Mùa xuân ấm tình quân dân ở Trạm Ra đa 550, đảo Lý Sơn
Những ngày trung tuần tháng 1/2025, tàu 390 đã vượt sóng gió, tiến ra khơi, mang những món quà Tết và cả hơi ấm đất liền đến với hai huyện đảo: Cồn Cỏ (tỉnh Quảng Trị) và Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi). Đây là nhiệm vụ chính trị được Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân cùng đoàn công tác hoàn thành trong chuyến hành trình thăm, chúc Tết nhân dân và cán bộ, chiến sĩ đang sinh sống, làm nhiệm vụ trên những đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Trong dịp Tết đến xuân về, chuyến đi là hành trình thắt chặt tình quân – dân, kết nối đất liền với đảo xa – nơi bộ đội hải quân đang ngày đêm canh giữ biển, trời Tổ quốc.
Trạm Ra đa 550 thuộc Trung đoàn 351, Vùng 3 Hải quân đóng quân ở điểm cao 169 của đỉnh núi Thới Lới, thuộc thôn Đông An Hải, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Tọa lạc tại vị trí cao nhất của đảo, trạm được ví như “mắt thần canh giữ biển khơi” với nhiệm vụ trọng tâm là tổ chức quan sát, trinh sát, quản lý, kiểm soát chặt chẽ tình hình mục tiêu trên biển và không phận thấp trong vùng biển được phân công phụ trách; báo cáo thường xuyên về Sở chỉ huy Vùng 3 Hải quân.
Vào thời điểm sát Tết, mọi người hướng đến quê nhà, gia đình, tại Trạm Ra đa 550, các cán bộ, chiến sĩ ngày đêm túc trực 24/24 giờ, đảm bảo “mắt thần” luôn canh giữ vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Khi chuyến tàu 390 chở quà Tết, nhu yếu phẩm cũng đoàn đại biểu từ đất liền ra thăm đảo Lý Sơn cũng là thời điểm cán bộ chiến sĩ của Trạm Ra đa 550 vui mừng đón Tết sớm hơn trong đất liền.
Đại úy Trần Công Tài, Chính trị viên Trạm Ra đa 550, Trung đoàn 351, Vùng 3 Hải quân chia sẻ: Cấp ủy, Lãnh đạo Trạm Ra đa 550 quán triệt sâu sắc đến 100% cán bộ, chiến sĩ trong toàn đơn vị về các chỉ thị, chỉ đạo của các cấp về “4 an toàn”, “4 mẫu mực”, duy trì nghiêm các chế độ trực, bảo đảm quân số, vũ khí, thiết bị kỹ thuật phục vụ trực sẵn sàng chiến đấu.
Trước Tết Nguyên đán, các chiến sĩ được thông báo về tiêu chuẩn Tết theo đúng quy định của Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân và Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân; được quán triệt các nội dung, hoạt động trong tháng Tết với mục tiêu khích lệ cán bộ, chiến sĩ vững về tinh thần, giữ được bản lĩnh. Đặc thù của lính ra đa là càng Tết càng phải nâng cao cảnh giác, không được lơ là, phải ngày đêm ứng trực, quản lý vùng biển, nắm chắc mục tiêu, kịp thời báo cáo khi phát hiện tàu thuyền xâm phạm, bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Với những người lính ra đa, một trong những nguyên tắc quan trọng nhất là trong mọi hoàn cảnh, đã vào phòng máy là vào vị trí chiến đấu.
“Chúng tôi luôn xác định mỗi mục tiêu hoàn thành là một chiến công góp phần đảm bảo để người dân huyện đảo Lý Sơn nói riêng cũng như là trong đất liền nói chung, yên tâm đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025”, Đại úy Trần Công Tài nhấn mạnh.
