Nhà văn Phong Điệp: Tại Trường Sa - thấy mình là một phần Tổ quốc
Quyết định tham gia hành trình ý nghĩa hơn 100 nhà báo đến các điểm đảo và nhà dàn Trường Sa do Hội Nhà báo Việt Nam và Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức nhân kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam vừa qua, dù đã đến Trường Sa năm 2023, bởi với nhà văn Phong Điệp, đây thực sự là một chuyến đi mang dấu ấn lịch sử.

Nhà văn Phong Điệp trong chuyến hải trình Trường Sa vừa qua.
- Tôi nhận được thông báo về chuyến đi của đoàn công tác của Hội Nhà báo Việt Nam ra thăm Trường Sa hoàn toàn bất ngờ, với câu hỏi: “Em có đi không”. Thường nếu có ý định đi Trường Sa thì ngay từ đầu năm tôi đã sớm bày tỏ nguyện vọng để được “xem xét”. Năm 2023 tôi mới đi Trường Sa nên năm nay tôi chưa có ý định đi tiếp, vì muốn dành thêm vài năm nữa. Tuy nhiên chuyến đi của Hội Nhà báo thì lại khác - đây thực sự là một chuyến đi mang dấu ấn lịch sử bởi lần đầu tiên có 100 lãnh đạo, phóng viên các cơ quan báo chí trên khắp mọi miền Tổ quốc cùng tham gia hải trình. Nếu không có dấu mốc kỷ niệm 100 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam sẽ không thể có chuyến đi đặc biệt này. Một sự kiện lịch sử như vậy, nhờ duyên lành, tôi có cơ hội tham gia, lẽ nào tôi có thể từ chối được đây? Tôi trả lời không chút đắn đo: “Em đi được”!
Nhà văn Phong Điệp mở đầu câu chuyện.
Trước chuyến đi, chị có suy nghĩ cảm xúc gì?
- Trường Sa với cá nhân tôi và cũng như nhiều đồng nghiệp khác, là mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc, mà mỗi lần có cơ hội được ra thăm và làm việc thực sự là một trải nghiệm quý giá. Việc đến các tỉnh thành của Việt Nam trên đất liền, và ngay cả đi ra nước ngoài giờ đây trở nên đơn giản và dễ dàng với rất nhiều người làm báo, nhưng ra Trường Sa thì lại khác. Vậy nên tôi nâng niu, trân trọng và biết ơn những chuyến đi đó. Dù đã đi Trường Sa đến lần thứ ba nhưng trước chuyến đi lần này tôi vẫn náo nức, hồi hộp vô cùng. Tôi chuẩn bị một cuốn sổ thật đẹp để dự định khi đến từng điểm đảo, tôi sẽ xin được đóng dấu vào đó, mang về làm kỷ niệm. Đó sẽ là món quà vô giá với tôi. Và thật hạnh phúc, dự định đó của tôi đã hoàn thành vượt ngoài mong muốn. Tôi không chỉ mang về nhà cuốn sổ mà thêm cả một lá cờ đỏ sao vàng, đóng dấu các điểm đảo mà đoàn công tác đặt chân đến. Ngay khi về nhà tôi đã lồng lá cờ đặc biệt này vào khung kính và treo trang trọng tại nhà mình.
Trải qua hành trình ý nghĩa lần này, chị có những suy nghĩ cảm nhận chung ra sao ?
Mỗi hành trình đều để lại trong tôi thật nhiều kỷ niệm và cảm xúc. Chuyến đi cho tôi tình yêu nước - một tình yêu không hề trừu tượng. Tôi nhớ mãi giây phút cả đoàn công tác cùng đồng thanh hát Quốc ca trước cột mốc của đảo Trường Sa Lớn. Ngay lúc này, nhắc lại thời khắc đó, cả người tôi cũng đang run lên vì xúc động. Bạn có thể đã từng hát Quốc ca nhiều lần. Nhưng cảm giác hát Quốc ca tại Trường Sa - nơi quanh năm sóng dồn bão giật, nơi hàng ngày phải đương đầu với vô vàn khó khăn thử thách, nơi rất nhiều những người lính đã hy sinh tuổi thanh xuân để giữ bình yên cho từng ghềnh đá... bạn bỗng thấy mình trở thành một phần của Tổ quốc, thấy mình cần phải sống xứng đáng hơn, cống hiến nhiều hơn nữa cho đất nước mình.
Đã trở về thành phố, nhà báo - nhà văn Phong Điệp vẫn nhớ tha thiết tiếng còi tàu báo thức mỗi sáng, gương mặt ngây thơ của những em bé, gương mặt những người lính trẻ Trường Sa. Với nhà báo - nhà thơ Lữ Mai, tình cảm với các chiến sĩ hải đảo vẫn còn vẹn nguyên trong chị với những kết nối đậm sâu, qua từng tác phẩm về biển đảo, và hàng ngày giới thiệu bộ xà bông yêu nước, mang tên các cụm đảo của quần đảo Trường Sa…
Là người ưa khám phá, cũng là nhà văn có điều kiện đi rất nhiều nơi, còn trên chuyến đi tới Trường Sa, đã mang tới những khác biệt gì với chị?
