Mùa xuân giữa biển trời Tổ quốc
Trong khi ở đất liền nhà nhà, người người quây quần bên nhau đón ngày đầu tiên của năm 2021, thì ở nơi xa nhất của Tổ quốc Việt Nam, những người lính nhà giàn DK1/10 căng thẳng theo dõi mục tiêu và 'mời' ra khỏi vùng biển những con tàu 'không mời mà đến'.
Hải trình cuối năm
Chuyến tàu KN hành trình trong sóng to gió lớn do ảnh hưởng của cơn bão số 14 còn sót lại. Đã nhiều lần vượt sóng đến nhà giàn DK1/10, nhưng lần này tâm trạng tôi xốn xang xúc động. Bởi đây là chuyến hải trình cuối cùng của năm cũ.
Nhà giàn DK1/10 hiện ra trước mắt chúng tôi khi tàu KN rút dần khoảng cách. Thuyền trưởng tàu KN đứng trên ca-pin chỉ tay về hướng chân đế nhà giàn ra lệnh: “Thông tin liên lạc với nhà giàn chuẩn bị đón tàu. Hạ xuồng, chuẩn bị dây mồi. Máy tiến 1. Các số vào vị trí tàu thả neo”. Thuyền trưởng vừa dứt lệnh, tiếng báo vụ một vang lên từ phòng thông tin: “Tàu gọi nhà giàn, tàu gọi nhà giàn”. Tiếng chiến sĩ báo vụ từ nhà giàn đáp lại: “DK1/10 chào đoàn công tác. Chúng tôi đã nhận được kế hoạch đón tiếp. Công tác chuẩn bị đã xong. Lực lượng đón tàu đã sẵn sàng”.
Lính nhà giàn trước mùa xuân mới
Chiếc xuồng nhỏ được các thủy thủ hạ xuống biển. Chúng tôi bước nhanh xuống xuồng giữa tròng trành sóng gió. Tàu hú một hồi còi dài báo hiệu xuồng được hạ an toàn và bắt đầu vào nhà giàn. Từ sàn cập tàu, trung úy Bùi Trung Kiên, Phó Chỉ huy trưởng nhà giàn DK1 đưa tay chào chúng tôi và hô to: “Xin chào đất liền nhé”. Chúng tôi xúc động với không khí đón tiếp thân tình giản dị ấy.
Sau những cái bắt tay siết chặt, trung úy Kiên dẫn chúng tôi đi một vòng. Anh cho biết, trong hệ thống DK1, chỉ còn DK1/10 là nhà giàn một thân, tức là nhà giàn thế hệ cũ. DK1/10 đóng quân nơi xa nhất của Tổ quốc trên bãi san hô ngầm thuộc địa giới hành chính quản lý của tỉnh Cà Mau. So với các nhà giàn khác, DK1/10 “bình yên” hơn vì ít sóng gió, nhưng nguy hiểm hơn vì thường xuyên có tàu lạ qua lại.
“Đây là vùng biển tiếp giáp với Philippines và Malaysia nên thường xuyên có tàu thuyền nước ngoài hoạt động. Chúng tôi luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, nhất là đề phòng nghiêm ngặt nạn thâm nhập đột ngột của biệt kích, người nhái và cướp biển” - trung úy Kiên cho biết.
Hoãn cưới vợ cho đồng đội về bờ
Xuân Tân Sửu này, thêm 1 năm nữa trung úy Bùi Trung Kiên đón Tết ở nhà giàn. Trong tâm tư của chàng sĩ quan quê gốc Cà Mau, Kiên chia sẻ nỗi niềm của người lính biển đón Tết giữa ngàn khơi của Tổ quốc. “Nếu ngày thường nỗi nhớ đất liền đã canh cánh trong lòng, thì khi Xuân về Tết đến nỗi nhớ ấy càng tăng thêm gấp bội. Ở giữa biển khơi những ngày cuối năm này, đất liền, gia đình cứ hiển hiện trong đầu. Nhưng vì nhiệm vụ, chúng tôi gác lại tất cả. Được sự quan tâm của Đảng, nhà nước và quân đội, những năm gần đây đời sống của bộ đội nhà giàn có nhiều cải thiện, vật chất tinh thần khá đầy đủ nên đón Tết ở biển cũng gần như đón Tết ở đất liền. Chỉ khác không được đi dưới tiết trời sương đêm phút giao thừa đầu năm mới”- Kiên chia sẻ.
