Mùa Xuân gieo chữ trên non

Những đợt không khí lạnh mang theo buốt giá và mưa phùn đi qua, báo hiệu mùa khô đang về với vùng núi đá Sa Lung. Người già tất bật kiếm củi đốt sưởi ấm cho đàn trâu đang rùng mình trong sương giá buốt phủ dầy trên cỏ lá. Đám trẻ co ro bên cô giáo đợi sương tan để vào học. Đó cũng là mùa thầy, trò vùng cao nơi đây đang vượt qua để thắp sáng ước mơ học tập ngày một tiến bộ...

Trường Tiểu học Sa Lung hôm nay.

Trường Tiểu học Sa Lung hôm nay.

Không xa, không trèo đèo lội suối và chỉ cách T.P Thái Nguyên chừng hai chục cây số, nhưng Sa Lung lại nằm sâu trong khe núi đá Tân Long, Quang Sơn (Đồng Hỷ) hun hút gió. Vùng đất Sa Lung mùa này hầu như chỉ có đá và những vạt ngô sau thu hoạch còn sót lại thân gầy héo ua khẳng khiu. Nhà giáo Ưu tú Trịnh Thị Vân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sa Lung vốn tính tình sởi lởi, năng động, gặp chúng tôi lần nào cũng mời đến thăm Trường. Mỗi lần gặp, chị đều đem đến cho chúng tôi một câu chuyện vui: "Ở vùng núi đá học sinh không chỉ leo núi khỏe, mà năm nào cũng thi đạt giải bơi lội cấp huyện, cấp tỉnh. Tại Hội khỏe Phù Đổng của huyện, học sinh Trường Sa Lung luôn đứng top đầu về giải cờ vua, đá cầu, cầu lông, bóng bàn, bóng đá và cả thể dục nhịp điệu erobic nữa. Học sinh vùng cao tài lắm! Trường đạt chuẩn Quốc gia lâu rồi, từ 2012, đang dồn sức nâng chuẩn mức độ II”. Điều đó thôi thúc chúng tôi đến Sa Lung.

Ở Trường Tiểu học Sa Lung vật dụng gì cũng to hơn bình thường: Nồi nấu ăn, thảm nằm, chăn bông, áo ấm dầy hơn... Thầy giáo Nguyễn Việt Hùng, Tổng phụ trách Đội kể: Trường có 256 học sinh thì có đến 134 em thuộc hộ nghèo. Do đời sống nghèo khó, giao thông đi lai hiểm trở, xa cách bởi địa hình, nhiều gia đình ít quan tâm chu đáo cho các em đến lớp học thường xuyên, nên Trường đã mua sắm những vật dụng nấu ăn tập thể để các các em không phải tìm chỗ ăn trưa, chiều kịp học. Rồi bố trí chỗ nghỉ trưa tại lớp, mua chăn ấm to, để các em đắp chung...

Bếp ăn bán trú được Nhà trường huy động nhân dân kết hợp các nguồn lực đầu tư xây dựng khang trang, sạch đẹp.

Bếp ăn bán trú được Nhà trường huy động nhân dân kết hợp các nguồn lực đầu tư xây dựng khang trang, sạch đẹp.

Còn ở Điểm trường Lân Quan, 100% học sinh là dân tộc Mông, các em đi lại khó khăn, Trường chưa bố trí bếp ăn bán trú, các thầy, cô cũng thường xuyên nấu nồi cơm to cho các em lỡ bữa buổi trưa. Khi thì nấu mì tôm, khi thì luộc trứng cho các em mang theo, để ấm lòng cha mẹ và giữ chân học sinh yên tâm đến lớp. Hai năm trở lại đây, phụ huynh học sinh đi làm tại các khu công nghiệp, không đón đưa các em được thường xuyên, nên các thầy, các cô kiêm luôn nhiệm vụ chăm sóc học sinh. Khi lên lớp là thầy cô, tan học các em quấn quýt như thể những đứa con. Tình cảm thầy trò cũng vì thế được nhân lên, phụ huynh tin tưởng và trân trọng tình cảm của các thầy, cô giáo.

