Mức chuẩn trợ cấp xã hội chỉ 360.000 đồng/tháng, quá thấp so với mức sống tối thiểu
Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, mức chuẩn trợ giúp xã hội chỉ đạt 360.000 đồng/tháng, quá thấp so với mức sống tối thiểu.
Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, cả nước hiện có 3.336.267 đối tượng bảo trợ xã hội và 354.340 hộ gia đình, cá nhân nhận chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng hàng tháng.
Ngân sách nhà nước chi trợ giúp xã hội hàng tháng, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho đối tượng theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ trên 27.000 tỷ đồng/năm.
Nhiều tỉnh, thành phố có điều kiện chủ động nâng mức chuẩn trợ cấp, mức trung bình khoảng 400.000 đồng/tháng, cho gần 700.000 đối tượng với kinh phí 3.514 tỷ đồng/năm.
Nhìn chung, đối tượng yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội được quan tâm, tiếp cận, thụ hưởng các chính sách phúc lợi xã hội, y tế, giáo dục, học nghề, tìm việc làm để ổn định cuộc sống.
Ước thực hiện năm 2023, 100% đối tượng bảo trợ xã hội đủ điều kiện được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; 100% người dân bị thiệt hại do thiên tai, lũ lụt, thiếu đói được trợ giúp đột xuất kịp thời, không người dân nào bị đói; trên 90% người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp xã hội, chăm sóc và phục hồi chức năng kịp thời; trên 90% người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp xã hội, phụng dưỡng, chăm sóc kịp thời.
Chỉ ra những khó khăn tồn tại trong công tác bảo trợ xã hội, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, hiện nay, mức chuẩn trợ giúp xã hội chỉ đạt 360.000 đồng/tháng so với chuẩn nghèo nông thôn(1.500.000 đồng/tháng), quá thấp so với mức sống tối thiểu.
Một số địa phương chưa bố trí đủ kinh phí để thực hiện các chính sách, chương trình đề án; một số chính sách đối với người cao tuổi, người khuyết tật chưa được quan tâm thực hiện đầy đủ.
Cơ sở vật chất của một số cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở y tế đã lạc hậu, cũ nát, xuống cấp; chưa đáp ứng nhu cầu chăm sóc, phục hồi chức năng, khám chữa bệnh cho đối tượng bảo trợ xã hội và người dân.
Chất lượng nguồn nhân lực còn thiếu và yếu, đặc biệt là đội ngũ bác sỹ và kỹ thuật viên chỉnh hình; việc đào tạo, cập nhật kiến thức, kỹ năng y khoa còn hạn chế, nhiều nơi không có đủ trình độ chuyên môn để thực hiện dịch vụ.