Mua xe ô tô cũ: Những lợi ích, nhược điểm và lưu ý quan trọng
Mua ô tô cũ, ô tô đã sử dụng giúp tiết kiệm chi phí nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Để đưa ra quyết định đúng đắn, người mua cần cân nhắc cả lợi ích, nhược điểm và kiểm tra kỹ trước khi xuống tiền.

Với những người có nguồn tài chính hạn chế, mua ô tô đã qua sử dụng được xem là một giải pháp tối ưu, vừa tiết kiệm chi phí, vừa mau chóng có phương tiện di chuyển. Ảnh: TTXVN
Lợi ích khi mua ô tô cũ
1. Tiết kiệm chi phí
Xe cũ có giá thấp hơn đáng kể so với xe mới, giúp giảm áp lực tài chính. Ngoài ra, mức phí trước bạ và bảo hiểm cũng thấp hơn, giảm chi phí sở hữu ban đầu.
2. Khấu hao thấp hơn
Xe mới mất giá nhanh trong 2-3 năm đầu, trong khi xe cũ đã qua giai đoạn này, giúp người mua ít bị lỗ khi bán lại.
3. Mua được xe cao cấp với giá hợp lý
Với cùng ngân sách, người mua có thể chọn xe cũ thuộc phân khúc cao hơn, sở hữu nhiều tính năng hơn so với xe mới.
4. Tránh chi phí phát sinh ban đầu
Xe mới thường có thêm các chi phí đăng ký, bảo hiểm vật chất… Xe cũ đã qua sử dụng giúp tiết kiệm khoản này.
Nhược điểm khi mua ô tô cũ
1. Chất lượng không đồng đều
Xe cũ có thể từng bị va chạm, ngập nước hoặc gặp lỗi kỹ thuật. Nếu không kiểm tra kỹ, người mua có thể phải tốn kém sửa chữa.
2. Công nghệ lỗi thời
Xe cũ có thể không có các tính năng an toàn và tiện ích hiện đại như hỗ trợ giữ làn đường, phanh tự động hay kết nối thông minh.
3. Chi phí bảo dưỡng cao hơn
Xe cũ thường cần bảo dưỡng thường xuyên hơn và có thể không còn trong thời gian bảo hành của hãng.
4. Mức tiêu hao nhiên liệu cao hơn
Xe cũ có thể không còn tiết kiệm nhiên liệu như ban đầu do hệ thống động cơ đã hao mòn.
Những điều cần kiểm tra trước khi mua xe ô tô cũ
1. Kiểm tra giấy tờ pháp lý
Đảm bảo xe có giấy đăng ký chính chủ, sổ đăng kiểm hợp lệ, không bị tranh chấp hoặc cầm cố.
2. Kiểm tra lịch sử và hồ sơ bảo dưỡng của ô tô
Những xe được bảo dưỡng định kỳ, sẽ hoạt động tốt hơn và ít gặp sự cố trong quá trình sử dụng. Bạn có thể kiểm tra lịch sử bảo dưỡng thông qua các sổ bảo dưỡng định kỳ để biết được xe được chăm sóc đúng hạn hay không, lần bảo dưỡng cuối cùng là khi nào.
3. Kiểm tra ngoại thất
Quan sát kỹ thân xe, kính, đèn pha để phát hiện dấu hiệu sửa chữa lớn. Bánh xe và lốp ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu suất và độ an toàn khi sử dụng xe. Bạn cần xem xét độ mòn, vết nứt, áp suất của lốp. Nếu rãnh sâu trên lốp xe đã mòn, bạn cần phải thay thế lốp mới để đảm bảo an toàn khi chạy xe.
4. Kiểm tra nội thất
Đối với nội thất, bạn cần đánh giá tình trạng ghế ngồi, thảm sàn, vô lăng, bảng điều khiển, cửa, hệ thống điều hòa và giải trí… có thể sử dụng bình thường, có gặp hư hỏng trong quá trình kiểm tra hay không.
Đối với hệ thống điện, bạn cần kiểm tra khả năng hoạt động của hệ thống đèn như đèn pha, xi nhan, đèn nội thất…
5. Kiểm tra động cơ và hệ thống vận hành
Mở nắp capo để kiểm tra động cơ, dây điện, ống dẫn dầu. Đề nổ máy để nghe tiếng động cơ, kiểm tra hộp số, chân ga và chân phanh. Xe trong tình trạng tốt thường có quá trình khởi động nhanh và trơn tru, âm thanh động cơ êm. Nếu ô tô cần một lúc mới khởi động xong hoặc hoạt động không ổn định sau khi khởi động, xe có thể đang gặp trục trặc với hệ thống điện hoặc hệ thống nhiên liệu. Ngoài ra, âm thanh động cơ kêu rền hoặc có tiếng rắc rắc nghĩa là bộ truyền động đang có vấn đề.
6. Kiểm tra khung và gầm xe
Các vết nứt, dấu vết trầy xước trên thân xe tiết lộ rằng xe có bị va chạm hay chưa. Với gầm xe, bạn cần kiểm tra xem có vết nứt, rỉ sét, thanh chắn, giằng và bộ treo có dấu vết sơn mới hay không. Trong trường hợp thân xe và khung gầm có các mối hàn bị oxy hóa thì bạn không nên mua những xe này, bởi ô tô đã qua sửa chữa hay bảo dưỡng không đúng cách rất dễ xảy ra hư hại, không an toàn trong quá trình sử dụng.
7. Lái thử xe
Lái thử giúp đánh giá chân thực về cảm giác lái, độ nhạy chân ga, chân phanh, khả năng đánh lái và hệ thống treo.
Lái thử không chỉ giúp kiểm tra tình trạng thực tế của xe, còn thử cảm giác lái khi vận hành. Việc thử cảm giác lái rất quan trọng. Bởi đây là cảm nhận của bạn khi thao tác trên xe, đánh giá xem liệu xe có phù hợp với mình hay không. Quá trình lái thử cũng giúp bạn kiểm tra khả năng vận hành của xe bao gồm tiếng động cơ, hệ thống phanh… và sự thoải mái trong quá trình cầm lái.
8. Nhờ chuyên gia kiểm tra
Nếu không có kinh nghiệm, nên nhờ thợ sửa xe hoặc chuyên gia kiểm định đánh giá tình trạng xe.
9. So sánh giá cả và đàm phán
Tìm hiểu giá thị trường, so sánh với các lựa chọn khác và thương lượng giá dựa trên tình trạng thực tế của xe.