Mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng 2.055.000 đồng có hiệu lực từ hôm nay
Có hiệu lực từ ngày 5/9/2023, Nghị định số 55/2023/NĐ-CP ngày 21/7/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2021/NĐ-CP ngày 24/7/2021 của Chính phủ quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng.
Mức chuẩn trợ cấp người có công mới đã tăng lên hơn 26%
Theo đó, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng tăng từ 1.624.000 đồng lên 2.055.000 đồng. Như vậy, mức chuẩn trợ cấp người có công mới đã tăng lên hơn 26%.
Nghị định số 55/2023/NĐ-CP cũng sửa đổi, bổ sung mức hưởng trợ cấp, phụ cấp ưu đãi hằng tháng đối với người có công với cách mạng trợ cấp, phụ cấp ưu đãi hằng tháng đối với người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng; mức hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng đối với thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; mức hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng đối với thương binh loại B; mức hưởng trợ cấp ưu đãi một lần đối với người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng.
Nghị định số 55/2023/NĐ-CP nêu rõ, mức chuẩn quy định ở trên làm căn cứ để tính mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng.
Các mức quy định theo mức chuẩn tại Nghị định này được điều chỉnh khi mức chuẩn được điều chỉnh và làm tròn đến hàng nghìn đồng.
Cụ thể, Nghị định 55/2023/NĐ-CP quy định tăng mức hưởng trợ cấp đối với thân nhân liệt sĩ: thân nhân của 1 liệt sĩ tăng lên mức 2.055.000 đồng/tháng, thân nhân của 2 liệt sĩ tăng lên mức 4.110.000 đồng/tháng. Thân nhân của 3 liệt sĩ trở lên tăng lên mức 6.165.000 đồng/tháng.
Đối với cha đẻ, mẹ đẻ, người có công nuôi liệt sĩ, vợ hoặc chồng liệt sĩ sống cô đơn; con liệt sĩ chưa đủ 18 tuổi hoặc từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học hoặc bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng, mồ côi cả cha mẹ được hưởng thêm trợ cấp tuất nuôi dưỡng ở mức 1.644.000 đồng/tháng.
Mức trợ cấp đối với Mẹ Việt Nam anh hùng: tăng từ 4.872.000 đồng/tháng lên mức 6.165.000 đồng/tháng. Mức trợ cấp đối với người phục vụ Mẹ Việt Nam anh hùng sống ở gia đình: tăng từ 1.624.000 đồng/tháng lên mức 2.055.000 đồng/tháng.
Một số quy định về hỗ trợ người có công tại Nghị định 55/2023/NĐ-CP
Hỗ trợ thuốc, điều trị và bồi dưỡng phục hồi sức khỏe tại cơ sở nuôi dưỡng người có công, mức tối đa 8.500.000 đồng/1 người/1 năm. Hình thức hỗ trợ bồi dưỡng phục hồi sức khỏe do Giám đốc các cơ sở nuôi dưỡng quyết định phù hợp với tình trạng sức khỏe của người có công và đặc thù của đơn vị (bao gồm cả chi bồi dưỡng phục hồi sức khỏe khi đối tượng đi điều trị tại cơ sở y tế).
Hỗ trợ phục vụ công tác nuôi dưỡng người có công tại các cơ sở nuôi dưỡng do ngành Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý để đảm bảo các khoản chi phí về điện, nước sinh hoạt hoặc mua xăng dầu chạy máy phát điện, lọc nước, vệ sinh môi trường, sửa chữa điện, nước, thuê mướn nhân công, dịch vụ, vật tư văn phòng, thông tin liên lạc và các khoản chi khác. Mức hỗ trợ phục vụ công tác nuôi dưỡng tối đa 8.000.000 đồng/1 đối tượng/1 năm.
Hỗ trợ phục vụ công tác điều dưỡng, đón tiếp người có công tại các cơ sở điều dưỡng, đón tiếp do ngành Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý để đảm bảo các khoản chi phí như quy định tại khoản 5 Điều này được thanh toán theo số lượng đối tượng được điều dưỡng, đón tiếp thực tế. Mức hỗ trợ tối đa 500.000 đồng/1 người/1 lượt điều dưỡng, đón tiếp. Trường hợp các địa phương chưa có cơ sở điều dưỡng thì cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội được phép sử dụng kinh phí này để thuê các cơ sở lưu trú đủ tiêu chuẩn (theo tiêu chuẩn của khách sạn từ 3 sao trở lên) thực hiện điều dưỡng tập trung.
Người có công đang nuôi dưỡng tại cơ sở về thăm gia đình mà tự túc phương tiện vận chuyển thì được hỗ trợ tối đa 1 lần/1 năm (bao gồm tiền đi lại và tiền ăn) cho bản thân đối tượng và 1 người thân đi cùng (nếu có) từ cơ sở nuôi dưỡng đến gia đình, quê quán người có công và theo chiều ngược lại: Hỗ trợ thanh toán theo hóa đơn, bao gồm vé phương tiện vận tải hành khách công cộng, chứng từ hợp pháp hoặc giấy biên nhận theo quy định của pháp luật; giá vé không bao gồm các chi phí dịch vụ khác như tham quan du lịch, các dịch vụ đặc biệt theo yêu cầu; đối với phương tiện máy bay thì được thanh toán tối đa theo giá vé hạng phổ thông tiêu chuẩn và tiền cước hành lý (nếu giá vé chưa bao gồm cước hành lý) theo đơn giá cước hành lý của chuyến đi và khối lượng hành lý nhưng không vượt quá khối lượng hành lý được mang theo của loại vé thông thường khác; hỗ trợ tiền ăn 100.000 đồng/1 người/lượt. Trường hợp đối tượng nhận hỗ trợ theo hình thức khoán thì được hỗ trợ với mức 3.000 đồng/km/người theo quãng đường nhưng tối đa không quá 5.000.000 đồng/1 đối tượng và người thân/năm.