Trường Tiểu học Sa Lung đã được đầu tư xây dựng khang trang, có đủ các phòng học chức năng cho học sinh theo học chương trình giáo dục phổ thông mới và từng bước thực hiện các chuyên đề phát triển giáo dục STEM. Có được cơ ngơi như hôm nay, chính là nhờ sự kiên trì bám bản, bám trường của đội ngũ giáo viên và sự quan tâm sâu sắc của các thế hệ cán bộ xóm, xã. Cô Vân, Hiệu trưởng cho biết: Giáo viên hầu như nhà đều cách xa trường, người gần thì 4-5 cây số đường núi, người xa thì 25-30 cây số. Nhưng ai cũng tâm huyết với nghề và gần gũi với bà con từng xóm bản. Năm nào cũng vậy, gần khai giảng, toàn trường lại cùng cán bộ xóm, xã đến từng nhà lập danh sách học sinh, vận động các gia đình cho con ra lớp. Có những chuyến đi cả tuần từ Sa Lung sang Làng Giếng, Đồng Luông, Hồng Phong, rồi ngược núi lên Lân Quan... cách Trường cả chục cây số để vân động trẻ đến lớp đúng thời gian. Đi mãi quen lối và thân thuộc, rồi hiểu biết thêm nếp sống đồng bào, học được cả tiếng Mông, Dao, như thể người của bản. Có lúc học sinh đi học muộn, cô giáo điện về, trưởng xóm chạy xe máy chở luôn học sinh đến lớp kịp học. Dịp ngừng học tránh dịch COVID-19, đích thân Bí thư Chi bộ xóm Lân Quan đi dò sóng điện thoại để kết nối mang chữ về cho các em học. Chính vì vậy chương trình học không bị gián đoạn, khi trở lại lớp học, các em đều theo kịp kế hoạch học tập và đạt kết quả tốt.

Kể về quá trình xây dựng trường chuẩn quốc gia, cô Vân không khỏi cảm động trước tình cảm của bà con. Cô tâm sự: “Xã nghèo, đời sống đồng bào còn khó, địa phương lại không có doanh nghiệp, mạnh thường quân tài trợ, trong khi ngân sách Nhà nước đầu tư hạn chế. Qua nắm bắt, trao đổi, nhiều phụ huynh đã bày tỏ nguyện vọng muốn chung tay với Trường bằng công sức. Vậy là Hội phụ huynh đứng ra vận động mỗi gia đình góp vài ngày công lao động, phụ xây. Đúng ngày, bà con rất tự giác đến đào đất, vần đá đắp nền tạo mặt bằng. Kiên trì như kiến xây tổ, mỗi năm một phần việc, nên gần 10.000m2 khuôn viên gồm hai dãy phòng học 2 tầng, nhà hiệu bộ, các phòng chức năng, phòng bán trú và sân chơi, bãi tập riêng biệt đến nay đã cơ bản hoàn thiện cập chuẩn mới. Điều kiện cơ sở vật chất được cải thiện, Nhà trường phân công từng giáo viên hỗ trợ các em học sinh khó, học sinh khuyết tật hòa nhập, để bảo đảm chất lượng dạy và học đồng đều trong các lớp”.

Gần dân, vì nhân dân phục vụ và tâm huyết với sự nghiệp trồng người của tập thể giáo viên bằng những việc làm cụ thể, Nhà trường luôn nhận được sự nhiệt tình ủng hộ của bà con về các hoạt động giáo dục tại địa phương. Năm 2019, Trường vinh dự được nhận Cờ thi đua xuất sắc của UNBD tỉnh. Đây chính là động lực để Nhà trường tiếp tục thực hiện mục tiêu nâng chuẩn quốc gia mức độ II về chất lượng giáo dục toàn diện trong thời gian tới.

Trinh An

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/giao-duc/mua-xuan-gieo-chu-tren-non-281352-100.html