'Mùa xuân không tuổi' với những phụ nữ U50
Chẳng ai níu được thời gian, cũng chẳng ai sống mãi với thời tuổi trẻ. Nhưng chúng ta, mỗi người có một cách riêng để làm mới bản thân, nuôi dưỡng tâm hồn trở nên phong phú, nhiều cảm xúc tích cực khi Tết đến, Xuân về.
Chị Lê Thị Hải (ở tỉnh Quảng Ninh) chia sẻ, năm nay bước vào tuổi 48 nhưng chị không nghĩ mình già, có chăng chỉ là… nhiều tuổi thôi!
Từ bé, chị Hải luôn có một cảm giác háo hức đặc biệt với Tết. Sau này lớn lên, xây dựng gia đình, Tết đồng nghĩa với phải lo toan trăm việc không tên nhưng chị Hải không "sợ" Tết. Chị tự nhận, mình là người thích Tết.
"Tôi không cầu kì về ăn uống nhưng vẫn giữ nếp nhà xưa, ấy là tranh thủ dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa, thanh lý những đồ cũ không dùng đến, sắm sanh thêm một số đồ mới. Đặc biệt, Tết nào tôi cũng sắm cho mỗi thành viên trong nhà 1 bộ đồ mới để diện chụp ảnh kỉ niệm vào sáng mùng Một. Những thói quen bao năm này của tôi cứ tự nhiên ngấm vào chồng con, trở thành nếp nhà. Có năm, mải việc, đến ngày 27 Tết, cô con gái nhắc năm nay nhà mình chưa có đồ mới, thế là cả nhà dắt nhau đi mua sắm quần áo Tết. Nhìn cảnh chồng ngắm cho vợ, vợ chồng cùng ngắm cho các con xem bộ nào hợp, màu nào yêu hơn mà thấy trong lòng chộn rộn đến lạ.
Quay trước ngó sau, chẳng mấy mà bọn trẻ trưởng thành, rời vòng tay bố mẹ. Nên khi cả gia đình còn được ở bên nhau, tôi luôn trân trọng những thời khắc yêu thương này. Với tôi, trong năm có xảy ra bao nhiêu chuyện không như ý thì Tết luôn phải thật vui vẻ. Tết là dịp để bỏ qua những điều chưa như ý, để hướng về một năm mới nhiều may mắn hơn, hạnh phúc hơn. Thế nên, nhà tôi có nguyên tắc, dù có chuyện gì đi chăng nữa thì nhất định không ai được giận ai vào ngày Tết. Có lẽ, vì tôi yêu Tết theo một cách rất riêng nên bọn trẻ con bảo, mẹ chẳng bao giờ già được vì mẹ thích Tết hơn cả trẻ con", chị kể.
Còn chị Nguyễn Bích Thủy (ở tỉnh Bắc Giang) thì đón Tết theo một cách khá đặc biệt. Đó là mỗi năm, gia đình chị lại chụp một album ảnh chung với họ nội vào ngày mùng Một Tết và với họ ngoại vào chiều mùng Hai Tết. Chị Thủy cho biết, thói quen này chị duy trì được 15 năm nay. Lúc đầu, mọi người chưa quen nên không hào hứng lắm. Chồng chị thậm chí còn "mắng" chị nhiêu khê.
"Nhưng khi thực hiện được khoảng 3 năm, mỗi dịp Tết tôi lại rửa 1 cuốn album cất đi, Tết năm sau mang ra ngắm lại. Lúc xem lại ảnh cũ, ai cũng rất hào hứng, bình luận rôm rả. Sau này, khi thành thói quen, chẳng phải nhắc nhở mà cứ ngày mùng Một tập trung bên nhà nội thì chụp bộ ảnh với nhà nội; sang ngày mùng Hai về chúc Tết ông bà ngoại thì chụp ảnh cùng nhà ngoại. Đến nay, sau 15 năm, "gia tài" hình ảnh của gia đình tôi khá phong phú. Mỗi bộ ảnh, mỗi cái Tết qua lại cho chúng tôi biết bao nhiêu là kỉ niệm. Thoáng đó, tóc trên đầu vợ chồng tôi đã bạc, bố mẹ chúng tôi đã già đi nhiều, không biết còn góp mặt ở bao nhiêu bộ ảnh nữa. Đặc biệt, nhìn lại ảnh, ai cũng vui vì quân số đang dần đông hơn khi các cháu lớn lên lấy vợ, lấy chồng, sinh con đẻ cái. Tự bao giờ, những bộ ảnh Tết trở thành tài sản tinh thần vô giá của đại gia đình chúng tôi".
Cách đón Tết của chị Hải, chị Thủy chỉ là hai trong nhiều cách đón Tết của mỗi nhà. Vẫn biết, mỗi người có một cảm xúc riêng với Tết nhưng dù sao, Tết cũng là dịp để chúng ta làm mới bản thân, kết nối gia đình. Và mùa Xuân chẳng bao giờ có tuổi, như tâm hồn con người sẽ không già theo Tết.