Mục đích của Mỹ khi lần đầu tiên triển khai tiêm kích F-35 tới Greenland
Lần đầu tiên trong lịch sử, Không quân Mỹ triển khai máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 tới Greenland - nơi đặt căn cứ quân sự có vị trí chiến lược gần Bắc Cực.
Máy bay chiến đấu F-35 Lightning II của Mỹ đã được triển khai tới căn cứ quân sự Thule ở Greenland lần đầu tiên trong lịch sử. Các máy bay này tham gia vào cộc tập trận quân sự kéo dài 2 tuần của Bộ Tư lệnh Phòng thủ Không gian Bắc Mỹ (NORAD) kết thúc ngày 31/1 vừa qua.
Cần phải nhấn mạnh rằng, Căn cứ Không quân Thule, nằm cách Vòng Bắc Cực 1.200km, đóng vai trò chiến lược quan trọng trong việc đối phó với Nga và Trung Quốc.
Khả năng hồi sinh căn cứ chiến lược từ thời Chiến tranh Lạnh
Trong những năm gần đây, giới chức Mỹ cảnh báo rằng cả Nga và Trung Quốc đều đang mở rộng sự hiện diện trong khu vực và dấy lên rủi ro quân sự đáng kể đối với phương Tây.
Không quân Mỹ dường như đã đặt ra vai trò lớn hơn và mở rộng hơn cho các máy bay chiến đấu F-35, đặc biệt là ở phía Bắc. Mùa xuân năm 2022, Căn cứ Không quân Eielson ở Alaska đã hoàn thành việc chuẩn bị sẵn sàng tiếp nhận 2 phi đội máy bay chiến đấu F-35A Lightning II. Căn cứ này hiện có 54 máy bay chiến đấu F-35.
Căn cứ không quân Thule ở Greenland được cho là có 4 máy bay chiến đấu F-35 khi cuộc tập trận NORAD bắt đầu vào giữa tháng 1/2023. Một trong những máy bay này đeo phù hiệu của Phi đội máy bay chiến đấu 356, cho thấy chúng được điều chuyển từ căn cứ Eielson. Điều này là hoàn toàn có thể lý giải được do 2 căn cứ có vị trí gần nhau.
Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, cuộc tập trận là “hoạt động đã được lên kế hoạch từ lâu của NORAD nhằm xác nhận khả năng và sự sẵn sàng trong việc bảo vệ Mỹ và Canada trước các mối đe dọa từ mọi hướng tiếp cận, trong mọi môi trường, đồng thời thể hiện khả năng phối hợp với các đối tác quốc phòng và an ninh khác để bảo vệ toàn diện Bắc Mỹ.”
Mặc dù các cuộc tập trận của NORAD là hoạt động thường xuyên giữa không quân Mỹ và Canada, nhưng sự hiện diện của các máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ tại Thule là rất đáng chú ý. Sự liên quan của căn cứ chiến lược này nằm ở lịch sử của nó. Thule được bí mật xây dựng trong Chiến tranh Lạnh như một tiền đồn để tiến hành các cuộc tấn công hạt nhân tiềm tàng nhằm vào Liên Xô.
Căn cứ này mất đi tầm quan trọng chiến lược sau khi Liên Xô tan rã vào những năm 1990 và Mỹ chuyển sự chú ý sang Alaska. Tuy nhiên, một trạm radar gần căn cứ Thule vẫn duy trì hoạt động để đưa ra cảnh báo sớm về các vụ phóng tên lửa đạn đạo có khả năng đe dọa Bắc Mỹ.
Trong bối cảnh Nga gia tăng hoạt động trong khu vực và Trung Quốc cũng đang mở rộng sự hiện diện trong khu vực, căn cứ Thule có thể được “hồi sinh” nhờ vị trí địa lý gần với Vòng Bắc Cực. Sự hiện diện của F-35 có thể chỉ là một bước đi theo hướng đó.
