Mục đích của Nga khi lần đầu đưa Su-57 tới triển lãm ở Brazil
Nga sẽ mang đến triển lãm vũ khí LAAD 2025 ở Rio de Janeiro, Brazil các hệ thống vũ khí 'đã được thử lửa trong thực chiến', bao gồm cả tiêm kích tàng hình Su-57. Đây là lần đầu tiên máy bay chiến đấu thế hệ 5 của Nga xuất hiện ở châu Mỹ.
Công ty xuất khẩu vũ khí quốc gia Nga Rosoboronexport xác nhận sẽ tham gia triển lãm vũ khí LAAD 2025 ở Rio de Janeiro, Brazil, diễn ra từ 1/4. Rosoboronexport đã không tham gia sự kiện này kể từ năm 2019.
Theo hãng thông tấn TASS, Rosoboronexport sẽ mang tới Brazil các sản phẩm quân sự mới nhất của Nga dành cho tất cả các nhánh của lực lượng vũ trang. Tất cả các sản phẩm này đều đã tham chiến thực tế và thu hút sự quan tâm của nhiều nước trên thế giới. Các hệ thống đều được nâng cấp dựa trên phản hồi từ quân đội và các cơ quan liên quan của Nga tham gia chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Máy bay Su-57 của Nga. Ảnh: Eurasian Times
Các vũ khí Nga dự kiến trưng bày ở LAAD 2025 bao gồm máy bay chiến đấu Su-57E và Su-35, trực thăng Mi-171Sh và Ka-52E, máy bay vận tải Il-76MD-90A(E); các hệ thống mặt đất như xe chiến đấu hỗ trợ xe tăng BMPT và xe tăng T-90MS); các hệ thống phòng không S-400 Triumph, S-350 Vityaz, hệ thống phóng Tor-M2K và MANPADS Igla-S. Ngoài ra còn có các hệ thống hải quân như xuồng đổ bộ BK-16E và xuồng tấn công BK-10, tàu tuần tra dự án 22160 và xe tăng lội nước hạng nhẹ Sprut.
LAAD 2025 là sự kiện quốc tế tiếp theo mà Su-57 tham gia sau 2 sự kiện đáng chú ý gần đây: Triển lãm Hàng không Trung Quốc tại Chu Hải tháng 11/2024 và Triển lãm Hàng không Aero India 2025 tại Bengaluru, Ấn Độ.
Nhân triển lãm Aero India, Nga đã đề xuất bán Su-57 cho Ấn Độ, theo đó Moscow có thể cung cấp máy bay hoàn chỉnh, chuyển giao công nghệ và sản xuất chung máy bay tại Ấn Độ, cũng như hỗ trợ New Delhi phát triển máy bay chiến đấu thế hệ 5.
Su-57 lại trở thành tâm điểm chú ý
Việc đưa Su-57 tham gia triển lãm quân sự ở Brazil được coi là bước đi chiến lược của Moscow nhằm mở rộng thị trường vũ khí tại khu vực Mỹ Latin.
Gần đây, đài truyền hình quốc gia của Algeria đã ám chỉ rằng nước này đã trở thành khách hàng nước ngoài đầu tiên mua của Su-57. Tuy nhiên, cả Nga và Algeria đều chưa chính thức xác nhận việc mua bán.
Nga chưa tuyên bố rõ ràng liệu họ sẽ giới thiệu Su-57 cho Brazil hoặc bất kỳ quốc gia Latin Mỹ nào khác. Tuy nhiên, giới chức Nga trước đó cho biết Moscow đang khám phá khả năng sản xuất chung với các quốc gia có ý định mua máy bay này.
Su-57 là máy bay siêu thanh, động cơ kép, thế hệ 5, được thiết kế để tiêu diệt các mục tiêu trên không, mặt đất và trên biển. Tính năng tàng hình của nó được tăng cường nhờ việc sử dụng vật liệu composite.
