Mùa vui trên những cánh đồng lớn cho thu 'vàng mười' ở Tuy Phước
Tuy Phước (Bình Định) từng được ví như một vùng đất khó 'mới nắng đã khô, mới mưa đã úng', nhưng nay nhờ sự thay đổi trong tư duy sản xuất, những cánh đồng lớn cho giá trị kinh tế vượt trội đã ra đời, mang lại ấm no cho người dân trên địa bàn huyện.
Nếu như trước đây, để thu hoạch 20 sào lúa của gia đình, ông Phan Xuân Lang, ở thị trấn Diêu Trì, phải thuê 2 - 3 nhân công, làm liên tục cả tuần mới xong, chi phí tầm 1 triệu đồng. Thì trong những vụ lúa gần đây, với sự hỗ trợ của máy móc, ông Lang chỉ mất khoảng 1 giờ thu hoạch.
Hiệu quả cánh đồng lớn
“Nhờ có máy gặt đập liên hợp, việc thu hoạch lúa giờ nhàn tênh, 20 sào lúa chỉ cần chưa đầy 1 giờ đồng hồ. Chi phí tiết kiệm chỉ còn 1/3, lượng thất thoát cũng được giảm thiểu”, ông Lang hồ hởi nói.
Không chỉ thu hoạch, tất cả các khâu sản xuất lúa ở Tuy Phước đều đã được cơ giới hóa, từ cày đầu vụ và sạ bằng công cụ sạ hàng, thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp, cuốn rơm đến khâu sấy lúa sau thu hoạch. Tỷ lệ cơ giới hóa ở hai khâu làm đất và thu hoạch đạt 100%.
Những năm qua, huyện thử nghiệm đưa thiết bị bay không người lái (drone) phun thuốc bảo vệ thực vật trên ruộng lúa nhằm đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Khâu sau thu hoạch cũng được huyện chú trọng bằng việc đầu tư máy cuốn rơm rạ và hệ thống máy sấy lúa, chế biến gạo.
Điển hình như tại xã Phước Quang, HTX Nông nghiệp Phước Quang phối hợp với UBND xã kết nối, thuê dịch vụ drone của Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời để phun thuốc bảo vệ thực vật cho hơn 120 ha lúa thuộc cánh đồng mẫu lớn.
Ông Nguyễn Thế Truyền, Giám đốc HTX Nông nghiệp Phước Quang, cho hay drone mang lại nhiều tiện ích nên khi triển khai áp dụng được nhiều nông dân hưởng ứng. Sử dụng drone trong phun thuốc và bón phân vừa nhanh, vừa bảo vệ sức khỏe người sản xuất, nâng cao hiệu quả.
Những thay đổi trong phương thức sản xuất giúp Tuy Phương nhanh chóng trở thành một trong những “lá cờ đầu” trong phát triển cánh đồng lớn ở Bình Định, với sản lượng trên 100 nghìn tấn lúa hàng hóa/năm. Hàng năm, Tuy Phước liên kết sản xuất hơn 1.000 ha diện tích, qua đó mỗi năm cung ứng trên 5.000 tấn lúa giống, đem lại lợi nhuận tăng thêm so với trồng lúa thông thường cho nông dân từ 8 - 10 tỷ đồng.
Hiệu quả sản phẩm thế mạnh
Đáng chú ý, trong chiến lược phát triển cánh đồng lớn, ngành nông nghiệp huyện Tuy Phước coi HTX nông nghiệp là tổ chức đại diện nông dân ký hợp đồng với các công ty làm dịch vụ cung ứng đầu vào như giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), tiêu thụ sản phẩm...
Theo đó, trong hơn 1 năm qua, nông dân huyện Tuy Phước đã thực hiện hơn 2.834 ha cánh đồng mẫu lớn, cánh đồng lớn, cánh đồng liên kết, riêng phần liên kết sản xuất lúa giống có 784,8 ha - nhờ mối liên kết này mà nông dân đã có lợi nhuận tăng thêm khoảng 5 tỷ đồng.
