Mùa xuân - Cơ hội chuyển hóa thân tâm
Ngày Tết, người ta thường dành thời gian để trở về cùng ăn Tết với gia đình. Do vậy, Tết là ngày đoàn tụ, dịp để chia sẻ những hạnh phúc, thành công của bản thân với người thân thương của mình, rộng hơn nữa là chia sẻ hạnh phúc đến đồng bào, vạn loại chúng sanh.
Nét đẹp ngày Tết
Trong những dịp này, người ta dành thời gian để trẩy hội, tham lễ những danh lam thắng cảnh, để được hưởng tuổi từ những bậc đạo cao đức trọng hầu nghe được những lời dạy cao quý đúc kết từ kinh nghiệm tu tập của các ngài và lấy đó để làm định hướng cho năm mới, trên bước đường tu nhân học Phật. Điều đó đã trở thành một truyền thống đẹp của dân tộc, dựa trên tinh thần gìn giữ văn hóa của cha ông. Ngày Tết, mọi người đều gặp nhau chúc tụng những lời tốt đẹp, tìm những ngôn từ hoa mỹ nhất để hiến tặng cho nhau.
Với người học Phật, hạnh phúc, bình yên mà mọi người đều ước vọng, không phải chỉ bằng những lời chúc tụng là được. Nếu không biết chế tác ra nhân tố hạnh phúc thì dù có chúc tụng cho nhau tốt đẹp đến đâu đi nữa, có dùng những mỹ từ sang trọng hết mực thì chúng ta vẫn có nguy cơ dừng lại ở những khổ đau, lo lắng và bất an. Ánh sáng tỉnh thức từ những lời dạy cao quý của Đức Phật chiếu rọi, giúp cho mọi người hiểu rằng phải tự thân tu tập để có khả năng chế tác ra năng lượng bình an, hạnh phúc thì chúng ta mới có cái để chia sẻ, hiến tặng cho người.
Xuân cửa thiền
Trong đạo Phật, tất cả những kinh điển ghi chép về sau này thành văn tự đều nhằm ghi lại lời dạy, hay nói đúng hơn, là những phương pháp mà Đức Phật đã thực chứng để giúp cho con người có phương tiện ứng dụng trong đời sống hàng ngày. Một khi chúng ta biết tu tập, biết chuyển hóa, biết làm mới cuộc đời mình, bản thân chúng ta sẽ có rất nhiều hạnh phúc, bình yên và an vui. Với những gì có được, chúng ta mới có thể chia sẻ, hiến tặng và chúc tụng.
Trong sinh hoạt thiền môn, mỗi buổi khuya, khi nghe tiếng chuông báo chúng, trở mình thức giấc, chúng ta liền nhiếp niệm vào trong hơi thở và đọc bài kệ: “Thùy miên thỉ ngộ/ Đương nguyện chúng sanh/ Nhất thiết trí giác/ Châu cố thập phương…”.
Thiền sư Nhất Hạnh đã thi hóa bài kệ này bằng Việt ngữ như sau: Thức dậy miệng mỉm cười/ Hai bốn giờ tinh khôi/ Xin nguyện sống trọn vẹn/ Mắt thương nhìn cuộc đời…
Trở mình thức dậy, nguyện cho mọi người trong giây phút này cũng tỉnh thức. Và nguyện cho mọi người, mọi loài bằng sự hiểu biết “nhất thiết trí”, tức có trí tuệ rộng lớn. Hiểu biết này được chế tác bằng chất liệu tình thương, tâm từ bi, để mình và mọi người được bình yên.
Chính sự hiểu biết rộng lớn mà kinh Pháp hoa gọi là “tri kiến Phật” - cái thấy biết đúng như cái thấy biết của Phật. Cái thấy biết của Phật là cái thấy tất cả mọi người, mọi loài đều có khả năng thành Phật; tất cả mọi người, mọi loài đều là những vị Phật tương lai. Từ cái nhìn bình đẳng đó, chúng ta mới trân quý sự sống của mọi người, muôn loài, cho đến thế giới tự nhiên, mọi hiện hữu.
Thế nên, với thời gian bắt đầu một ngày mới, chúng ta cũng nguyện cho mọi người cũng đều tỉnh thức, để mình và mọi người có sự hiểu biết, tâm thương yêu. Sự hiểu biết và tâm thương yêu đó giúp cho chúng ta có được bình yên; không gây khổ đau cho ai, không để lại hậu quả khổ đau cho mọi người trong suy nghĩ, lời nói và hành động.
Nguyện sống đời tỉnh thức
Với người Phật tử, để có đời sống hạnh phúc tương đối trong cuộc đời này thì cần thực tập năm giới, nhờ đó tịnh hóa được thân, khẩu và ý; biết lắng nghe, mở lòng đến mọi người và muôn loài, sống trách nhiệm, không tạo tác khổ đau và biết bảo vệ sức khỏe của bản thân bằng việc tiêu thụ có chánh niệm.
Khi xác định mình là Phật tử, chúng ta nguyện sống tỉnh thức, đồng nghĩa với việc khép mình vào năm giới. Và một khi có khả năng chăm sóc cho bản thân bằng sự tỉnh thức và thương yêu, chúng ta mới có khả năng đem đến bình yên cho người thân.
Ánh sáng tỉnh thức giúp chúng ta có thể hiểu biết và thương yêu tự thân, gia đình và xã hội, sống tinh khôi, không tạo lỗi lầm trong lời nói, hành động và suy nghĩ, không gây chia rẽ, nghi kỵ giữa mình và mọi người,… Khi chúng ta sống với ý thức như vậy, cũng chính là tu.
Tu không chỉ là việc quy y, đi chùa, tụng kinh, lần tràng, v.v… Trong nội dung, dù theo pháp môn nào, thì việc tu tập phải tạo ra sự chuyển hóa, thay đổi trong nội tâm mình. Việc học Phật phải đưa đến sự chuyển hóa. Không chỉ thay đổi bằng chiếc áo tràng, cổ tràng chuỗi mà phải thay đổi thực sự trong con người, làm mới lại cuộc đời mình.
Ngày xuân là ngày mở đầu cho một năm, mỗi sáng là thời khắc khởi đầu cho một ngày. Dù là lúc nào, chúng ta cũng phải nguyện sống để đạt đến bình yên đích thực, chừng mực, chánh niệm trong thân và tâm và tu tập để chuyển niệm. Làm được như vậy, chắc chắn chúng ta sẽ trở thành một con người tốt, hữu ích cho xã hội, bằng chính đời sống tự thân, có được mùa xuân trong cuộc đời của mỗi người.
Hòa thượng Thích Lệ Trang/Báo Giác Ngộ
(Nguyễn Cường ghi)
Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn/mua-xuan-co-hoi-chuyen-hoa-than-tam-post65480.html