Muangthong, Đặng Văn Lâm và cách Thái Lan làm chuyên nghiệp

Muangthong Utd là CLB chuyên nghiệp đang rất thành công qua cách họ mua, bán cầu thủ, trong đó có Đặng Văn Lâm đang được làm giá.

Những ngày qua liên tục có những thông tin Muangthong Utd định bán thủ môn số 1 của tuyển Việt Nam, Đặng Văn Lâm.

Đây là câu chuyện hoàn toàn có thật nếu như một CLB nào đó ra giá mà Muangthong Utd cảm thấy có lãi.

Trong nhiều năm qua, khi Buriram Utd nổi lên như một thế lực lớn thì Muangthong quay lại trở thành một “tay buôn”.

Cuối năm ngoái, Muangthong cũng từng có ý định chuyển nhượng Văn Lâm cho một CLB Nhật. Tuy nhiên, giá cả đưa ra không hấp dẫn với Muangthong Utd nên cuối cùng phi vụ trên bế tắc.

Những năm qua, Muangthong Utd liên tục bán cầu thủ, từ Dangda đến Chanathip, Kawin… và hiện nay là họ đang “đánh bóng” để bán tiếp hai món hàng giá cao là tiền vệ Sarath Yooyen và thủ môn Đặng Văn Lâm.

Đặng Văn Lâm đang được rao bán, tuy nhiên Muangthong Utd không phải là một CLB nhỏ và khó khăn. Ngược lại, sức mạnh tài chính của họ rất lớn, thuộc hàng đầu Thái Lan nên họ cứ chờ giá tốt.

Muangthong Utd mua Đặng Văn Lâm và giờ đang “làm giá” thủ môn số một Việt Nam này để kiếm lời như chính sách mua bán cầu thủ của CLB này. Ảnh: MUANGTHONG UTD

Muangthong Utd mua Đặng Văn Lâm và giờ đang “làm giá” thủ môn số một Việt Nam này để kiếm lời như chính sách mua bán cầu thủ của CLB này. Ảnh: MUANGTHONG UTD

Trong vòng ba năm qua, các cầu thủ Muangthong lần lượt được bán cho các CLB Nhật hoặc được các CLB Nhật thuê. Những Bunmathan, Chanathip, Dangda, Kawin đều được “đẩy đi” với mức giá mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Cũng trong những năm qua, Buriram nổi lên như một thế lực từ khi ông chủ là tỉ phú Chichob mua CLB Điện lực Thái Lan (PEA) mang về tỉnh lẻ Buriram tạo nên CLB Buriram giàu quyền lực và trở thành một “đế chế” Buriram. “Đế chế” đấy không chỉ bóng đá mà còn đường đua, chuyển nhượng cầu thủ và nhiều môn thể thao khác cùng với sân vận động sánh ngang chuẩn Anh: Sân Chang Arena từng được gọi là “lâu đài sấm sét”, nơi đội tuyển Việt Nam nhiều lần thi đấu, trong đó có King’s Cup.

Trong sự lớn mạnh của “đế chế” Buriram, Muangthong Utd tạm bỏ qua một mảng là cạnh tranh các ngôi vô địch nội địa với Buriram. Muangthong Utd đang tập trung vào mảng kinh doanh cầu thủ và ít năm qua họ thu lợi khoản này rất lớn.

Những Chanathip, Dangda, Kawin sang Bỉ, sang Nhật rồi được ký các bản hợp đồng chuyên nghiệp, mang lại cho Muangthong Utd những khoản lợi cực lớn.

Muangthong Utd những năm gần đây có xu hướng thâu tóm những ngôi sao nội địa hứa hẹn triển vọng rồi xuất khẩu ra nước ngoài, chủ yếu là sang Nhật. Mặt khác, họ chẳng bao giờ đầu tư mạnh như việc thuê HLV giỏi hay rước về những ngôi sao đình đám để cạnh tranh với các CLB trong nước, chủ yếu là Buriram.

Ý đồ kinh doanh của Muangthong Utd qua năm năm trở lại đây cho thấy họ thực sự chuyên nghiệp và dùng bóng đá nuôi bóng đá. Vào những năm 2015 trở về trước, Muangthong Utd phải là hàng đầu ở Thái Lan về việc quy tụ ngôi sao trong nước và HLV đình đám nước ngoài, cũng như ngoại binh giỏi. Nhưng bây giờ CLB này chuyển hướng sang một “phiên bản” kinh doanh mới, trong đó có “kinh doanh cầu thủ”.

Vì sao bóng đá Thái Lan từng bỏ mô hình như Việt Nam?

Bóng đá Thái Lan từng đi đầu ở Đông Nam Á với mô hình bán chuyên nghiệp rất giống với cách làm chuyên nghiệp của bóng đá Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, sau đó thì bóng đá Thái Lan bỏ hoàn toàn phiên bản này, áp dụng vào phiên bản mới được học và ứng dụng từ Anh. Với mô hình hoạt động của Thái Lan bấy giờ rất giống với bóng đá Anh, từ việc các CLB phải đầu tư sân bóng đủ chuẩn đến hệ thống cổ động viên và quan trọng nhất là tiềm lực tài chính mà một CLB có thể sống khỏe bằng bóng đá, chứ không lệ thuộc vào sự hào phóng của ông chủ nhờ có dự án tốt hoặc đất vàng như cách nhiều CLB ở Việt Nam vẫn tồn tại.

Đ.TR

TẤN PHƯỚC

Nguồn PLO: https://plo.vn/the-thao/muangthong-dang-van-lam-va-cach-thai-lan-lam-chuyen-nghiep-906174.html