Mùa Xuân nhớ về Tổ quốc
Mỗi mùa Xuân về, trong lòng tôi lại khôn nguôi nhớ về Tổ quốc. Đất nước đi ra từ chiến tranh, vượt bao khó khăn chồng chất, để có được sự giàu mạnh, tươi đẹp như hôm nay là niềm tự hào với những người sinh sống và công tác ở nước ngoài như chúng tôi.
Còn nhớ những ngày đầu tiên chúng tôi rời xa Tổ quốc, trong chuyến hành trình trên con tàu liên vận quốc tế vào tháng 9-1976, từ ga Hàng Cỏ (nay là ga Hà Nội) qua Trung Quốc, Mông Cổ, Liên Xô, Ba Lan để tới Cộng hòa dân chủ (CHDC) Đức du học. Trước đây, trên chiến trường Quảng Trị, tôi đã cảm nhận nỗi nhớ nhà khi lần đầu xa quê. Dẫu vậy, đó vẫn là hậu phương, là miền quê thân thuộc với tổ tiên, ông bà, cha mẹ, anh chị em, hàng xóm láng giềng, với lũy tre làng, cánh đồng lúa, những con sông đỏ nặng phù sa... Còn ở châu Âu thì quê hương đã cách xa hàng vạn cây số, khiến nỗi nhớ càng cồn cào. Ở CHDC Đức, lúc đầu, tôi học đại học dự bị tại Trường Đại học Tổng hợp Các Mác ở Leipzig. Bỡ ngỡ ban đầu ở nơi xứ người không chỉ là xa lạ về văn hóa, thời tiết, thiên nhiên, mà xa lạ cả bữa ăn hằng ngày... Vấn đề lớn nhất với tôi và các du học sinh khác là mối liên lạc với quê nhà rất khó khăn, chỉ có thể gửi thư qua bưu điện, sau nhiều tuần thư mới đến tay người nhận. Một trong những yếu tố giúp tôi vượt qua tất cả là tình cảm đồng đội, đồng hương, đồng bào.
Sau khi tốt nghiệp về nước, rồi được Nhà nước Việt Nam cho phép di cư sang CHDC Đức vì lý do gia đình, tôi đã tự xác định rằng sẽ sống và làm việc không chỉ vì bản thân, gia đình mà cả vì Tổ quốc thân yêu. Xuất phát từ nhận thức đó, từ nhiều năm nay, tôi hoạt động với tư cách là một người viết báo. Nhiều bài báo của tôi được bạn đọc chào đón qua các địa chỉ truyền thông có uy tín như: Báo Nhân Dân, Báo Quân đội nhân dân... Và với bài "Tự hào về Ðảng, tự hào về sự phát triển của đất nước" (đăng 2 kỳ trên Báo Nhân Dân), tôi đã được trao Giải tác phẩm xuất sắc của tác giả là người Việt Nam ở nước ngoài của Giải Búa liềm vàng lần thứ V-năm 2020.

Cựu chiến binh Hồ Ngọc Thắng thăm đảo Trường Sa, năm 2015.

Cựu chiến binh Hồ Ngọc Thắng (thứ tư, từ trái sang) trò chuyện với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân tại đảo Trường Sa, năm 2015. Ảnh do tác giả cung cấp
Thật hạnh phúc và tự hào, với tư cách người Việt Nam ở nước ngoài tiêu biểu và là một người viết báo, nhân dịp 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, năm 2015, tôi được cùng đoàn đại biểu người Việt Nam ở nước ngoài ra thăm quần đảo Trường Sa trên con tàu mang số hiệu HQ 561.
Đây là chuyến đi mà bản thân tôi cũng bất ngờ, vì chưa bao giờ hình dung sau mấy chục năm vượt Trường Sơn tôi lại có cơ hội vượt biển đến Trường Sa. Và đây cũng là dịp quan trọng giúp tôi có cơ hội được gặp gỡ, trò chuyện với rất nhiều cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam trên một số đảo ở Trường Sa và nhà giàn DK1. Gặp họ, tôi như được sống với thời tuổi trẻ, tràn đầy nhiệt huyết, luôn luôn sẵn sàng hoàn thành nhiệm vụ khi Tổ quốc cần.
Được chứng kiến cuộc sống của anh em nơi đảo xa, qua những câu chuyện, những lời tâm sự, tôi thành tâm xúc động, càng thêm tin tưởng các thế hệ con em đã tiếp nối một cách can trường, đầy lòng tự tôn và tự trọng dân tộc, dù sống giữa trùng khơi khí hậu khắc nghiệt, nhưng vẫn luôn nắm chắc cây súng bảo vệ biển trời thiêng liêng của Tổ quốc.

