Mùa xuân, về nơi 'vàng trắng'!

Mùa xuân đang về trên những cánh rừng cao su ngút ngàn tỉnh Bình Phước và cả miền Đông Nam bộ. Chúng tôi cùng nhóm cựu học sinh trường cấp 3 ngày ấy (THPT) huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình vi vu đến 'thánh địa vàng trắng' thuộc tỉnh Bình Phước. Anh Trần Thanh Khê, làm rể Quảng Ninh, cựu Trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, nói vui: 'Hôm nay, ta đến xứ nhị rồng - Phước Long và Bình Long'. Hình như chưa có ai ví von gọi 2 thị xã 'vàng trắng' Phước Long và Bình Long như vậy, nhưng cách định danh của anh Trần Thanh Khê có lý riêng.

Gió mùa đông bắc se lạnh. Nắng vàng mật ong trải dài trên các cánh rừng cao su đang mùa cạo mủ. Đây đó, hoa dã quỳ màu vàng ươm bắt đầu hé nụ. Hoa mua, hoa sim rực tím mấy khoảnh đồi. Ánh nắng sớm xuyên qua các kẽ lá, từng giọt nước đọng lại long lanh như dát bạc. Bóng mát cao su tỏa rợp nghiêng đổ ra mặt đường. Tiếng hát vút lên từ cánh rừng cao su Phước Long của nữ công nhân nào đó, ca khúc của nhạc sĩ Quỳnh Hợp phổ thơ Thanh Hiếu: “Cô gái vườn ươm bâng khuâng nông trường. Em là hoa thắm, quê em đất đỏ miền Đông. Thoảng hương rừng đâu đây, giao hưởng xanh...”. Anh Khê vui và lãng mạn nhè nhẹ cất lên theo làn gió: “Tháng giêng nõn xanh; Bồng bềnh Tây Nguyên; Rừng cao su mùa thu, bâng khuâng nông trường...”. Anh Khê cùng tôi nhớ về một ký ức, năm 2014, kỷ niệm 85 năm Phú Riềng Đỏ, cuộc thi “Tiếng hát truyền thống ngành cao su” tập hợp hơn chục ca khúc, trường ca, hàng trăm bài thơ, ghi chép, bút ký và những tấm ảnh đẹp về “vàng trắng”. Thoáng chốc mấy mùa ong đi tìm hoa làm mật, mà nay đã tròn 5 năm, Bình Phước và ngành cao su bao đổi thay. Tháng 10-2019, ngành cao su kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống Phú Riềng Đỏ - Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của miền Đông Nam bộ, của Bình Phước và của ngành cao su ra đời từ đồn điền Phú Riềng, tròn 9 thập niên. Khu di tích Phú Riềng Đỏ được nâng cấp ở tầm cao mới, trông bề thế hơn nhiều, đây là nơi tập hợp nhiều hình ảnh Phú Riềng - cao su xưa và nay.

Từ trái qua: cựu Trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương Trần Thanh Khê; mẹ Nguyễn Thị Kim Hòa, tác giả bài viết và chị Trần Thị Kim Thanh

Khoảng 9 giờ, xe đến trung tâm thị xã Phước Long. Chúng tôi ghé thăm doanh nhân Trần Bình Trọng, quê gốc Nghệ An xe duyên với một nữ sinh trường cấp 3 huyện Quảng Ninh. Bạn quý đường xa vừa vào nhà, vợ chồng anh Trọng chiêu đãi mỗi người một chén yến sào - gọi là tự sản, tự tiêu. Chủ nhà chuyển đến tận tay mỗi người một hộp hạt điều rang muối đặc sản và nói:

- Đặc sản của Bình Phước, chiều các anh chị mang về Sài Gòn nhâm nhi với rượu sim và “sâm đất” (khoai lang luộc, phơi sấy khô), cho khỏi quên Phước Long, Bình Long!

Nghĩa tình sâu đậm không thể diễn tả thành lời. Chuyện nuôi chim yến, trồng điều, trồng cao su ở Phước Long, Bình Long - Bình Phước rôm rả. Từ nhà anh Trọng nhìn qua phải là sông Bé, dòng sông chảy vắt qua thị xã, uốn quanh chân núi Bà Rá hùng vĩ. Trước đây, sông Bé không bao giờ cạn nước. Hai vách bờ sông dựng đứng, lỗ chỗ nhiều thác ghềnh, tung bọt trắng xóa, kể cả mùa khô nắng hạn. Sông Bé bị chặn dòng để xây đập thủy điện. Thác Mơ đẹp nổi tiếng vùng Đông Nam bộ thành hồ chứa nước Thác Mơ. Phía bên kia, đi thêm mấy chục cây số là sóc Bom Bo thuộc Bù Đăng. Chung quanh Thác Mơ và sóc Bom Bo là những cánh rừng cao su tăm tắp đang mùa cạo mủ.

