Mục đích Hồng quân sử dụng 800 xe tăng gỗ trong trận vòng cung Kursk

Từ cổ chí kim, trong bất kỳ cuộc chiến nào cũng đều có thể đánh lừa kẻ địch về ý định thực sự của mình. Thông thường, người ta sử dụng các công sự giả, ngụy tạo hướng di chuyển của các đơn vị và phương tiện quân sự.

Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, những chiếc xe tăng làm bằng ván ép và bơm hơi đã được cả hai bên chiến tuyến sử dụng phổ biến cho những mục đích này.

Dư âm từ Thế chiến I

Trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, việc sử dụng xe tăng dù ở mức tối thiểu, nhưng lại vô cùng hiệu quả. Khi nhìn thấy những “con quái vật máy móc” bò khắp chiến trường, quân lính đã vô cùng khiếp sợ. Vì vậy, hầu hết tất cả các cường quốc tham chiến đều tạo ra những chiếc xe tăng bằng ván ép để huấn luyện bộ binh chiến đấu với chúng, cũng như giúp binh lính vượt qua nỗi sợ hãi.

Một chiếc xe tăng bằng gỗ của Hồng quân Liên Xô. Nguồn: Russian7.ru.

Một chiếc xe tăng bằng gỗ của Hồng quân Liên Xô. Nguồn: Russian7.ru.

Về sau, trong giai đoạn giữa hai cuộc chiến tranh thế giới, ở châu Âu và Liên Xô bắt đầu chế tạo hàng loạt các phương tiện quân sự được cơ giới hóa. Xe tăng đối với binh lính đã không còn là thứ gì đó khủng khiếp, người ta cũng không còn nhu cầu về các mô hình bằng ván ép nữa. Tuy nhiên, binh lính của nhiều quốc gia có kỹ thuật lạc hậu vẫn còn cảnh giác với xe tăng và các phương tiện tự hành khác. Đặc biệt, lính Nhật tham gia các trận đánh ở hồ Khasan được chỉ huy của họ cho biết rằng, xe tăng Liên Xô được làm từ ván ép, nên có thể bị xuyên thủng bằng những viên đạn bình thường.

Nhờ thông tin này, quân Nhật đã liên tục nã súng trường vào xe tăng Nga mà không gây ra tổn hại gì, nhưng lại chịu tổn thất đáng kể về sinh mạng. Tuy nhiên, lịch sử đã chứng minh rằng, còn quá sớm để loại bỏ những chiếc xe tăng giả bằng ván ép trong chiến đấu.

Với sự bùng nổ của Chiến tranh thế giới thứ hai, nhu cầu về xe tăng gỗ không những được hồi sinh, mà còn tăng lên đáng kể. Những chiếc xe tăng giả bằng ván ép và bơm hơi bắt đầu được sử dụng để tung tin đánh lạc hướng kẻ địch về quân số thực tế của mình. Khi cần thiết thì sẽ tổ chức một cuộc điều động giả, bởi nếu không có phương tiện giả thì không thể triển khai được.

Kỹ thuật ngụy trang bằng ván ép

Thời gian đầu sau khi nổ ra Thế chiến II, những xe tăng hình nộm bằng gỗ ép và các phương tiện quân sự khác, cũng như trước đó, đều được sử dụng để huấn luyện lính bộ binh, pháo binh và ném lựu đạn. Tuy nhiên, rõ ràng sẽ hiệu quả hơn nhiều, nếu sử dụng phương tiện giả để tạo ảo giác tìm kiếm các đơn vị cơ giới quân sự ở những nơi mà chúng thực sự không tồn tại. Vì vậy, Liên Xô đã xây dựng các nhà máy chuyên sản xuất hàng nghìn chiếc xe tăng và máy bay giả bằng ván ép và bơm hơi.

Mô hình xe tăng bơm hơi của quân đội Nga hiện nay. Ảnh: RIA Novosti.

Mô hình xe tăng bơm hơi của quân đội Nga hiện nay. Ảnh: RIA Novosti.

Những “vũ khí” ván ép lập tức được đưa ra mặt trận để thực hiện “nhiệm vụ chiến đấu”. Đặc biệt, từ điển bách khoa toàn thư về Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại khẳng định rằng, riêng trong trận vòng cung Kursk năm 1943 đã có 800 mô hình xe tăng và 200 máy bay bơm hơi tham gia “chiến đấu”. Trong khi đó, kỹ thuật ngụy trang này đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiến đấu khi đánh lạc hướng được kẻ địch.

Để phục vụ cho các đơn vị xe tăng ván ép và máy bay bơm hơi, Liên Xô đã thành lập Đội đặc nhiệm số 23. Tuy nhiên, trong thành phần biệt đội này không có lực lượng đặc nhiệm tinh nhuệ, mà gồm có 1.100 nghệ sĩ, họa sĩ minh họa và nhà thiết kế. Họ có nhiệm vụ tổ chức mô phỏng sự hiện diện số lượng lớn các phương tiện quân sự ở những nơi cần thiết trên chiến tuyến. Có ít nhất 20 chiến dịch lớn đã được tiến hành với sự tham gia của Đội đặc nhiệm số 23. Trong các chiến dịch này đã tạo ra những công sự, sở chỉ huy và sân bay giả, cũng như ngụy tạo hướng di chuyển của các đơn vị xe tăng. Việc ngụy tạo đó đáng tin cậy đến mức quân phát xít Đức luôn coi đó là thật.

Chiến thuật của quân đồng minh

Trong cuộc đổ bộ lên bờ biển Normandy, người Mỹ và người Anh cũng đã áp dụng chiến thuật tương tự như quân đội Liên Xô. Nhằm đánh lừa quân phát xít về hướng di chuyển thực sự của mình, quân đồng minh đã tổ chức những màn phô diễn xe tăng giả bằng gỗ quy mô lớn. Những hình nộm bằng ván ép được gắn vào xe tải và máy kéo hạng nặng, những chiếc loa được điều chỉnh ở mức âm thanh mô phỏng cực đại. Toàn bộ đội hình xe tăng giả được ngụy trang thành mẫu tăng Sherman, tạo ra ảo giác về lực lượng đồng minh đang di chuyển, trong khi xe tăng và máy bay thật tấn công quân địch vào những nơi không ngờ tới nhất.

Mặc dù Chiến tranh thế giới thứ hai đã trôi qua nhiều thập kỷ, nhưng việc sử dụng mô hình giả xe tăng và các phương tiện quân sự khác không những không lỗi thời, mà ngược lại, vẫn còn tiếp tục phổ biến. Ngày nay, khi các vệ tinh trong không gian nhìn thấy bất kỳ địa điểm nào trên Trái đất, thì việc ngụy tạo các đơn vị quân đội là vẫn còn cần thiết hơn bao giờ hết.

QUỐC KHÁNH (theo russian7.ru)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/vu-khi-trang-bi/muc-dich-hong-quan-su-dung-800-xe-tang-go-trong-tran-vong-cung-kursk-683201