Nhà giàn DK1/10 trước bạt ngàn sóng gió
Năm 2020 đi qua, trung úy Bùi Trung Kiên có một kỷ niệm không bao giờ quên. “Đó là lần em cưới vợ “hụt” vì phải nhường cho đồng đội vào đất liền chữa bệnh”. Anh nhìn ra biển bảo: “Lần cưới hụt, vợ em buồn lắm. Nhưng được gia đình động viên nên vợ em cũng nguôi ngoai. Làm vợ lính là chấp nhận thiệt thòi. Có những việc bất ngờ không nói trước được” - Kiên hồi tưởng lại.
Đầu năm 2020, theo “kế hoạch”, trung úy Bùi Trung Kiên được vào đất liền cưới vợ sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở nhà giàn DK1/10. Do điều kiện công tác xa xôi, việc in thiệp và chuẩn bị đám cưới đều do vợ và 2 bên gia đình ở đất liền đảm nhiệm. Kiên được về đất liền trước 1 tuần để làm chú rể. Đùng một cái, chỉ huy trưởng nhà giàn DK1/10 là đại úy Nguyễn Văn Thanh bị bệnh không thể tiếp tục ở lại nhà giàn công tác. Để thay thế người chỉ huy, Kiên đã điện về gia đình và vợ chưa cưới “hoãn lại sang hè”.
“Lúc em gọi điện về nhà thông báo hoãn đám cưới, vợ em bị sốc. Vì thiệp cưới đã mời một nửa rồi, đã đặt mâm cỗ nhà hàng. Em động viên vợ cố gằng bình tĩnh tâm lý. Thiệp mời rồi xin thu lại. Tiền cỗ đặt cọc nếu không xin lại được thì coi như mất. Em động viên mãi, vợ cũng nghe ra và bảo: “Anh cứ yên tâm công tác. Ở nhà em lo được. Hè mình sẽ làm đám cưới cũng chưa muộn. Em mừng chảy nước mắt. Mới đó mà đã 1 năm rồi” - Kiên hồi tưởng lại.
Giữa biển khơi vẫn sống yêu đời
DK1/10 là nhà giàn xa nhất trong hệ thống 15 nhà giàn hiện nay đóng quân trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Vì đóng quân ở phần biển tiếp giáp với vùng biển của Malaysia và Philippines nên gọi là “nhà giàn chân trời”. Chủ nhân của nhà giàn này là cán bộ, chiến sĩ thuộc Tiểu đoàn DK1 Vùng 2 Hải quân. Do thường xuyên phải xa đất liền nên chuyện tìm cho mình một tổ ấm không dễ. Có sĩ quan ở biển 14 tháng liên tục, đến ngày được về đất liền cưới vợ đành hoãn lại vì đồng đội bị bệnh không có người thay thế, mà trường hợp của trung úy Bùi Trung Kiên là một ví dụ. Có người đám cưới đã sẵn sàng ở quê nhà nhưng vì sóng to gió lớn không sao về được nên đám cưới vẫn diễn ra nhưng không có chú rể.
Sẵn sàng chiến đấu
Chẳng ai muốn chuyện đó xảy ra nhưng vì nhiệm vụ nên đành phải quên cái riêng để hoàn thành nhiệm vụ đơn vị giao phó. Gian khổ, khó khăn và xa cách khiến người lính DK1 càng trân trọng những phút giây quây quần bên gia đình, người thân và bè bạn.
Xuân Tân Sửu đang đến gần, những người lính nhà giàn DK1 lại thêm một tuổi mới. Màu tóc của trung úy Bùi Trung Kiên và những sĩ quan ngót 30 năm công tác ở nhà giàn có thêm sợi bạc. Nhưng chắc chắn một điều rằng, tình yêu mà các anh dành cho biển, đảo chưa bao giờ phai nhạt.
Dù gian lao vất vả, dù nhọc nhằn và nỗi nhớ đất liền luôn khắc khoải tâm tư, dù thiếu thốn tình cảm và hơi ấm đất liền, nhưng cán bộ, chiến sĩ nhà giàn DK1 luôn vững vàng tay súng canh trời bám biển cho nhân dân cả nước đón một mùa xuân trong niềm vui trọn vẹn yên bình.
Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/mua-xuan-giua-bien-troi-to-quoc-a293352.html