Về mặt địa lý, đảo Lý Sơn nằm trên con đường biển từ Bắc vào Nam và nằm ngay cửa ngõ của Khu Kinh tế Dung Quất cũng như của cả khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung. Vị trí này đã đưa huyện đảo trở thành đơn vị hành chính tiền tiêu của đất nước. Theo đó, đảo vừa có vai trò đảm bảo an ninh chủ quyền quốc gia trên biển, lại vừa có nhiều điều kiện để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội trong những năm tới.
Trên huyện đảo Lý Sơn, những năm qua, cán bộ chiến sĩ của Trạm Ra đa 550 đã cùng quân dân huyện đảo nêu cao tinh thần một lòng đoàn kết, vượt khó cần cù lao động sản xuất, xây dựng huyện đảo ngày càng phát triển nhanh hơn, bền vững và hiệu quả hơn trên tất cả mọi lĩnh vực. Ông Ngô Đình Mẫn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi khẳng định: Với người dân đảo, cán bộ, chiến sĩ hải quân đặc biệt gần gũi, thân thương. Hàng ngày, các anh làm nhiệm vụ canh giữ biển trời Tổ quốc để người dân yên tâm sinh sống, trẻ em vững tâm học hành trên đảo. Khi đảo hứng chịu thiên tai, bão biển, những người lính biển luôn tự nguyện, tự giác đảm nhiệm những nhiệm vụ gian khó nhất, sẵn sàng ứng cứu, cứu nạn trước, trong và sau thiên tai. Bao năm qua, với những nhiệm vụ chính quyền địa phương giao phó, lực lượng hải quân trên đảo dù khó đến đâu cũng nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tạo được lòng tin yêu của người dân huyện đảo Lý Sơn và nhân dân cả nước.
Anh Trương Tấn Đạo (người dân đảo Lý Sơn) cho biết, với sự phát triển của công nghệ, của internet, sư hiện đại của tàu, thuyền, cuộc sống của người dân trên huyện đảo Lý Sơn không chênh lệch nhiều so với đất liền. Trừ việc thời tiết thay đổi thất thường, đột ngột, cuộc sống trên đảo có nhiều sóng, nhiều gió hơn đất liền, còn lại mọi nhu cầu thiết yếu đều được đáp ứng, mọi nhu yếu phẩm đều được cung cấp đầy đủ, vận chuyển từ đất liền ra đảo với giá thành ổn định. Mặc dù mùa này biển động, tàu thuyền ra vào thưa hơn, việc vận chuyển hàng hóa, buôn bán của người dân trên đảo không được thuận lợi, thường xuyên như khi biển lặng, thời điểm hiện tại, người dân Lý Sơn đang bận rộn với mùa tỏi mới cũng như lo trang hoàng nhà cửa, sắm sửa đón Tết.
Tết vui cùng “gia đình đơn vị”
Với một quốc gia có đường bờ biển dài và khoảng 4.000 hòn đảo, mỗi người lính hải quân Việt Nam đều thấm nhuần quan điểm “Đảo là nhà, biển là quê hương”. Khi không khí của mùa xuân mới tràn về mọi niềm Tổ quốc, trên huyện đảo Lý Sơn, nhiều hoạt động chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần được chú trọng tổ chức. Đặc biệt, để cán bộ, chiến sĩ đón một cái Tết đầm ấm, sum vầy, đầy đủ, công tác tăng gia, chăn nuôi bảo đảm nguồn thực phẩm sạch, dồi dào cho bộ đội đón Tết đã được Vùng 3 Hải quân thực hiện từ sớm. Thực hiện nhiệm vụ tăng gia, vừa tạo cho các chiến sĩ cảm giác sống tại trạm như sống tại nhà, vừa tạo ra nguồn thực phẩm sạch, góp phần cung cấp đủ dinh dưỡng, đảm bảo sức khỏe cho quân số các đơn vị thực hiện nhiệm vụ. Thượng tá Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm Hậu cần, Kỹ thuật Vùng 3 Hải quân cho biết: Trong đất liền, nhiều đơn vị thuộc Vùng 3 Hải quân có khu tăng gia sản xuất nên tự túc các nguồn nguyên liệu, thực phẩm như: Rau xanh nhiều loại, cá, thịt lợn, bò, thịt gia cầm… Khi có đoàn công tác ra đảo, chúng tôi mang theo lương thực, thực phẩm tươi, mới để bổ sung cho bộ đội trên đảo, đặc biệt là có đầy đủ những nguyên liệu gói bánh chưng, bánh mứt kẹo, vật trang trí Tết để cán bộ chiến sĩ khoác lên Trạm Ra-đa “tấm áo mới” đượm hương sắc xuân và ấm tình quân dân đất liền – biển đảo".
