Mục đích của Mỹ tại Hội nghị Ngoại trưởng G20: Bao vây Trung Quốc 'bốn bề'?

Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm G20 sẽ được tổ chức tại Italy ngày 29/6. Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đang thúc đẩy liên kết 'phe dân chủ' để đối đầu với Trung Quốc và Nga, song lập trường của các nước thành viên G20 lại tương đối phức tạp.

Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm G20 sẽ được tổ chức tại Italy vào ngày 29/6. (Nguồn: g20.org)

Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm G20 sẽ được tổ chức tại Italy vào ngày 29/6. (Nguồn: g20.org)

Nỗ lực bao vây Trung Quốc

Mục tiêu của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Hội nghị Ngoại trưởng G20 lần này là nhằm thúc đẩy hình thành mạng lưới bao vây Trung Quốc trong cộng đồng quốc tế.

Tổng thống Biden đã định vị Trung Quốc là “phép thử địa chính trị lớn nhất” và vạch ra chiến lược "thông qua hợp tác với các quốc gia đồng minh và thân cận để giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc".

Vị Tổng thống quyền lực nhất thế giới đã mời các nhà lãnh đạo của Nhật Bản và Hàn Quốc, 2 quốc gia "sát sườn" với Trung Quốc, tới Nhà Trắng.

Trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên trong tháng 6 để tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7, ông Biden đã chia sẻ với các nước châu Âu về chiến lược đối phó với Trung Quốc. Tuyên bố chung của G7 đã đề cập "tầm quan trọng của hòa bình và ổn định ở Eo biển Đài Loan".

Sau hội nghị G7, ông Biden đã hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin và hai bên đã đạt được nhất trí về việc thúc đẩy các vấn đề quốc tế như nhân quyền, tấn công mạng.

Chính quyền của Tổng thống Biden coi cuộc đối đầu với Trung Quốc và Nga là cuộc chiến giữa một bên là "khối quốc gia dân chủ” và một bên theo “chủ nghĩa quốc gia chuyên chế”.

Mỹ muốn phát huy vai trò lãnh đạo để cạnh tranh với Trung Quốc và Nga. Tuy nhiên, tại Hội nghị Ngoại trưởng G20 lần này, những tính toán của ông Biden chưa rõ có thể mang lại kết quả rõ rệt.

Cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ Mark Sobel nói: "Các nước tham gia Hội nghị thượng đỉnh G7 dễ chấp nhận thông điệp của Mỹ. Các nước châu Âu mặc dù không hoàn toàn đồng ý với chủ trương của Washington, nhưng đã chia sẻ quan ngại về vấn đề nhân quyền và các hành động quân sự mang tính đe dọa của Trung Quốc. Tuy nhiên, trong trường hợp của G20, ngoại trừ một số nước thuộc G7, nhiều nước về cơ bản đã cố gắng tránh bị lôi kéo sâu vào cuộc xung đột Mỹ-Trung. Nhiều quốc gia có thể quan ngại về vấn đề nhân quyền của Trung Quốc, song họ sẽ tiếp tục duy trì quan hệ với Trung Quốc vì lý do kinh tế".

Hơn nữa, ông Mark Sobel cho rằng, có sự khác biệt khá rõ về thái độ của các quốc gia châu Âu đối với Trung Quốc.

Tại cuộc họp báo sau Hội nghị thượng đỉnh G7, Tổng thống Pháp Emmannuel Macron tuyên bố rằng, G7 không phải là một câu lạc bộ thù địch với Trung Quốc. Còn Thủ tướng Đức Angela Merkel nêu rõ lập trường không quan tâm đến việc chia rẽ thế giới thêm một lần nữa.

Bình luận về việc G7 bày tỏ quan ngại về Trung Quốc, một quan chức ngoại giao EU nói: "Nội dung tuyên bố chung có nhiều yếu tố mang tính phân tích và ít đề cập cách thức hành động cụ thể, và đó là lý do khiến các quốc gia G7 có thể đi đến thống nhất trong nội dung đề cập đến Trung Quốc".

Mặc dù nhiều quốc gia châu Âu không nhượng bộ trong các vấn đề như nhân quyền, tự do ngôn luận và pháp quyền, song họ vẫn cho rằng, việc hợp tác với Trung Quốc trong các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu và các vấn đề khu vực là điều cần thiết.

Ngoài ra, một khía cạnh quan trọng khác của việc hợp tác với Trung Quốc là phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Charles Michel nhấn mạnh: “Cần tìm ra sự cân bằng phù hợp trong mối quan hệ phức tạp với Trung Quốc".

Khác biệt đáng kể

Trung Quốc và Nga đang thể hiện sự bất mãn đối với quan điểm "chiến tranh lạnh" của phương Tây.

Ngày 25/6, Trung Quốc và Nga tuyên bố tổ chức cuộc hội đàm theo hình thức trực tuyến giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin vào ngày 28/6.

Hai nước cũng không hề che giấu thái độ khó chịu đối với động thái của Mỹ.

Ngày 24/6, phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã bày tỏ thái độ không hài lòng và phản đối quyết liệt rằng “một số nước phương Tây như Mỹ vẫn đang bám vào tư duy chiến tranh lạnh và chủ nghĩa đa phương sai lầm".

Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cũng nhấn mạnh: "Nga không thể chấp nhận ý đồ của nhóm quốc gia phương Tây tự đặt mình vào vị trí đặc quyền trên thế giới".

Tuy nhiên, cũng có phân tích cho rằng, quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ đang tương đối ổn định. Theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc, tổng kim ngạch thương mại Mỹ-Trung từ tháng 1-5/2021 đã tăng 50% so cùng kỳ năm 2020.

Một quan chức của Bộ Thương mại Mỹ nói: “Chính quyền của Tổng thống Biden hiểu tầm quan trọng của Trung Quốc và đó là một thực tế”.

G7 và G20 có sự khác biệt tương đối trong quan điểm. Một quan chức ngoại giao Nhật Bản đã thừa nhận rằng “có những quốc gia khác không muốn can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác. Một số ý kiến từ các công ty có giao dịch kinh tế tại Trung Quốc bày tỏ quan ngại về việc gặp khó khăn khi chính phủ có lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, Nhật Bản không có lựa chọn nào khác ngoài việc tăng cường hợp tác với Mỹ trong bối cảnh Trung Quốc không hề có ý định chấm dứt những phát biểu và hành vi gây hấn mang tên 'ngoại giao chiến lang'".

(theo Asahi)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/muc-dich-cua-my-tai-hoi-nghi-ngoai-truong-g20-bao-vay-trung-quoc-bon-be-149628.html