Không chỉ có những cánh đồng lớn trồng lúa, trên địa bàn huyện Tuy Phước đang xuất hiện hàng loạt mô hình hiệu quả, cho ra đời những sản phẩm được gắn sao OCOP, như chanh muối bà Nhiêm, gạo quê Phước Hưng, bánh phục linh An Khương, bột diếp cá Lộc Tín…
Điển hình, sau hơn 3 năm đi vào hoạt động, HTX nông nghiệp hữu cơ Lộc Tín đã có 5 sản phẩm được công nhận đạt hạng 3 sao OCOP, gồm nấm đông trùng hạ thảo tươi, nấm đông trùng hạ thảo sấy thăng hoa, rượu đông trùng hạ thảo, bột diếp cá sấy lạnh và bột diếp cá đông trùng hạ thảo.
Từ thành công ban đầu với nấm đông trùng hạ thảo, HTX Lộc Tín đã tiến hành trồng 2ha diện tích rau diếp cá theo hướng hữu cơ tại thôn Phong Tấn, xã Phước Lộc. Đồng thời, HTX đầu tư khoảng 450 triệu đồng mua dây chuyền, gồm: máy sấy lạnh, máy nghiền, máy súc rửa sục ozon…. để cho ra mắt sản phẩm bột diếp cá sấy lạnh và sản phẩm này ngày càng có chỗ đứng trên thị trường
Ông Phạm Trung Chiến, Giám đốc HTX Lộc Tín, cho biết đến nay, trung bình mỗi tháng, HTX thu hoạch gần 500kg rau diếp cá tươi và cho ra khoảng 30kg sản phẩm bột diếp cá sấy lạnh. Sản phẩm này đã được cung cấp trên các sàn thương mại điện tử, như: Shopee, website của HTX và tại cửa hàng, với giá 180 ngàn đồng/hũ 100g.
Bên cạnh việc đem lại lợi nhuận, HTX Lộc Tín còn góp phần tạo việc làm cho 7 lao động (trong đó có 2 lao động thường xuyên) với mức lương 6 - 8 triệu đồng/người/tháng.
Tạo sức bật trong sản xuất
Nhắc đến những đơn vị sản xuất gắn chuỗi giá trị ở Tuy Phước không thể quên HTX nông nghiệp Phước Hiệp, xã Phước Hiệp, với mô hình trồng rau VietGAP. Đến nay, HTX đã có trên 13,5 ha đất sản xuất, mỗi ngày cung cấp cho các siêu thị, như: Coopmart Quy Nhơn, Coopmart An Nhơn, Go và Mega Maket cùng một số quầy rau an toàn trong tỉnh từ 4 - 7 tạ rau các loại.
Nhờ trồng rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP mà đời sống của đa số hộ thành viên trong HTX liên tục được nâng cao, đồng thời tạo nhiều việc làm cho lao động nhàn rỗi trong và ngoài địa phương.
Anh Trần Văn Tiến, thành viên HTX Rau an toàn Phước Hiệp, chia sẻ nhờ áp dụng đúng kỹ thuật canh tác nên anh giảm 50% chi phí sản xuất và được HTX bao tiêu với giá 20.000 đồng/kg rau, cao hơn với giá thương lái bên ngoài từ 20% đến 30%.
Trung bình mỗi vụ (2-3 tháng), anh Tiến thu lợi nhuận gần 12 triệu đồng. Kể từ vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn đến nay, gia đình anh duy trì khu sản xuất hơn 2.200 m2 rau, với các loại khổ qua, đậu cô ve, đậu bắp, hành ngò, cúc, cải, mồng tơi và ngò sàng.
Có thể thấy, nông nghiệp huyện Tuy Phước đang có những chuyển biến tích cực, mang lại giá trị gia tăng cao. Tái cơ cấu nông nghiệp đạt hiệu quả cao đã tạo tiền đề để huyện Tuy Phước phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, mang lại bước đột phá trong xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.
Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP, trong năm 2023 trên địa bàn huyện Tuy Phước có 24 sản phẩm được công nhận đạt hạng 3 sao. Nâng tổng số sản phẩm công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP trên địa bàn huyện này hiện nay lên 35 sản phẩm (hạng 3 sao).
Kết quả thực tế cho thấy các bước đi trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng hiện đại, nâng cao vai trò HTX, của huyện đang phát huy hiệu quả và cần tiếp tục được đầu tư, phát huy trong thời gian tới.