Mua vé tàu Tết chớ tin theo 'cò'
Vừa qua, tại Chi nhánh Vận tải đường sắt Sài Gòn đã phát hiện 4 thẻ lên tàu giả vé tàu Tết do người dân mua qua 'cò' đi tuyến Sài Gòn - Huế vào dịp Tết Đinh Dậu 2017. Theo bà Phùng Thị Lý Hà, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội, nguyên nhân là do một số hành khách không tìm hiểu kỹ, tin theo lời quảng cáo của 'cò'.
- Hiện có nhiều trang web rao báo vé tàu Tết với giá cao. Xin bà cho biết đó có phải là trang web của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam không?
- Chúng tôi đã kiểm tra và phát hiện một số trang web khác không phải của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam nhưng có tên miền khá giống với website của ngành đường sắt nên một số hành khách, nhất là người nước ngoài đã hiểu nhầm và mua vé với giá cao như vetau247.com, duongsatvietnam.com, duongsathanoi.com, dailyvetauhoa.com, vetau24h.com. Đặc biệt, trang web duongsathanoi.com là trang web mạo danh đại lý bán vé tàu hỏa trực thuộc của ga Hà Nội. Tôi xin khẳng định, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chỉ bán vé trên website duy nhất là dsvn.vn và tại các đại lý của Đường sắt Việt Nam, các ga. Hành khách đặt mua vé qua các website khác có nguy cơ mua phải vé không hợp lệ nên không thể lên tàu.
Trong trường hợp hành khách đã mua vé từ những nơi bán vé không chính thức của ngành đường sắt (đặc biệt là những vé tàu đi trong dịp Tết) cần lưu ý kiểm tra lại vé trên website: http://dsvn.vn để tránh mua phải vé giả, vé không đúng tên và số giấy tờ tùy thân. Khi phát hiện dấu hiệu bất thường cần liên lạc lại với nhà ga để có hướng dẫn, giải thích kịp thời. Chúng tôi sẵn sàng tiếp nhận nhận thông tin phản ánh, phản hồi của hành khách qua số tổng đài chăm sóc khách hàng 19000109.
- Theo bà, liệu có khả năng trên trang web dsvn.vn đã báo hết vé trong ngày cao điểm mà những trang web khác vẫn có để bán do họ đã “ôm” từ trước hay không?
- Nếu trên trang web dsvn.vn báo không còn chỗ thì có nghĩa là vé đã hết, không ai có thể mua được tại bất kỳ điểm báo vé nào. Còn nếu có nơi nào đó rao bán thì chắc chắn không phải vé của đường sắt Việt Nam. Khả năng đơn vị, cá nhân nào đó “ôm” vé trước sau đó bán lại với giá cao khó có thể xảy ra bởi khách hàng khi mua vé phải xuất trình chứng minh thư và nếu muốn chuyển vé cho người khác, họ phải ra ga trả vé. Vé này sẽ được trả vào hệ thống tự động trong vòng 8 tiếng và bất kỳ ai cũng có thể mua được tại các nơi bán vé nên việc mua để đầu cơ sau đó bán lại không thể thực hiện được.
- Để tránh mua phải vé giả, hành khách cần lưu ý những vấn đề gì?
- Hệ thống điện tử vé được quản lý rất chặt chẽ. Khách mua vé ở đâu cần kiểm tra kỹ các thông tin. Đặc biệt trong dịp Tết năm nay, đường sắt Việt Nam sẽ siết chặt việc kiểm soát khách lên tàu tại cửa ra vào nhà ga và cửa toa xe nhằm đảm bảo quyền lợi cho những khách hành có vé chính thức, hợp pháp. Để đảm bảo quyền lợi của mình, hành khách khi mua vé cần xuất trình đầy đủ giấy tờ tùy thân. Khi đi tàu, khách phải có “thẻ lên tàu” hợp lệ và có thông tin cá nhân trùng khớp với thông tin trên thẻ mới được đi tàu. Để tránh việc hành khách mua nhầm “vé giả”, “vé không hợp lệ”, khách không nên mua vé bán tự do, trôi nổi bên ngoài.
- Hiện vé tàu Tết trên tuyến trọng điểm như Sài Gòn – Hà Nội có còn không thưa bà?
- Nhằm phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán, ngoài các đoàn tàu chạy thường xuyên các đoàn tàu lập thêm, nếu lượng hành khách tăng đột biến, Công ty Vận tải đường sắt Hà Nội sẽ lập thêm tàu, nối thêm xe. Công ty đã mở bán vé đợt một đối với tàu khách Thống nhất và tàu khách khu đoạn từ 1-10 qua website dsvn.vn, tại các nhà ga, cửa bán vé xa ga và các Đại lý bán vé trực thuộc Công ty. Mỗi khách hàng được đặt chỗ trên website, mua vé trực tiếp tại các nhà ga, các điểm bán vé mỗi lần không quá 4 vé cho một chiều. Riêng với tuyến Sài Gòn – Hà Nội từ ngày 22-28 tháng Chạp hiện đã hết vé, chỉ còn ghế phụ, nhưng trong khoảng thời gian từ 16-22 tháng Chạp tuyến này vẫn còn khá nhiều vé. Tuyến Nha Trang – Vinh cũng còn vé.
Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/mua-ve-tau-tet-cho-tin-theo-co/712024.antd