Anh Trọng với tay lên tường lấy chiếc đàn guitar “Lửa bập bùng. Tiếng chày khuya... Đuốc lồ ô bập bùng lên ánh lửa; Sóc Bom Bo rộn rã tiếng chày khuya. Bồng con ra võng để đòng đưa; Giã gạo ban đêm vì ngày bận làm mùa... Tiếng súng Phước Long chờ mong chiến thắng”. Chủ nhà tiếp tục ca khúc của nhạc sĩ Thuận Yến: “...Anh đi về đâu từ Quy Nhơn đến Biên Hòa vượt qua sông Bé oai hùng về Phước Long xây chiến thắng...”. Cả hội cùng hát, tiếng hát vọng ra dòng sông rộn ràng. Tôi ngồi cạnh anh Khê, nghe anh kể nhiều kỷ niệm về Phước Long với Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam Trần Ngọc Thuận (Hai Thuận) bàn về việc phát triển cây cao su.

Nhắc đến Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam Trần Ngọc Thuận, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Bình Phước, đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước khóa XIII, cả hội bạn cựu học sinh cấp 3 Quảng Ninh ai cũng biết. Người Quảng Bình, người Hà Tĩnh, người miền Trung rời quê vào miền Đông Nam bộ làm cao su, theo dòng chảy thời gian từ thời thuộc Pháp đến hôm nay, kể đến hàng vạn người. Trước đây “Cao su đi dễ khó về”, còn ngày nay “người không phụ cây thì cây không phụ công người chăm bón”. Đời sống người làm cao su khá lên, nuôi được con ăn học, chắt chiu có chút của để dành. Họ tự hào về Hai Thuận, về Phú Riềng Đỏ, về vùng đất kiên trung Phước Long, Bình Long...

***

Anh Khê và tôi tách nhóm đi về thị xã “vàng trắng” Bình Long thăm cụ Nguyễn Thị Kim Hòa, người mẹ Quảng Liên, Quảng Bình - thân mẫu của anh Hai Thuận - một gia đình có 3 thế hệ gắn bó với “vàng trắng”. Tuổi thanh xuân, mẹ gắn bó với dòng sông Son, sông Gianh, sông Kiến Giang, hang Minh Cầm trên con đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Thân phụ của anh Hai Thuận là ông Trần Ngọc Báu, nguyên Giám đốc Nông trường Quyết Thắng, thời kỳ đế quốc Mỹ đánh phá miền Bắc. Nông trường Quyết Thắng là tiền thân của Công ty cao su Quảng Trị ngày nay. Ông là một trong những cán bộ lớp đầu tiên của miền Bắc được điều động vào tiếp quản, xây dựng Quốc doanh cao su Quản Lợi, sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Sau này, Quốc doanh cao su Quản Lợi chuyển thành Nông trường Quản Lợi thuộc Công ty cao su Bình Long.

Chú tài xế vốn là dân thổ địa Bình Phước, từ Phước Long đi đường tắt nên chưa đến 10 giờ, tôi và anh Khê đã có mặt tại thị xã Bình Long. Nhoáng nhoàng tìm lối rẽ vào nhà khoảng 5 phút theo bản đồ định vị từ chiếc điện thoại thông minh, chúng tôi đến nhà mẹ Hòa. Những lúc không bận họp, cuối tuần anh Hai Thuận cùng vợ con về Bình Long thăm mẹ. Hôm đó có cuộc họp do Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước triệu tập, anh rời văn phòng tại TP. Hồ Chí Minh bay ra Hà Nội từ sáng sớm.

Từ phòng trong, nghe tiếng “trọ trẹ”, mẹ Hòa bước ra phòng khách:

- Các chú ở quê mới vô!

Mẹ vừa nói vừa nhìn, chợt nhận ra khách quen:

- Ui, anh Khê Quảng Trạch! Suýt không nhận ra, anh về hưu lâu chưa?

