Mùa xuân ấy ở San Jose
Thật sự là chúng tôi đã hơi bất ngờ, vì chưa từng nghe nói có cộng đồng người gốc Việt nhưng vô gia cư ngay tại xứ cờ hoa San Jose này bao giờ
Đã hơn 10 năm trôi qua nhưng cứ dịp Tết đến Xuân về là tôi lại nhớ chuyến đi có một không hai tới thăm và tặng quà Tết cho bà con người việt tại San Jose (tiểu bang California, Mỹ). Bấy giờ, tôi đang là Tổng Lãnh sự Việt Nam tại San Francisco - Mỹ.
Để lại ấn tượng sâu sắc
Sở dĩ nói chuyến thăm có một không hai bởi việc một vị Tổng Lãnh sự, người đại diện cho nhà nước ta ở bờ Tây nước Mỹ, tới thăm bà con cộng đồng là chuyện thường tình nhưng với tôi, chuyến thăm này lại mang một ý nghĩa đặc biệt và đã để lại những ấn tượng sâu sắc.
Thời điểm đó là đầu năm 2009, sắp bước sang năm mới Kỷ Sửu. Tôi nói với anh em trong Tổng Lãnh sự quán chuẩn bị danh sách để đi thăm, chúc Tết một số gia đình bà con cộng đồng người Việt tại California. Khi trao nhiệm vụ cho anh em, tôi có đặt yêu cầu là chỉ đi thăm những người đang có hoàn cảnh khó khăn, cần sự giúp đỡ. Tôi còn tính đến cả phương án đi thăm các phạm nhân người gốc Việt đang bị giam giữ trong các nhà tù ở tiểu bang này nhưng ý định bất thành, vì quy trình xin đi thăm lãnh sự khá phức tạp, nhiều khả năng sẽ không kịp trước Tết.
Anh em có chuẩn bị mấy danh sách để tôi xem, nhưng rồi tôi vẫn cảm thấy chưa vừa ý vì nhiều lý do khác nhau. Đang bí vì không biết chọn phương án nào, tôi mang ý định của mình trao đổi với mấy người bạn trong cộng đồng người Việt. Số anh em này sang đây làm ăn tự do, chỉ thuần làm kinh tế và rất gắn bó với Tổng Lãnh sự quán trong các hoạt động vì cộng đồng người Việt ở đây. Họ cũng hay tếu táo gọi tôi bằng đại ca, một cách gọi thân tình của giới làm ăn tự do. Một anh sống lâu năm ở San Jose hỏi tôi: "Có chỗ này đúng ý đại ca nhưng không biết đại ca có dám đi không?".
Khi nghe tôi hỏi đi đâu và thăm ai, anh này trả lời ngay: "Thăm người homeless!".
Homeless là người vô gia cư. Thật sự là tôi hơi bất ngờ, vì chưa từng nghe nói có cộng đồng người homeless gốc Việt tại xứ cờ hoa này bao giờ. Càng không thể tin được vì từ trước đến nay cái "mác" Việt kiều luôn là đẳng cấp, luôn có sức hấp dẫn trong mắt người dân trong nước, đặc biệt lại là người gốc Việt công dân của xứ cờ hoa.
Đồng ý với gợi ý trên, chúng tôi một mặt thông báo với chính quyền sở tại để được hỗ trợ, một mặt mua sắm thực phẩm, bánh mứt, kẹo để làm quà Tết khi đến thăm bà con.
Nơi chúng tôi đến thăm là nhóm người gốc Việt sống dọc một con suối cạn ở kế bên Grand Century Shopping Mall - một trung tâm thương mại sầm uất của người Việt tại San Jose. Người vô gia cư ở đây có nhiều loại và con đường dẫn đến tình trạng homeless cũng rất khác nhau, nhưng họ đều có chung một điểm là nghèo và phải sống bán bất hợp pháp (tức là diện chính quyền có biết nhưng làm ngơ, chỉ khi nào những người này ra khỏi nước Mỹ thì sẽ không còn cơ hội quay trở lại). Họ phần lớn là những người thất nghiệp, mà ở Mỹ thì thất nghiệp là điều đáng sợ nhất.
Nhớ là tôi đã từng hỏi một số người Mỹ gốc Việt câu "anh chị sợ chuyện gì nhất?". Câu trả lời gần như luôn là hai chữ: Thất nghiệp.
Lý do cũng dễ hiểu, vì ở Mỹ anh muốn thứ gì cũng có nhưng những thứ đó vẫn không phải của anh do tất cả đều được mua chịu, trả góp. Cứ cuối tháng là hàng đống bill (hóa đơn) đòi nợ đến như bươm bướm: Tiền thuê nhà, tiền trả nợ mua xe, tiền bảo hiểm xe hơi, tiền bảo hiểm sức khỏe, tiền điện, tiền nước, tiền gas, tiền truyền hình, tiền internet, tiền điện thoại… Vì vậy, nếu mất việc làm thì lập tức anh bị đẩy ra ngoài xã hội: Nhà cửa, xe cộ thì bị ngân hàng phát mãi (nếu anh mua mà chưa trả hết tiền); nếu là ở nhà thuê thì anh sẽ bị tống ra khỏi nhà, và nếu phát mãi vẫn không đủ trả nợ thì sẽ phải ra tòa. Nếu anh phạm pháp, kể cả vi phạm luật giao thông mà không có tiền thuê mướn luật sư thì sẽ bị lấy hết giấy tờ, kể cả bằng lái xe. Không nghề nghiệp, không giấy tờ tùy thân thì sẽ không ai dám thuê mướn anh để rồi có công việc ổn định.
