Mùa xuân vui ở A Vao

Đón Xuân Canh Tý 2020, người dân xã A Vao, huyện Đakrông như nhân đôi niềm vui bởi vừa được trao quyết định nhập quốc tịch Việt Nam sau hàng chục năm chờ đợi. Có quốc tịch, cuộc sống người dân sẽ ổn định, cải thiện hơn vì được hưởng nhiều chính sách, quyền lợi ưu đãi của nhà nước...

 Tổ chức trao quyết định công nhận quốc tịch Việt Nam cho người dân xã A Vao, huyện Đakrông. Ảnh: ĐV

Tổ chức trao quyết định công nhận quốc tịch Việt Nam cho người dân xã A Vao, huyện Đakrông. Ảnh: ĐV

Vỡ òa niềm vui

Trung tuần tháng 12/2019, người dân các thôn Kỳ Nơi, A Sau và Ba Lin, xã A Vao, huyện Đakrông rất vui mừng khi tham dự lễ trao quyết định công nhận quốc tịch Việt Nam sau hàng chục năm chờ đợi. A Vao là xã biên giới nghèo nhất của huyện Đakrông với 361 hộ nghèo (chiếm 57,85%), đời sống của người dân còn nhiều khó khăn. Thu nhập chính của người dân chủ yếu dựa vào cây sắn, ngô, tràm... nên khá bấp bênh. Ngoài ra, mặt bằng dân trí còn thấp, cơ sở hạ tầng chưa đầy đủ nên người dân địa phương, nhất là ở các thôn nằm biệt lập như Ba Lin, Kỳ Nơi, A Sau tiếp cận với các tiến bộ xã hội còn rất hạn chế. Ngoài ra, do đặc thù về mặt địa lí nên người di cư tự do tại xã A Vao là vấn đề có tính lịch sử và khá phức tạp tồn tại hàng chục năm qua. Do nhiều nguyên nhân khác nhau, một bộ phận dân cư của nước này cư trú, sinh sống trên lãnh thổ của nước kia. Do vậy những người này không có giấy tờ chứng minh quốc tịch và bị rơi vào tình trạng không quốc tịch, không được hưởng các quyền lợi và nghĩa vụ như công dân Việt Nam. Để xử lí vấn đề này, ngày 8/7/2013, hai Chính phủ Việt Nam và Lào đã kí thỏa thuận giải quyết vấn đề di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới hai nước. Sau 5 năm với sự nỗ lực của trung ương và địa phương, 855 cá nhân cư trú tại tỉnh Quảng Trị được phê duyệt quyết định nhập quốc tịch Việt Nam. Đợt này, xã A Vao có 84 trường hợp được trao quyết định nhập quốc tịch Việt Nam.

Chủ tịch UBND xã A Vao Hồ Văn Hùng cho biết: “Những năm trở lại đây, được sự quan tâm hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, tỉnh và huyện nên đời sống của người dân đã được cải thiện. Tuy nhiên vấn đề di cư tự do trên địa bàn luôn khiến lãnh đạo địa phương rất trăn trở. May sao đợt này nhiều cá nhân trên địa bàn xã đã được công nhận quốc tịch Việt Nam. Việc này sẽ mở ra nhiều cơ hội nâng cao chất lượng đời sống cho người dân”.

Cầm trên tay quyết định do Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam kí công nhận quốc tịch Việt Nam, ông Hồ Lar, (75 tuổi) ở thôn Ba Lin không giấu được niềm vui. Ông Lar kể, sau Hiệp định phân chia biên giới giữa Việt Nam và Lào vào năm 1977, thôn Ba Lin được chia làm hai. Có hàng trăm người thôn Ba Lin không quốc tịch, sống tập trung, chủ yếu trồng sắn, làm lúa nương, đi rừng... “Nhiều gia đình đã có trên 3 thế hệ được sinh ra và định cư tại đây. Không có quốc tịch, người dân ở đây muốn vay vốn sản xuất cũng không được do không có hộ khẩu, chỉ đi làm thuê hay lên rừng khai thác mây, hái đót, hái măng... Các cháu cũng chỉ được học cấp mầm non và tiểu học, đến cấp THCS, THPT phải nghỉ học vì không có học bạ. Giờ đã có quốc tịch, người dân chúng tôi vui lắm”, ông Hồ Lar nói.