Khác, thật sự là rất khác. Khác về địa lý, khác về những trải nghiệm, và bởi vậy cảm xúc khi đến đây cũng rất khác biệt. Trong hải trình bảy ngày, đoàn công tác đã được đến thăm 6 điểm đảo và một nhà giàn. Và tôi thường nấn ná ở lại gần như cuối cùng vì chỉ muốn lưu lại thật lâu tại những nơi đó. Có một câu chuyện khiến tôi vô cùng xúc động, đó là trước ngày đoàn công tác có lịch lên làm việc ở nhà giàn DK1/19 thì đêm đó trời mưa khá lớn. Mưa lớn đồng nghĩa với sóng to và như vậy cơ hội đoàn công tác lên được nhà giàn là rất khó. Anh em đơn vị đã ôm nhau khóc. Bạn có tưởng tượng được cảnh ấy không? Sáng hôm sau quả thật trời xầm xì, lúc đầu chỉ khống chế người lên nhà giàn, ưu tiên các chuyến xuồng chở quà. Anh em đoàn công tác nhìn nhau, tuy không nói ra nhưng buồn vô hạn. Năm 2023 tôi gặp tình cảnh ấy. 5 lần mặc áo phao và cởi ra rồi cuối cùng vẫn không thể lên được nhà giàn vì sóng to quá. Chị em khóc như mưa. Lần này thật may, chắc ông trời cũng thương xót nên sóng lặng bớt. Với nỗ lực và sự kiên cường của những người lính biển, đoàn công tác đã được hướng dẫn lên nhà giàn tuyệt đối an toàn. Khỏi nói mọi người hạnh phúc như thế nào. Những sự khác biệt ấy, chắc chắc sẽ không thể có được ở bất cứ chuyến công tác nào, ngoài Trường Sa.

Nhà văn Phong Điệp và các đồng nghiệp tại Trường Sa.
Chị có thể kể lại những trải nghiệm thú vị của chị qua những chuyến đi Trường Sa?
Đi công tác, dù trên đất liền hay ra biển, dù là nam hay là nữ đều cần sức khỏe dẻo dai và khả năng thích ứng với mọi điều kiện. Chuyến đi Trường Sa năm 2010 tôi bị say, vừa say tầu, vừa say đất. Đó quả là trải nghiệm khó quên, nhất là cảm giác say đất. Mình bước đi trên mặt đất mà cứ thấy chòng chành không vững. Hai chuyến đi sau thì tôi không bị say nữa, cũng bởi tôi vốn quen xê dịch nên khả năng chống chịu với thử thách cũng bền bỉ, dẻo dai hơn, cơ bản tôi đều vượt được qua.
Trong chuyến đi, những kỷ niệm nào làm chị nhớ nhất, từ tiếng còi tàu báo thức, trên thuyền đến các điểm đảo hay gương mặt trẻ thơ và cuộc sống của người dân đảo?
Kết thúc hải trình, tôi mang về vô vàn kỷ niệm. Cảm giác như mình vẫn chưa rời khỏi chuyến đi ấy. Như kiểu sáng sớm mở mắt lại bần thần nhớ tiếng loa trên tầu “báo thức toàn tầu”, cuối ngày thì nhớ “phát thanh toàn tầu”. Trong số những hình ảnh tôi nhớ khi đặt chân lên đảo Trường Sa đó là hình ảnh những em bé nô đùa dưới những tán cây bàng vuông, phong ba rợp bóng mát. Trong số đó có một bé gái chừng 3 tuổi chơi đùa rất thân thiết với những người lính đảo. Và những người lính mười tám, đôi mươi chơi đùa với em bé như thể với em gái mình. Giữa biển khơi xa, nhìn cảnh tượng bé gái tựa đầu vào vai người lính, ấm áp, thân thương vô cùng.
Dường như khắc sâu trong chị là hình ảnh những người lính trẻ, chị chia sẻ về trải nghiệm, tiếp xúc của chị với những người lính?
Khác với những người lính trẻ tôi gặp năm 2010, giờ đây tôi gặp một thế hệ những người lính gen Z trẻ trung, tự tin hơn. Các bạn không nhút nhát, dè dặt khi bày tỏ suy nghĩ, cảm xúc của mình mà rất cởi mở. Đặc biệt những người lính sinh năm 2005, 2006 - bằng tuổi con gái tôi - họ đã nói với tôi về nhiệm vụ của mình, về tình yêu Tổ quốc với đầy niềm tự hào. Họ nhắc đến người mẹ nơi quê nhà bằng sự biết ơn, khiến tôi ứa nước mắt.
Nhiều cảm xúc như vậy, chị có dự định viết nhiều về đảo và các chiến sĩ, người dân Trường Sa?
Với tôi đây là đây là chuyến đi của tâm hồn - để nhìn sâu vào trái tim mình, cảm nhận những điều thiêng liêng một cách bình dị mà sâu sắc.
Ngay sau chuyến đi tôi đã có những bài viết có tính thời sự và cảm xúc nóng hổi để đăng báo. Và chắc chắn tôi vẫn sẽ còn viết về Trường Sa ở những góc tiếp cận đa dạng của một nhà văn.
Xin cảm ơn những chia sẻ của chị!