Mùa Vu Lan đặc biệt
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lễ Vu Lan báo hiếu năm nay có nhiều thay đổi. Hướng về nguồn cội, thể hiện tấm lòng đối với các bậc sinh thành, mỗi nơi, mỗi người có những cách làm khác nhau.
Làm gọn nhẹ
Dịp lễ Vu Lan hằng năm, chị Đinh Thị Kiều Anh ở phường Tân Bình (TP Hải Dương) thường đến chùa Ba Vàng (Quảng Ninh) hoặc chùa Linh Thông (TP Hải Dương) để làm lễ hiếu kính với người đã khuất. Năm nay, do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, chị làm lễ ở nhà. “Tôi bày mâm cỗ cúng đơn giản, gọn nhẹ, giảm các chi phí không cần thiết. Việc tụ họp với người thân cũng để lại sau khi tình hình dịch ổn định. Đây là những điều cần thiết để bảo đảm sức khỏe cho mình và người thân trong gia đình”, chị Kiều Anh nói.
Lễ Vu Lan năm nay, gia đình chị Nguyễn Thị Lan Phương ở phường Phạm Ngũ Lão (TP Hải Dương) cũng làm gọn nhẹ, không đốt vàng mã, chỉ dâng lên tổ tiên mâm cỗ mặn. Chị Phương cho biết: "Báo hiếu, tưởng nhớ đến ông bà, tổ tiên không nhất thiết phải làm mâm cao, cỗ đầy, tụ tập ăn uống linh đình. Sống hòa thuận, vui vẻ giữa các thành viên trong gia đình là cách báo hiếu tốt nhất". Vì thế, dịp lễ Vu Lan năm nay, tranh thủ vẫn được nghỉ hè, chị Phương giúp con tìm hiểu về ý nghĩa ngày lễ này để rõ hơn về đạo hiếu.
Đang ở trong vùng bị phong tỏa tại xã Gia Khánh (Gia Lộc) nên năm nay chị Nguyễn Thị Hương không thể đưa các con về quê Thái Bình tổ chức cúng rằm tháng 7 âm lịch như những năm trước. "Tôi thường xuyên gọi điện về hỏi thăm sức khỏe bố mẹ. Tôi nghĩ không chỉ lễ Vu Lan, báo hiếu là việc thường xuyên mà các con cháu phải làm đối với những bậc sinh thành. Dịch bệnh không về được thì chúng tôi cố gắng giữ gìn sức khỏe thật tốt để hẹn một ngày gần nhất về thăm bố mẹ", chị Hương nói.
Tổ chức các nghi lễ trực tuyến
Dịp lễ Vu Lan hằng năm, chùa Đồng Xuyên ở xã Cẩm Hưng (Cẩm Giàng) thường tổ chức lễ cầu siêu và mở hội hoa đăng, thu hút hàng trăm phật tử, người dân đến tham gia. Năm nay, do tình hình dịch bệnh, nhà chùa không tổ chức các nghi lễ này.
Nhiều năm trước, cứ vào dịp lễ Vu Lan, chùa Đống Cao ở phường Tân Hưng (TP Hải Dương) lại thu hút hàng trăm người đến tham dự. Tại đây, nghi thức hoa hồng cài áo được tổ chức trang trọng, bài bản. Năm nay nhà chùa chỉ tổ chức nội bộ, hạn chế tập trung đông người. Ngay từ đầu tháng 7 âm lịch, nhà chùa đã hướng dẫn các Phật tử đăng ký thông tin qua điện thoại, tin nhắn, email để làm danh sách cầu nguyện. Phật tử không đến chùa mà theo dõi khóa lễ được phát trực tiếp (livestream) trên trang Facebook Phật giáo Hải Dương.
Theo Thượng tọa Thích Thanh Vân, Ủy viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh, Đức Phật dạy tri ân, báo ân, tưởng niệm trong tâm thức của mình chứ không phải cách mình bày tỏ ở đâu, như thế nào. Quan trọng nhất ở lòng thành, con cháu những ngày này nhớ về ông bà tổ tiên, truyền thống gia đình, nhớ về những lễ nghĩa tốt đẹp của cha ông để noi theo và thực hiện cho tốt. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh đã yêu cầu các chùa, cơ sở tự viện tránh tập trung đông người, khuyến khích tổ chức lễ Vu Lan trực tuyến. Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh cũng kêu gọi các tăng ni, Phật tử tuân thủ các quy định phòng chống dịch bệnh. Các gia đình tổ chức cúng lễ không tập trung đông người. Ngoài ra, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh cũng kêu gọi các Phật tử tích cực tham gia ủng hộ Quỹ vaccine phòng dịch Covid-19; tặng quà, nhu yếu phẩm cho những vùng bị phong tỏa, người khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/phong-tuc/mua-vu-lan-dac-biet-177065