Phút giải lao của cán bộ, chiến sĩ trên đảo Trường Sa. Ảnh: HOÀNG CHUNG
Một điều rất bất ngờ, tôi và các thành viên trong đoàn có cơ hội đến thăm các hộ gia đình sống trên các đảo lớn. Họ chủ yếu làm nghề nuôi và đánh bắt hải sản. Ở đó có các lớp học dành cho trẻ em. Một số trẻ em ra đời ngay ở đây. Dù luôn được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, chăm lo, tạo điều kiện để bà con sinh sống và làm việc nhưng cuộc sống của họ vẫn còn khó khăn, như khan hiếm nước ngọt, đồ đạc bị gió mặn làm hoen gỉ, đất liền xa xôi... Nhưng qua tiếp xúc, trò chuyện, tôi nhận thấy bà con luôn tràn đầy niềm tin vào một cuộc sống tốt đẹp.
Như tôi tận mắt chứng kiến, ngay từ hồi đó, kế hoạch điện khí hóa bằng năng lượng mặt trời, xây dựng nhà máy lọc nước biển lấy nước ngọt bắt đầu được triển khai. Một chi tiết thú vị cho thấy sự cần cù và sáng tạo của người dân nơi đây: Khi chúng tôi đến thăm, các gia đình mời chúng tôi ăn hoa quả do họ tự trồng, nước để tưới cây chính là nước thải trong sinh hoạt hằng ngày. Tôi kính trọng và tin tưởng vào những người dân đang kiên cường trụ vững, sát cánh cùng các thế hệ Bộ đội Cụ Hồ ở thời đại mới giữ gìn sự bình yên nơi biển đảo xa xôi, để mọi người yên tâm xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Toàn cảnh thị trấn Trường Sa, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa hôm nay. Ảnh: KIÊN THÁI
Mùa xuân 2025, chiến tranh đã lùi xa và nước nhà đã thống nhất tròn nửa thế kỷ. Thế hệ chúng tôi đều đã vào tuổi "xưa nay hiếm". Sức khỏe không còn được như trước nhưng tinh thần vẫn như ngày nào khoác ba lô vào chiến trường. Vì cuộc mưu sinh, nhiều con dân nước Việt như tôi phải sống xa nhà, xa người thân, xa quê hương, nhưng tâm trí vẫn luôn hướng về Tổ quốc. Không còn xa xôi nữa, mà hằng ngày, hằng giờ, chúng tôi vẫn nhận được tin vui về sự phát triển của nước nhà. Tôi coi đó là niềm tự hào và yên tâm rằng sự hy sinh của nhiều đồng đội của tôi thời chiến tranh đã được đền đáp.
Năm mới Ất Tỵ 2025 đã đến, một mùa xuân mới đã về trên quê hương, tôi không khỏi bồi hồi suy nghĩ, cầu mong điều tốt đẹp tiếp tục đến với Tổ quốc thân thương của tôi, với đồng bào mà tôi yêu quý, với những người thân thiết, ruột thịt của tôi ở nơi quê nhà. Và từ những gì đã trải qua, đã chứng kiến, cảm nhận, tôi ý thức được rằng, chính tinh thần sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích của cộng đồng, của dân tộc trong quá khứ và hiện tại đã làm nên kỳ tích của chúng ta trong cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, thống nhất non sông và tiếp tục thành công trong công cuộc xây dựng, bảo vệ cuộc sống mới tươi đẹp của ngày hôm nay.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/ky-su/mua-xuan-nho-ve-to-quoc-811898