Chung niềm vui trong ngày đáng nhớ này, chị Hồ Thị Dúc, thôn Kỳ Nơi, xã A Vao phấn khởi nói thêm: “Đảng và Nhà nước đã cho nhập quốc tịch Việt Nam rồi thì chúng tôi sẽ được cấp đất sản xuất, cấp sổ đỏ nên bà con rất vui mừng. Từ bữa nghe tin được nhập quốc tịch, tôi và nhiều người dân khác trong thôn phấn chấn, hồi hộp đón đợi nhiều ngày liền”.

Kì vọng về cuộc sống mới

Thực hiện thỏa thuận giữa hai Chính phủ Việt Nam và Lào, tỉnh Quảng Trị và hai tỉnh có chung đường biên giới là Savannakhet và Salavan, Lào đã tiến hành điều tra, khảo sát, thống kê trên địa bàn biên giới tỉnh Quảng Trị hiện có 855 trường hợp di cư tự do và kết hôn không giá thú. Việc hoàn thành công tác điều tra, khảo sát, thống kê và trình Trưởng Đoàn Đại biểu biên giới Việt Nam phê duyệt danh sách công nhận quốc tịch đã thể hiện tinh thần nhân đạo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người di cư tự do, tạo điều kiện cho người dân ổn định cuộc sống, hòa nhập vào đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương.

Giám đốc Sở Tư pháp Hoàng Kỳ cho biết thêm: “Sau một năm thực hiện việc kê khai nhập quốc tịch cho người dân trên địa bàn 2 huyện Hướng Hóa và Đakrông, đến nay chúng tôi đã hoàn thành việc tổ chức trao quyết định nhập quốc tịch Việt Nam cho người dân theo thỏa thuận của 2 Chính phủ Việt Nam và Lào. Từ nay những người được nhập quốc tịch có quyền công dân Việt Nam và các con của họ được hưởng các chế độ, chính sách mà trước đây chúng ta chưa làm được như quyền khai sinh, quyền kết hôn và một số quyền lợi an sinh xã hội khác… Việc nhập quốc tịch có ý nghĩa to lớn giúp cho người dân trên địa bàn huyện Hướng Hóa và Đakrông yên tâm sinh sống và làm ăn, tạo điều kiện để họ hòa nhập với cộng đồng và chung tay bảo vệ biên giới”.

Chủ tịch UBND xã A Vao Hồ Văn Hùng cho biết thêm, sau khi có quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam, chính quyền địa phương sẽ hỗ trợ tối đa cho người dân vừa được công nhận quốc tịch thực hiện các thủ tục cần thiết để được đăng kí hộ tịch, hộ khẩu và được cấp các giấy tờ tùy thân như chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, thẻ bảo hiểm y tế... Đó là những giấy tờ quan trọng để bảo đảm cho trẻ em được đi học, người lớn xin việc làm, đăng kí sở hữu tài sản. Từ đó, giúp người dân ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, việc sớm hoàn thiện các loại giấy tờ tùy thân cũng sẽ kịp thời giúp đồng bào dân tộc thiểu số tại đây xác minh được tính hợp pháp của công dân, đặc biệt là giải quyết được khó khăn khi thực hiện các giao dịch tại địa phương như vay vốn, xét hộ nghèo, tạm trú, tạm vắng...

Sau khi hoàn thành trao quyết định công nhận quốc tịch Việt Nam cho người dân ở hai huyện Hướng Hóa và Đakông, UBND tỉnh đã tích cực chỉ đạo các cấp, các ngành liên quan làm các thủ tục tiếp theo như hộ khẩu, chứng minh nhân dân và thực hiện các chế độ, chính sách về đất đai, nhà ở, học hành cũng như các chính sách về bảo hiểm để tiếp tục cùng với các địa phương khác phát triển xây dựng bản làng văn hóa và xây dựng gia đình văn hóa. Việc người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới giữa Quảng Trị và 2 tỉnh thuộc nước bạn Lào được công nhận quốc tịch Việt Nam, được phép ở lại nơi cư trú góp phần duy trì quản lí và bảo vệ an ninh trật tự, ổn định ở khu vực biên giới cũng như củng cố mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam - Lào. Thời gian tới, tỉnh Quảng Trị sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tăng cường bảo vệ đường biên cột mốc, phát huy tinh thần đoàn kết bản - bản hai bên biên giới, đẩy mạnh phát triển kinh tế- xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc.

Đức Việt

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=145924