Mùa Vu Lan phảng phất hình bóng mẹ
Trời đất đã sang thu, mùa Vu Lan nữa lại đến, lòng đứa con xa càng bồi hồi nhớ mẹ, nhớ cha, nhớ làng xóm quê hương…
Mẹ tôi xưa làm nghề “mụ đỡ” (bà hộ sinh). Tôi không biết mẹ học được nghề này từ lúc nào, khi tôi bắt đầu hiểu biết thì đã nghe bà con xóm giềng gọi mẹ như vậy rồi. Thời chiến, vùng quê tôi cũng chịu sự đánh phá của bom đạn Mỹ như các miền quê khác ở miền Bắc, người dân thiếu thốn trăm bề; hầu như những người phụ nữ trong xóm khi mang thai đến kỳ sinh nở đều ít nhiều nhờ đến mẹ tôi.
Bất kể mưa gió, sớm khuya, bão lụt, từ làng trên xóm dưới, hễ có người đến gọi về chuyện người nhà sinh nở là mẹ vội vàng bỏ mọi công việc rồi tức tốc theo chân đến nhà họ ngay. Thương mẹ, bố tôi là thương binh thời chống Pháp, chân đi khập khiễng nhưng cũng gắng chèo thuyền chở mẹ đi. Bố nói với chị em tôi, đây là việc làm phúc, làm đức, là trời trao duyên phận cho mẹ, cho nhà mình nên dù khó mấy cũng cố mà làm.
Thế hệ 6X, 7X sinh ra ở làng tôi ngày đó, phần nhiều đều có sự nâng đỡ của bàn tay mẹ tôi, từ việc tư vấn gìn giữ, dưỡng thai, đến khi xổ cữ đón cháu nhỏ ra đời, rồi tắm rửa từ sơ sinh đến tròn tháng. Mẹ tôi luôn nói câu từ của người làm phúc đức, ước cầu cho ai cũng được mẹ tròn con vuông, được nghe tiếng trẻ khóc chào đời, được nhìn thấy chúng từng ngày lớn khôn nơi xóm nhỏ bình yên. Hạnh phúc của bà đỡ chỉ đơn giản thế thôi. Nhưng mẹ làm đầy trách nhiệm, nhiệt tình, không hề cầu lợi, mẹ được tiếng là “bà đỡ mát tay”. Thường thì sau khi sinh cháu ổn định hơn tuần tuổi, người nhà mang đến biếu mẹ cân gạo, ít khoai, buồng chuối, năm bảy quả trứng gà…
Mẹ nhận và nói: “nhận cho đầu xuôi, đuôi lọt”, nhận cho họ không phải mang ơn. Xong rồi mẹ mang biếu hết cho các cụ già neo đơn, trẻ nhỏ nghèo khó trong làng. Mẹ lại nói “lộc bất tận hưởng!”. Đời mẹ cứ thế mà trôi đi cùng với thời gian, bình yên thanh thản.
Sau khi đất nước giải phóng, đời sống khá lên, những người mẹ khi sinh con ở làng đều đến trạm xá xã, bởi ở đó đảm bảo an toàn hơn cho cả mẹ và em bé. Dù không trực tiếp đỡ đẻ nữa nhưng mẹ tôi vẫn tư vấn giúp các cô, dì kinh nghiệm giữ gìn khi mang thai, nhất là sinh con so với những bỡ ngỡ, lúng túng buổi đầu làm mẹ.
Mẹ tôi như bao người mẹ khác ở quê, cũng đầu tắt mặt tối “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, gắn bó với ruộng đồng, bếp núc, gà lợn, vườn tược, con cái… Chẳng khi nào thấy mẹ hết việc, mùa thi tôi dậy rất sớm để học bài thì mẹ đã dậy rồi, mẹ luôn tay luôn chân từ sáng đến khuya, quanh năm suốt tháng. Hình ảnh mẹ ngồi bên ngọn đèn dầu vá áo quần, thái rau cho lợn, sàng gạo hoặc bước thấp bước cao liêu xiêu nơi bờ ao, gò ruộng in đậm mãi trong tôi.
Suốt đời tảo tần lam lũ, mẹ không biết đến sinh nhật, nghỉ lễ, chớ nói gì chuyện đi tham quan, du lịch. Thế nhưng tuyệt nhiên không bao giờ nghe mẹ than vãn khó khăn. Mẹ lặng lẽ, âm thầm, chịu đựng, hy sinh cả đời để lo cho chồng, cho con cháu và lo việc làng xóm. Mẹ dạy “anh em như thể chân tay”, đùm bọc, che chở, nhường nhịn nhau mà sống. Mỗi khi nghe nhà ai có chuyện gì không hay, dù lớn dù nhỏ, mẹ vội vàng đến giúp đỡ, sẵn sàng phân giải. Mẹ chỉ mong một gia đình hòa thuận, một xóm nhỏ bình yên, con cháu trưởng thành bằng bè bạn và biết thương yêu nhau. Vâng lời mẹ, chị em tôi khuyên bảo nhau cố gắng thực hiện, lớn lên nên người. Theo quy luật cuộc đời, mẹ đã cùng bố về với tổ tiên yên bình nơi chín suối.
Theo chân bố tôi đi bộ đội, với gần 40 năm rong ruổi quân hành, tôi cùng đồng đội đi qua nhiều xóm thôn, gặp những người mẹ dù là người Việt Nam, người Lào, Campuchia là lòng tôi dâng tràn cảm xúc nhớ thương. Bởi, trong những người mẹ ấy đều phảng phất bóng dáng của mẹ tôi, tảo tần, vất vả... Mùa Vu Lan đến, tôi ước mong được nhìn thấy nụ cười của mẹ cha nơi chín suối khi biết con cháu luôn làm theo tấm lòng tâm phúc của mẹ.
Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/93/319696/mua-vu-lan-phang-phat-hinh-bong-me.html