Cũng cần lưu ý rằng các đồng minh của Mỹ trong khu vực - Canada và Đan Mạch (chịu trách nhiệm về Greenland), đã chọn mua F-35A cho các phi đội tương lai và muốn triển khai tạm thời các máy bay này đến vùng Viễn Bắc. Điều này có nghĩa là những chiếc F-35 sẽ thống trị khu vực trong tương lai.
Mỹ dè chừng Nga và Trung Quốc ở Bắc Cực
Tháng trước, CNN đăng tải một loạt ảnh vệ tinh cho thấy Nga đã liên tục mở rộng các căn cứ quân sự ở khu vực Bắc Cực bất chấp chiến dịch quân sự ở Ukraine và sụt giảm đáng kể về nguồn lực quân sự cũng như tài chính.
Trong thập kỷ qua, biến đổi khí hậu và các sông băng tan chảy đã mở ra những con đường mới cũng như tạo điều kiện dễ dàng hơn cho việc khám phá các nguồn tài nguyên của khu vực. Mặt khác, điều này cũng biến Bắc Cực thành một khu vực cạnh tranh địa chính trị mới, khi phương Tây cáo buộc Nga quân sự hóa khu vực còn Nga cáo buộc phương Tây đe dọa vị thế của Moscow ở Bắc Cực.
Cuối năm 2022, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết “sự gia tăng các hoạt động quân sự của Nga ở vùng High North” cùng với những căng thẳng gần đây khiến liên minh này quyết định “tăng gấp đôi sự hiện diện” để đáp trả.
Nga được cho là đã mở lại một số căn cứ không quân từ thời Liên Xô ở Bắc Cực và xây dựng thêm căn cứ mới. Moscow cũng có một số cảng và sân bay trong khu vực có thể đe dọa các vị trí và hoạt động của Mỹ trong trường hợp xảy ra xung đột. Do đó, phương Tây đã tăng cường các hoạt động quân sự để đối trọng với việc Nga quân sự hóa khu vực.
Ngoài Nga, một đối thủ khác của Mỹ cũng đang có những bước tiến tại Bắc Cực. Lầu Năm Góc đã cảnh báo Quốc hội Mỹ về việc Trung Quốc ngày càng quan tâm tới khu vực, bao gồm cả Greenland.
Trong một báo cáo năm 2019, Lầu Năm Góc cảnh báo rằng các hoạt động mở rộng của Trung Quốc ở Bắc Cực có thể mở đường cho sự hiện diện quân sự nổi bật hơn tại đây, bao gồm cả việc triển khai tàu ngầm để ngăn chặn tấn công hạt nhân. Tình hình này có thể trở nên trầm trọng hơn nếu Trung Quốc và Nga quyết định bắt tay nhau.
Có 6 quốc gia bao quanh Bắc Băng Dương, bao gồm Nga, Mỹ, Canada, Na Uy, Đan Mạch và Iceland. Tuy nhiên, bên liên quan gần nhất ở Bắc Cực, tức là Mỹ, đã tăng đáng kể các nỗ lực để kiềm chế Nga ở Bắc Cực.
Năm 2020, Không quân Mỹ đã công bố Chiến lược Bắc Cực. Theo đó, chiến lược của Không quân Mỹ tại đây sẽ dựa trên 4 trụ cột: cảnh giác, triển khai sức mạnh, hợp tác và chuẩn bị.
Tháng 8/2022, Mỹ cũng tuyên bố sẽ chỉ định vị trí đại sứ tại Bắc Cực.
Để chuẩn bị tốt hơn cho mối đe dọa mà Trung Quốc và Nga gây ra, Mỹ và Canada đã tăng cường hợp tác quân sự và tập trận ở Bắc Cực. Hoạt động triển khai và các cuộc tập trận gần đây của NORAD tại Thule hoàn toàn dễ hiểu khi được xem xét cùng với các mục tiêu kể trên và nhu cầu cấp thiết để đối trọng với hoạt động quân sự hóa ngày càng tăng từ các đối thủ của Mỹ./.