- Dạ, con mới về được hơn năm. Anh Khê đứng dậy bắt tay mẹ.

Mẹ lại hỏi:

- Nghỉ hưu, anh không lên Bình Long kiếm miếng vườn trồng cây cho vui? Mà di chuyển cả gia đình, không dễ dàng chi! - mẹ Hòa hỏi và tự trả lời.

- Lâu ni anh có ra Quảng Trạch không?

- Dạ, nhà có công chuyện, con mới ở Quảng Trạch vô được vài tuần.

Câu chuyện về quê hương của bà mẹ xa quê cứ quấn quýt, không buông ra được. Người già nhớ quê, cây đa, bến nước, dòng sông, sân đình... không gì là không nhớ. Mò cua, bắt óc, bơi rào, tắm khe, đánh chài, đi ô ăn quan, hái sim, chuyện nọ chuyện kia cứ ào ạt chảy về như suối nguồn. Chúng tôi hỏi mẹ về những việc ngày xửa, ngày xưa, chuyện tình yêu thời trẻ, chuyện bom Mỹ ném xuống Bệnh viện Vĩnh Linh năm 1965, đúng ngày sinh con gái Kim Thanh. Phúc đức ông bà để lại, chỉ chưa đầy tiếng đồng hồ mẹ bồng con về, bệnh viện trúng bom tan hoang. Rồi quãng thời gian mẹ và các con hành quân theo mật lệnh K8, K10 từ Vĩnh Linh, sơ tán ra Nông trường Thống Nhất, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Thấm thoắt đã gần nửa thế kỷ...

Ông bà Trần Ngọc Báu, Nguyễn Thị Kim Hòa, sau nhiều biến cố, nay còn lại 3 người con. Trần Ngọc Thuận là trưởng nam, gọi là Hai Thuận; sau có 2 người em là Trần Thị Ngọc Tuyết và Trần Thị Kim Thanh. Ngọc Thuận và Kim Thanh theo nghiệp cha mẹ, gắn bó với ngành cao su. Ngọc Tuyết đi học ngành sư phạm, tiến sĩ ngữ văn. Người con út của mẹ là Trần Ngọc Thành gặp nạn, qua đời năm 13 tuổi, trong ngôi nhà nhỏ ở Quản Lợi, Bình Long.

Mẹ nói:

- Đau lòng lắm, thương nhớ thằng út không thể nguôi ngoai! Dạo ấy, sáng tối tui gõ mõ cầu kinh, đi chùa cho nhẹ lòng.

Mẹ nói với các con, như tự nhủ lòng, trong sâu thẳm gan ruột:

- Tuổi già không muốn về sinh sống ở Sài Gòn đô hội, mà đề nghị các con cho ở lại Bình Long, trong chính ngôi nhà đã gắn bó cả cuộc đời còn lại với nhiều kỷ niệm sâu sắc của đời người, gắn bó với Nông trường cao su Quản Lợi, với Công ty cao su Bình Long bây giờ.

Khi mẹ nói ra điều này, các con cháu rất ủng hộ. Cha Báu một đời lam lũ với công việc, với cây cao su, nghỉ hưu từ Bình Long, sống bằng đồng lương hưu. Công ty cấp cho mảnh vườn, ngôi nhà cấp 4, chăn nuôi, trồng rau nuôi các con ăn học. Sau 2 lần bị tai biến, các bệnh viện ở Sài Gòn cứu chữa, nhưng tuổi cao, sức yếu, ông qua đời tại mảnh đất Bình Long này.

Trước khi anh Hai Thuận được điều động đến nhận công tác tại Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam làm Phó tổng giám đốc rồi Tổng giám đốc và hiện nay là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, anh là Giám đốc Công ty cao su Bình Long. Vợ chồng chị Kim Thanh đang làm việc tại Công ty cao su Bình Long, thuận tiện chăm sóc mẹ. Cuối tuần, vợ chồng anh Hai Thuận, chị Ngọc Tuyết cùng các cháu nội ngoại quây quần bên mẹ. Như sực nhớ ra điều gì, mẹ Hòa vui vẻ với nụ cười mãn nguyện, khi sắp bước vào tuổi chín mươi:

- Mà cháu đích tôn Trần Quốc Bình, trưởng nam của Hai Thuận nối nghiệp ông nội, ba Thuận, làm việc ở Công ty cao su Bình Long, thế là ổn rồi.