Ngày giáp Tết, Trạm tổ chức gói bánh chưng, làm giò, làm mứt… để cán bộ, chiến sĩ sum vầy cùng “gia đình đơn vị”. Năm nay, anh lính trẻ Nguyễn Thành Đạt (quê huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi) được đón cái Tết đầu tiên tại Trạm Ra đa 550. Xen lẫn cảm giác háo hức, tự hào, Thành Đạt chia sẻ: Là lính đảo, lại là lính ra đa, em thấy vinh dự khi được làm nhiệm vụ trong thời gian Tết. Ở quê nhà, gia đình cũng tự hào về em. Ở đơn vị, được cán bộ và đồng đội chân tình giúp đỡ, em trưởng thành hơn và luôn quyết tâm vượt mọi gian khó, cùng đồng đội thực hiện tốt mọi nhiệm vụ được giao phó. Em đã có nhiều mùa Xuân, nhiều cái Tết bên gia đình. Tết này được vui Xuân mới không quên nhiệm vụ tại Trạm, em chắc chắn sẽ không quên những kỷ niệm này.
Với phương châm “đất liền hướng về đảo xa”, hưởng ứng tích cực Cuộc vận động “Vì biển đảo quê hương - Vì tuyến đầu Tổ quốc”, trong chuyến công tác vừa qua, Vùng 3 Hải quân đã trao nhiều phần quà Tết tặng cán bộ, chiến sĩ Trạm Ra đa 550 và các lực lượng đóng quân trên huyện đảo; Nhân dịp này, thực hiện chương trình “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi bám biển”, Bộ Tư lệnh Vùng 3 đã đến thăm, trao 15 suất quà gồm phao tròn, áo phao, cờ Tổ quốc và 1.000m dây buộc tàu tặng các ngư dân tại Cảng cá Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi (tổng trị giá hơn 150 triệu đồng). Nhiều phần quà từ Bộ quốc phòng, Quân chủng Hải quân, các địa phương và doanh nghiệp gửi từ đất liền đã được đoàn công tác gửi đến cán bộ, quân và dân trên đảo.
Thiếu tá Trần Văn Đông đang công tác tại Trạm 2, Cảnh sát biển (huyện Lý Sơn) vui mừng khi đón nhận quà Tết đã chia sẻ: "Không khí khi có đoàn công tác đến thăm đảo, thăm bộ đội thật tuyệt vời. Năm nào, chúng tôi cũng mong chờ điều này. Các anh chị mang lời ca, tiếng hát cùng nhiều niềm vui và những phần quà ý nghĩa để quân và dân đảo cảm thấy không khí xuân tươi vui và tình quân dân thêm ấm áp".
Vậy là Xuân và Tết đã đến sớm hơn tại nhiều điểm đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Chuyến tàu mang yêu thương từ đất liền ra đảo luôn là một trong những nguồn động viên to lớn, tiếp thêm sức mạnh và ý chí cho cán bộ chiến sĩ quân và dân các đảo tiền tiêu vượt qua khó khăn, thử thách, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Qua đó góp phần xây dựng “thế trận lòng dân”, tạo nền tảng quốc phòng toàn dân và nền an ninh quân-dân trên biển vững chắc, bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng nơi đầu sóng, ngọn gió.