Mùa xuân thì thầm chuyện ghế đá
Ngoài sự ồn ã, náo nhiệt, Hà thành còn có những giây phút bình yên vô cùng mà ta có thể bắt gặp ở nơi có hàng cây xanh mát, nước hồ trong veo và đặc biệt là những chiếc ghế đá luôn sẵn sàng khi đôi chân ta mỏi nhừ. Từ trước tới nay, người Hà Nội luôn có thú thư giãn tao nhã, có phong cách 'sống chậm' mà ít ai để ý. Đó là thói quen thư giãn trên hàng ghế đá.
Để diễn tả khoảng cách của thời gian hiện tại và quá khứ hoặc nói về phạm trù thay đổi của vạn vật, ta hay nhắc đến cụm từ “xưa” và “nay”. Vốn dĩ vì thế giới luôn biến chuyển từng ngày từng giờ, có những khung cảnh sẽ chỉ thay đổi chi tiết nhỏ mà mắt thường không thể thấy nhưng cũng có những điều ngày xưa khác hẳn so với ngày nay. Trong đó có những hàng ghế đá của Hà Nội. Ngày nay, nhiều ghế đá đã được thay thế bằng vật liệu khác, nhưng người ta vẫn có thói quen gọi những hàng ghế nơi công cộng ấy với cái tên xưa: “ghế đá”.
Xưa hay nay, dù là nơi hẹn hò đón đưa nhau hay nơi ngồi mong ngóng chờ đợi người thân, ghế đá là người bạn tri âm tri kỷ. Đọc sách, ngắm trăng, trốn tìm… ghế đá là nhân chứng. Và nụ hôn đầu đời của nhiều đôi lứa cũng từ trên những chiếc ghế đá quen thuộc giữa lòng Hà Nội, nơi trong công viên thơ mộng, nơi bờ hồ lãng mạn hay chỉ là bên một bến sông vắng chảy lững lờ trong thành phố.
Quen thuộc nhất với người dân Hà Nội có lẽ là ghế đá Hồ Gươm. Tại nơi đây, bao câu chuyện trai thanh gái lịch cùng nhau tình tự trên ghế đá đã trở thành một hình mẫu cho dòng tranh Bờ Hồ. Bao giờ tranh ấy cũng phải có vài cây dừa soi bóng nước tượng trưng cho ý chí thống nhất non sông, và đôi trai gái ngồi trên ghế đá ven hồ quàng tay nhau hạnh phúc.
Hay trong mờ mờ sương sớm rồi ánh chiều tà, trong rét buốt mùa đông và ngay cả chói chang nắng hè… ghế đá Hồ Gươm vẫn luôn có người ngồi, lúc nào cũng “đắt khách”. Ở đó có phút thư thái của những người nhàn tản bên trang báo, có các ông ngồi đàm đạo chuyện nhân gian thế sự, có các bà chia sẻ chuyện gia đình, có những chàng trai, cô gái cùng câu chuyện tuổi trẻ, những em học sinh với bài học trên tay, …
Cách đây gần chục năm, ghế đá Hồ Gươm đã được thay thế bằng một loại ghế mới với vật liệu thép và composite. Những chiếc ghế mới có nhược điểm bị chia làm 3 khoang nên ngồi không thoải mái, nhưng lại đáp ứng được lượng du khách ngày càng đông cần nghỉ chân bên hồ. Dẫu vậy thì những hình ảnh bình dị và lãng mạn bên hồ vẫn luôn hiện diện cùng cuộc sống.
Cảnh sắc Hồ Gươm luôn đẹp và thanh bình vào cả bốn mùa. Mùa đông, những cụ ông cụ bà, trung niên, thanh niên đi tập thể dục buổi sáng. Chạy bở hơi tai hết cả quãng đường dài rồi ngồi nghỉ chân, khi ráo mồ hôi, cái lạnh ùa về thì vội vã đứng dậy đi tiếp. Còn mùa hè nắng nóng thì ghế đá lại “đắt khách” vào những buổi tối. Mùa xuân là những chuyến đi dạo thong dong bên hàng hoa nở bung khoe sắc...
Bây giờ mà ra Hồ Gươm vào tối mùa hè sẽ khó mà tìm được cái ghế đá nào. Muốn ngồi cũng phải chờ người khác đứng dậy mới có chỗ. Ghế đá vào mùa thu là dịu dàng hơn cả, bởi không phải ai cũng chịu được cái se se lạnh của Bờ Hồ, công viên để mà thả hồn trên ghế đá, vì thế khi đi dạo Hồ Gươm vào mùa thu thì vẫn còn nhiều chỗ trống. Còn vào dịp Tết thì có lẽ phải "nhanh mắt, nhanh chân" mới kịp ngồi xuống ghế mà ngắm cảnh Hồ Gươm trong chuyến dạo chơi.
Ngoài ghế đá Hồ Gươm, còn nhiều nơi khác cũng có hàng ghế đá thân thuộc không kém. Không chỉ xuất hiện ở trong công viên, ghế đá ngày nay còn xuất hiện ở nhiều con phố như Lý Thường Kiệt, Hai Bà Trưng,...
Những chiếc ghế đá ngày xưa đã được thay thế bởi những chiếc mới ngày nay nhưng ta có thể chắc chắn rằng những hình ảnh ghế đá vẫn đi vào sâu trong tiềm thức người dân mặc trôi qua bao mùa mưa nắng. Những bóng người cùng ghế đá qua năm tháng đã khắc họa nên một góc, một khía cạnh riêng, một nét đẹp riêng thanh lịch của người Hà Nội và không gian Hà Nội.
Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/mua-xuan-thi-tham-chuyen-ghe-da-151571.html