Trong câu chuyện mẹ kể, hình ảnh Hai Thuận, con trai trưởng hay lam hay làm, lúc nhỏ cũng như khi đã lớn khôn. Tư chất thủ lĩnh mà hiền khô của anh thể hiện trong gia đình và cả trong công việc. Tất cả hiện về như một cuốn phim, chuyện gì mẹ cũng nhớ rành rọt, đâu ra đấy.

Xế trưa, mẹ vẫn thủ thỉ về những ngày chiến tranh và gian khổ, còn chúng tôi ngồi nghe và chìm đắm vào ký ức của mẹ. Lo mẹ mệt, chúng tôi định dừng câu chuyện, nhưng không ngờ chính mẹ lại lo chúng tôi mới đường xa lên, vừa chuyện mẹ vừa hối nhắc chị Thanh dọn cơm mời khách. Mẹ nói:

- Hôm nay, các anh lên Bình Long bất chợt, Hai Thuận vắng nhà. Anh Vui (Lê Văn Vui, chồng của chị Thanh, Giám đốc Công ty cao su Bình Long) về Hóc Môn - Bà Điểm, không có ai tiếp rượu. Tụi bay gọi mấy đứa em, đứa cháu trong nhà qua uống rượu với anh Khê, anh Toàn - bạn của anh Hai mà!

Tôi ngồi nghe mẹ kể chuyện, quan tâm đến bữa cơm trưa đãi khách, mới thấy hiện hữu trong tình cảm của mẹ, người phụ nữ Quảng Bình phúc hậu, nghĩa tình và chu đáo. Tôi chợt nhớ về những bà mẹ Quảng Bình bên bến phà Gianh, Long Đại, dòng Nhật Lệ, sông Son, đêm đêm dưới ánh pháo sáng và bom Mỹ nấu nước chè xanh, luộc ngô, khoai, sắn, mo cơm gói vội dúi vào tay các anh bộ đội hành quân vượt sông, bên trận địa pháo bắn máy bay Mỹ. Các mẹ sẵn sàng tháo dỡ ngôi nhà che nắng, che mưa lấp hố bom, thông đường xe ra tiền tuyến. Mẹ Suốt anh hùng, sẵn sàng đón nhận cái chết nhẹ không, chèo đò đưa bộ đội qua sông Nhật Lệ thời kỳ giặc Mỹ đánh phá, san phẳng thị xã Đồng Hới, mà chúng huênh hoang sẽ “đánh sập Bắc Việt”, đưa miền Bắc trở về thời kỳ đồ đá!

Bình Long ngày chủ nhật, nắng nhẹ. Những đám mây đen đang vần vũ trên bầu trời. Ánh nắng chiều lúc dìu dịu, lúc gay gắt, đổ bóng cây lộc vừng trổ hoa xuống sân nhà. Vườn nhà của mẹ, những cây dừa cao lớn, trĩu quả. Vẫn là sự chu đáo của mẹ:

- Hai anh tranh thủ về Sài Gòn, đường trơn, chiều mô cũng mưa.

Mẹ quay sang phía tôi:

- Mẹ đã mấy lần về Nam Đàn thăm quê hương Bác Hồ. Khi mô về Hà Tĩnh, đi qua đèo Ngang, anh ghé thăm Quảng Trạch, dâng hoa cho Đại tướng. Ai cũng đến thắp hương cho Người, đúng là lòng dân.

Tình yêu quê hương, bao la, trọn vẹn mẹ dành cho Tổ quốc, cho Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người con yêu dấu của quê hương Quảng Bình đã chọn Vũng Chùa - Đảo Yến để yên nghỉ ngàn thu. Bịn rịn, quyến luyến cùng những mẩu chuyện mẹ Hòa kể - kể mãi vẫn chưa hết một góc nhỏ cuộc đời như huyền thoại. Mẹ tiễn chúng tôi ra bậc cửa. Chúng tôi chia tay mẹ, trở lại Phước Long nhập “hội”, tạm biệt “nhị rồng”, tạm biệt những cánh rừng “vàng trắng”, trước khi cơn mưa chiều đất đỏ miền Đông kéo đến.

Bình Long ngày mới, mùa xuân Canh Tý đang vẫy gọi!

Xuân Canh Tý, 2020

Phạm Quốc Toàn

Xem thêm: Báo xuân Canh Tý 2020

Nguồn Bình Phước: http://baobinhphuoc.com.vn/content/but-ky-mua-xuan-ve-noi-vang-trang-223616