Su-57 được tích hợp các thiết bị điện tử hàng không tiên tiến, bao gồm một máy tính mạnh mẽ. Hệ thống radar được bố trí trên thân máy bay trong khi vũ khí được đặt bên trong thân máy bay. Hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) của Su-57 có thể đảm nhận một số chức năng của phi công như điều khiển và chuẩn bị sử dụng vũ khí.
Máy bay được trang bị tên lửa tầm xa ngoài tầm nhìn và 2 tên lửa tầm ngắn cho nhiệm vụ không chiến. Tên lửa tầm trung chính của Su-57 là K-77M (Izdeliye 180) dẫn đường bằng radar. Su-57 cũng đang được tích hợp với một số công nghệ máy bay thế hệ 6 để mở rộng khả năng và tuổi thọ của nó.
Việc Nga tích cực quảng bá Su-57 tại các triển lãm hàng không trên toàn thế giới là nhằm thu hút các khách hàng tiềm năng. Nga có thể nhắm đến các quốc gia đang tìm cách hiện đại hóa lực lượng không quân nhưng không muốn chịu hạn chế từ vũ khí có nguồn gốc phương Tây.
Nga nhắm đến thị trường Mỹ Latin
Thông báo gần đây của Rosoboronexport về việc trưng bày vũ khí tại LAAD 2025 diễn ra khi Nga ghi nhận sự suy giảm mạnh trong xuất khẩu vũ khí những năm qua. Theo báo cáo mới nhất của SIPRI, xuất khẩu vũ khí của Nga trong giai đoạn 2020-2024 đã giảm 64% so với giai đoạn 2015-2019.
Tuy nhiên, có dấu hiệu cho thấy tình hình có thể sẽ cải thiện. Giám đốc điều hành Rosoboronexport, ông Alexander Mikheev tháng trước cho biết tính đến cuối năm 2024, số đơn hàng của công ty này đã đạt 57 tỷ USD và đang tiếp tục tăng. Ông cũng lưu ý rằng Rosoboronexport đã ký hợp đồng trị giá hơn 4,5 tỷ USD với 15 quốc gia chỉ riêng từ đầu năm 2025 tới nay.
Nga cũng đã ký nhiều hợp đồng với các quốc gia Trung Đông và Bắc Phi (MENA). Khu vực này chiếm khoảng 50% tổng số đơn hàng của Rosoboronexport.
Mặc dù là nhà cung cấp vũ khí quan trọng cho Mỹ Latin, xuất khẩu vũ khí của Nga sang khu vực này tiếp tục giảm và Nga có thể đang tìm cách đảo ngược xu hướng đó.
Nga đã và đang tiếp cận các quốc gia Mỹ Latin có quan điểm trung lập, đặc biệt là về cuộ xung đột ở Ukraine. Điển hình là việc Nga xây dựng nhà máy sản xuất súng trường Kalashnikov tại Venezuela. Tham gia triển lãm quốc phòng tại Brazil cũng là một trong những động thái nhằm thúc đẩy xuất khẩu vũ khí của Nga. Nga dự định hợp tác với các quốc gia trong khu vực trong việc thiết kế và sản xuất vũ khí chính xác, súng trường và máy bay không người lái (UAV).
Rosoboronexport cho biết công ty này sẽ thảo luận về các dự án hợp tác tại triển lãm LAAD 2025, cả với chính phủ các nước và các công ty tư nhân của Latin Mỹ.
“Mục tiêu chính của Rosoboronexport khi tham gia LAAD 2025 là thảo luận về hợp tác công nghệ với các quốc gia Mỹ Latin. Xu hướng chính trong sản xuất vũ khí và khí tài quân sự hiện nay là độc lập chiến lược thông qua phát triển ngành công nghiệp quốc phòng quốc gia. Do đó, tỷ lệ các dự án chuyển giao công nghệ trên thị trường vũ khí toàn cầu sẽ tăng mạnh”, Giám đốc điều hành Rosoboronexport Alexander Mikheev cho biết.