nứa để chống ẩm mốc, mối mọt. Những mùa lúa vàng trĩu hạt trong những năm gần đây đã mang đến thay đổi tích cực trong đời sống đồng bào. Các em học sinh cũng đi học đều hơn do không còn cảnh thiếu gạo.

Bên chân núi Làng Ho, xã Hướng Lộc, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, cụ Hồ Văn Dênh người Bru Vân Kiều cùng các thành viên trong gia đình cũng đang tay liềm thoăn thoắt. Thửa ruộng lúa nước của cụ đã vào độ chín vàng óng ả.

Giọng cụ trầm ấm: “Mỗi năm chỉ có một vụ lúa. Bà con gặt xong, đem về làm lễ cúng Giàng (trời), cảm ơn vì đã cho mùa màng tốt tươi. Sau đó, nhà nào cũng làm rượu cần, gà luộc, mời bà con đến ăn mừng”.

Đồng bào Bru Vân Kiều ở Quảng Trị thu hoạch lúa

Đồng bào Bru Vân Kiều ở Quảng Trị thu hoạch lúa

Khác với sự thẳng tắp, đều đặn, vuông vắn ở vùng đồng bằng, ruộng lúa nước ở miền rẻo cao Làng Ho cứ gập ghềnh, cheo leo, ôm trọn lấy những đường cong của núi rừng. Màu vàng óng ả của lúa chạy dọc từ thung lũng lên đến lưng chừng đồi. Sau mùa gặt, người Bru Vân Kiều ở Làng Ho lại vây quanh bếp lửa để thổi sáo, thổi kèn ăn mừng vụ mùa trĩu hạt, năm no đủ.

Mỗi bông lúa trong mùa vàng ở rẻo cao là một câu chuyện về sự nỗ lực trong lao động sản xuất. Đó là kết tinh của nắng gió đại ngàn, của đôi tay chai sạm đào đất làm ruộng bậc thang. Rồi gùi lúa, hành trình gian nan đưa cái ăn qua suối qua ngầm về nhà… Có lẽ cũng vì thế mà mùa vàng ở rẻo cao không chỉ là vụ mùa thu hoạch mà còn là ngày hội, là biểu tượng của tinh thần lao động hăng say của đồng bào các DTTS ở miền sơn cước.

Phạm Tiến

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/mua-vang-tren-reo-cao-2417372.html