Mùa xuân hạnh phúc đầu tiên của cặp vợ chồng hiếm muộn 12 năm

12 năm hiếm muộn với nhiều lần thụ tinh trong ống nghiệm thất bại, vợ chồng người công nhân ở Sơn Tây (Hà Nội) mới chạm đến giấc mơ làm cha làm mẹ. Đây là mùa xuân hạnh phúc đầu tiên của gia đình anh chị sau nhiều năm dài tìm con mỏi mòn.

Kết hôn năm 2011, vợ chồng chị Phùng Thị Liên (SN 1990) và anh Nguyễn Hoàng Trung (SN 1984) ở Sơn Tây, Hà Nội mãi vẫn không có con. Thời gian cứ thế trôi qua, năm này qua năm khác, niềm mong mỏi được nghe tiếng con trẻ trong ngôi nhà nhỏ vẫn chưa thành hiện thực.

Chạy chữa đông y không hiệu quả, năm 2017, anh chị quyết định tìm đến tây y với hy vọng sẽ sớm có con. Kết quả thăm khám cho thấy anh Trung gặp tình trạng tinh trùng yếu, bác sĩ khuyên hai vợ chồng nên cân nhắc phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).

Tuy nhiên, dù đã chọn con đường hiện đại và tiên tiến nhất, nhưng hai lần chuyển phôi đều không thành công, mọi ước mơ lại trở về con số không.

Chị Liên làm công nhân, lương chỉ đủ chi tiêu cho đời sống sinh hoạt hàng ngày, còn anh Trung làm công việc tự do, thu nhập khá bấp bênh. Kiếm được bao nhiêu anh chị đều dồn góp, chắt chiu, thậm chí phải vay mượn thêm chỉ với một hy vọng duy nhất, sớm đón được con.

Hai bé gái song sinh chào đời mang đến hạnh phúc vô bờ cho gia đình chị Liên.

Hai bé gái song sinh chào đời mang đến hạnh phúc vô bờ cho gia đình chị Liên.

Với niềm tin không từ bỏ và khát khao làm cha mẹ mãnh liệt, đến năm 2020, anh chị quyết định tìm đến một bệnh viện khác để tiếp tục hành trình IVF. Thế nhưng, dù đã cố gắng hết sức, kết quả vẫn không như mong đợi.

9 năm ròng rã trên hành trình tìm con, vợ chồng chị Liên đã đi qua biết bao thăng trầm. Dù vậy, nỗi khát khao được làm cha mẹ của vợ chồng chị luôn âm ỉ cháy, chưa một giây phút nào tắt.

Năm 2023, anh chị đến Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội thăm khám. Quá trình thực hiện kích trứng, chọc trứng của chị Liên diễn ra thuận lợi. Đến ngày báo phôi, vợ chồng chị hạnh phúc khi bác sĩ thông báo thành quả có 5 phôi ngày 5.

Vào một ngày hè tháng 5/2023, chị Liên chuyển phôi lần đầu tiên, dù đã cố gắng nhưng may mắn vẫn chưa mỉm cười với anh chị. Cuối năm 2023, chị Liên tiếp tục chuyển phôi lần hai. Những ngày chờ đợi sau chuyển phôi với chị là khoảng thời gian đầy cảm xúc hồi hộp, lo lắng và mong ngóng.

Đến khi que thử thai hiện lên hai vạch, chị Liên ngỡ ngàng, không dám tin vào mắt mình. Những nghi ngờ ấy chỉ thực sự được giải tỏa vào ngày thứ 14 sau chuyển phôi, với kết quả xét nghiệm beta HCG chính thức xác nhận "chị đã mang thai".

Hạnh phúc như được nhân đôi khi lần siêu âm đầu tiên, bác sĩ thông báo chị đang mang trong mình hai thiên thần nhỏ.