Cho nên, hằng ngày, những người mất việc làm thường la cà ở các trung tâm thương mại để chờ xem có ai thuê làm cửu vạn, tối thì về tá túc bên con suối cạn ngay sát bên trung tâm San Jose ngập ánh đèn màu là vì vậy.
Cùng hòa trong niềm vui
Bất ngờ được Tổng Lãnh sự quán và trực tiếp Tổng Lãnh sự đến thăm và tặng quà Tết khiến những người vô gia cư này cảm kích thực sự.
Người đại diện của họ khi nhận được những cái bắt tay nồng ấm, những lời thăm hỏi chân tình đã bày tỏ: "Các ông từ xa mà vẫn quan tâm đến những người vô gia cư, thất cơ lỡ vận như chúng tôi. Như vậy là đất nước Việt Nam vẫn không bỏ rơi, không khinh rẻ chúng tôi trong khi ở sát ngay đây có những vị đại gia người Việt mình, rất giàu có nhưng chưa bao giờ ngó ngàng đến chúng tôi".
Vị này còn thay mặt những người homeless đề nghị: "Xin được nhận ông Tổng Lãnh sự là đại ca! Xin cảm ơn các đại ca đã đến thăm và tặng quà cho chúng tôi". Nghe vị này nói thế và thấy chúng tôi cũng thoải mái, vậy là tất cả cùng hòa trong niềm vui.
Tôi cứ nhớ mãi khi hỏi chuyện một thanh niên, chúng tôi đặt vấn đề rằng đi nước ngoài mà phải sống chui sống lủi khổ sở như vậy, sao không về nước? Rằng với chức năng bảo hộ lãnh sự, Tổng Lãnh sự quán sẽ báo cáo với bên quê nhà và vận động sự đóng góp của cộng đồng để lo vé máy bay cho mà về. Người này trả lời: "Em còn mẹ già ở quê. Em nhớ nhà lắm, cũng muốn về lắm nhưng về thế này thì ăn nói sao với bà con chòm xóm. Ở nhà ai cũng nghĩ bọn em là Việt kiều đã qua đây bao nhiêu năm, tưởng làm ăn khấm khá. Má em đi đâu cũng khoe, ai ngờ em trên răng dưới dép thế này thì còn mặt mũi nào về".
Thật sự tôi đã rất xúc động khi chứng kiến người Việt mình, những người cùng máu đỏ da vàng mà thất cơ lỡ vận. Họ quá cơ cực nhưng lòng tự trọng cũng như tấm lòng với quê hương đất nước vẫn luôn tràn đầy ở rất nhiều người trong số họ.
Áp lực từ cộng đồng homeless
Sau chuyến thăm này chúng tôi được nghe kể lại là có "đại gia người Việt" cực đoan tự ái, cho rằng Tổng Lãnh sự quán chơi trội, đã qua mặt họ vì đến thăm cộng đồng ở đó mà không thông báo cho họ biết nên bàn cách sẽ ra đòn dằn mặt. Điều khiến chúng tôi bất ngờ là chính anh em trong cộng đồng homeless khi biết tin như thế đã kéo nhau đến gặp các "đại gia người Việt" này để gây áp lực. Họ còn tuyên bố: "Các ông ấy (ý nói về chúng tôi) là đại ca của chúng tôi. Họ không đụng gì tới các ông. Nếu các ông mà đụng đến họ thì các ông coi chừng".
Áp lực của anh em vô gia cư này đã khiến các vị này phải chùn tay.
Hộp thư tòa soạn
Ban Tổ chức cuộc thi phóng sự - ký sự 2019 trên Báo Người Lao Động đã nhận được tác phẩm tham dự của các tác giả: Lê Công Hội (Ông cổ hủ xứ Mường), Chung Thanh Huy (Thắm màu làng chiếu Định Yên), Mạnh Hào (Để mình hát xẩm cho mà nghe!), Phạm Xuân Dũng (Trên đỉnh Sa Mù), Đỗ Quang Tuấn Hoàng (Nghiên cứu mỹ thuật để "gặp gỡ" ông ngoại), Ngô Văn Tuấn (Vườn cây của Huệ), Trương Thanh Liêm (Ông Lộc đa năng), Hồ Thị Xuân Đà (Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Phượng), Huỳnh Văn Nguyệt (Nữ tỉ phú Nguyễn Thị Nga)...
Trân trọng cảm ơn các tác giả và rất mong tiếp tục nhận được tác phẩm mới.
CÁC ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH:
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/mua-xuan-ay-o-san-jose-20191116211222091.htm