Sau 12 năm mong chờ, tháng 8/2024, khoảnh khắc đặc biệt nhất cũng đến. Chị Liên bước vào phòng sinh mổ với sự đồng hành của những người thân trong gia đình. Tiếng khóc đầu đời của hai em bé Nguyễn Ngọc Minh Anh và Nguyễn Ngọc Minh Ánh cất lên đã mang theo niềm hạnh phúc tràn đầy, khiến cả gia đình như vỡ òa trong cảm xúc. Đó không chỉ là ngày tuyệt vời nhất trong cuộc đời anh Trung - chị Liên, mà còn là cái kết ngọt ngào cho hành trình 12 năm dài vượt qua bao khó khăn, thử thách.

"Tết năm nay là cái Tết hạnh phúc nhất của gia đình mình. Từ ngày có hai bé, trong nhà tràn ngập tiếng cười hạnh phúc. Mùa xuân này với tổ ấm của gia đình mình thực sự có ý nghĩa đặc biệt", chị Liên chia sẻ.

Đây là mùa xuân hạnh phúc đầu tiên của vợ chồng anh Trung, chị Liên khi có hai thiên thần đáng yêu.

Đây là mùa xuân hạnh phúc đầu tiên của vợ chồng anh Trung, chị Liên khi có hai thiên thần đáng yêu.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ vô sinh cao trên thế giới, trong đó 50% số ca mắc nằm ở độ tuổi dưới 30. Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng một triệu cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn chiếm tỷ lệ khoảng 7,7%. Tỷ lệ vô sinh do nam giới chiếm 40%, do nữ giới chiếm 40%, 10% do cả hai vợ chồng và 10% không rõ nguyên nhân. Điều này cho thấy nguyên nhân gây vô sinh hiếm muộn xuất phát từ hai phía cả nam và nữ.

Theo PGS. TS Nguyễn Quang, Chủ tịch Hội Y học Giới tính Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Nam học, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, 10% trường hợp vô sinh không rõ nguyên nhân đang là thách thức đặt ra với các bác sĩ, nhà khoa học trong việc tìm ra phương pháp điều trị. Cùng với đó, yếu tố môi trường và lối sống có sự tác động tiêu cực đến khả năng sinh sản của nam giới. Trong đó, số lượng tinh trùng thấp hơn đáng kể ở những người hút thuốc lá điện tử và thuốc lá. Ở người thừa cân, béo phì cũng cho thấy tỷ lệ phần trăm gia tăng các thông số tinh dịch bị thay đổi. Những cậu bé thừa cân có khả năng trở thành những người đàn ông vô sinh cao hơn.

ThS.BS Đinh Hữu Việt, Trưởng khoa Nam học, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cho biết, trước đây với những bệnh nhân không có tinh trùng, thông thường chỉ dừng lại ở các xét nghiệm: Nội tiết, chỉ số sinh học, nhiễm sắc thể, gene AZF, siêu âm tinh hoàn… thì bây giờ chúng ta còn có những bộ xét nghiệm gene chuyên sâu hơn để sàng lọc những gene gây ảnh hưởng đến tinh trùng cho nam giới, từ đó giải trình tự gene để tìm thêm những nguyên nhân dẫn đến không có tinh trùng mà trước đây chúng ta chưa biết.

Y học ngày càng phát triển, những ca bệnh khó trong vô sinh nam như không có tinh trùng trong tinh dịch hay còn gọi là vô tinh, nếu như trước đây đấng mày râu mắc phải căn bệnh này thường hết hy vọng vào việc có con, thì ngày nay các bác sĩ đã phẫu thuật vi phẫu tinh hoàn tìm tinh trùng MicroTESE.

Đây là kỹ thuật mổ vi phẫu để tìm từng ống sinh tinh còn sót lại trong tinh hoàn, từ đó kiểm tra và tìm tinh trùng. Có rất nhiều bệnh nhân vô tinh khi thực hiện các kỹ thuật PESA, TESE không tìm thấy tinh trùng nhưng đã thành công nhờ Micro TESE và có được đứa con của "chính chủ", mang đến niềm hạnh phúc vô bờ cho những ông chồng "vô tinh" khi có được mụn con.

Trần Hằng

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/y-te/mua-xuan-hanh-phuc-dau-tien-cua-cap-vo-chong-hiem-muon-12-nam-i757772/