Mục đích nào của Triều Tiên trong các vụ thử tên lửa liên tiếp gần đây?
Đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang làm đảo lộn thế giới nhưng lại dường như không ảnh hưởng đến các vụ thử tên lửa của Triều Tiên, vốn đã diễn ra 3 lần kể từ đầu năm 2020.
Theo nhận định của giới chuyên gia, 3 vụ thử liên tiếp này ẩn chứa nhiều mục đích của Triều Tiên.
Từ 13 vụ thử tên lửa năm 2019 đến 3 vụ thử từ đầu năm 2020
Trong năm 2019, Triều Tiên đã tiến hành 13 vụ phóng thử tên lửa. Vụ phóng gần đây nhất là vào ngày 28.11, được mô tả là vụ thử nghiệm hệ thống tên lửa đa nòng. Nước này cũng tiến hành nhiều cuộc thử nghiệm động cơ chiến thuật, gần đây nhất là vụ thử tháng 12.2019.
Các vụ thử tên lửa và vũ khí này được coi là “thông điệp” Triều Tiên gửi đến Mỹ trong bối cảnh các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên lâm vào bế tắc kể từ sau khi hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai ở Hà Nội, hồi tháng 2.2019 kết thúc mà không đạt kết quả.
Các cuộc đàm phán giữa hai bên đã bị đình trệ do sự bất đồng về tiến độ phi hạt nhân hóa, cũng như thời điểm nới lỏng các lệnh trừng phạt. Triều Tiên muốn Mỹ dỡ bỏ các trừng phạt và cung cấp các bảo đảm an ninh, đổi lại Bình Nhưỡng sẽ từ bỏ chương trình hạt nhân. Tuy nhiên, phía Mỹ nhấn mạnh muốn nhìn thấy những bước phi hạt nhân hóa đầu tiên thật cụ thể và có thể kiểm chứng.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un từng đặt ra hạn chót đến cuối năm 2019 để phía Mỹ đưa ra những đề xuất hợp lý hơn và có thể chấp nhận được trên bàn đàm phán.
Hồi cuối tháng 6, kế hoạch đàm phán cấp chuyên viên đã được nhắc tới từ sau cuộc gặp ngắn giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại làng đình chiến Panmunjom nhân chuyến thăm Hàn Quốc của Tổng thống Mỹ Trump. Tuy nhiên, kế hoạch này bị trì hoãn do Mỹ-Hàn tiến hành tập trận chung, bất chấp Triều Tiên vẫn coi những cuộc diễn tập như vậy là hành động chuẩn bị cho cuộc xâm lược Bình Nhưỡng, nhất là trong bối cảnh hai miền Triều Tiên về lý thuyết vẫn đang trong tình trạng chiến tranh.
Vào đầu tháng 10, Mỹ và Triều Tiên đã tiến hành cuộc gặp cấp chuyên viên tại Stockholm, Thụy Điển song cũng không đạt kết quả. Triều Tiên cáo buộc Mỹ không đem đến bàn đàm phán một đề xuất nào mới mẻ đồng thời tiếp tục cảnh báo tới cuối năm 2019 nếu Mỹ không thể đưa ra một đề xuất mới giúp phá vỡ thế bế tắc trong đàm phán hạt nhân song phương thì Bình Nhưỡng sẽ từ bỏ đàm phán và chọn "một con đường khác".
Trong bối cảnh các cuộc đàm phán hạt nhân với Mỹ bế tắc và qua hạn chót mà Bình Nhưỡng đặt ra để Washington đưa ra các nhượng bộ mới liên quan đến dỡ bỏ trừng phạt, tại một cuộc họp cuối tháng 12.2019, nhà lãnh đạo Kim Jong-un tuyên bố Bình Nhưỡng chấm dứt việc tạm ngừng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa và thử hạt nhân.
Tiếp đó, tháng 1.2020, Triều Tiên đã tuyên bố nước này không còn nghĩa vụ phải tuân thủ các cam kết về ngừng thử hạt nhân và phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa, do Mỹ đã không đáp lại thời hạn thay đổi quan điểm đàm phán mà Bình Nhưỡng đưa ra. Và trong thông điệp năm mới 2020, nhà lãnh đạo Kim Jong-un tuyên bố Triều Tiên sẽ sớm cho ra mắt một "vũ khí chiến lược mới".
Khi đó, các chuyên gia cho rằng loại vụ khí mới mà Bình Nhưỡng đề cập đến có thể là một phiên bản tiên tiến của tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) hoặc tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM).
Ngày 3.3, KCNA đưa tin nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã thị sát cuộc diễn tập pháo binh tầm xa hôm 2.3, đồng thời xác nhận rằng Bình Nhưỡng đã thực hiện vụ phóng tên lửa đầu tiên trong năm 2020. Những thông tin trên được KCNA đưa ra một ngày sau khi Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) cho biết Triều Tiên đã bắn hai vật thể được cho là tên lửa đạn đạo tầm ngắn ở khu vực gần thành phố duyên hải Wonsan về phía Biển Nhật Bản.
Hôm 21.3, Triều Tiên tiếp tục phóng 2 vật thể ra Biển Nhật Bản từ tỉnh Bắc Pyongan. Theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản, Triều Tiên đã phóng hai vật thể bay, được cho là tên lửa đạn đạo tầm ngắn, vào lúc 6 giờ 45 và 6 giờ 50 sáng 21.3, từ bờ biển phía tây của nước này hướng ra phía đông Biển Nhật Bản và sau đó rơi xuống vùng biển gần phía đông bắc Triều Tiên vào khoảng 6 giờ 50 và 6 giờ 55.
Bình Nhưỡng sau đó xác nhận đây là một vụ thử nghiệm “vũ khí dẫn đường chiến thuật" vừa mới được phát triển và nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã giám sát vụ thử này.
Ngày 30.3, truyền thông nhà nước Triều Tiên đưa tin nước này đã thử nghiệm một hệ thống phóng tên lửa đa nòng "siêu lớn", một ngày sau khi quân đội Hàn Quốc cho biết Bình Nhưỡng đã bắn các vật thể dường như là 2 tên lửa đạn đạo tầm ngắn. Đây là vụ tên lửa mới nhất mà Triều Tiên tiến hành ngay cả trong bối cảnh dịch nước này đang cảnh giác cao độ trước dịch COVID-19.
Theo nhật báo Rodong Sunmun, vụ bắn thử hôm 29.3 nhằm mục đích "một lần nữa xác nhận đặc tính chiến lược và kĩ thuật của một hệ thống phóng tên lửa đa nòng siêu lớn". Bài viết khẳng định "vụ bắn thử đã diễn ra thành công". Tuy nhiên, tin không đề cập liệu nhà lãnh đạo Kim Jong-un có giám sát vụ bắn thử hay không, cũng như không cho biết chi tiết về loại vũ khí này cũng như nơi thực hiện vụ bắn thử.
Trước đó, sáng 29.3, JCS cho biết Triều Tiên dường như đã phóng 2 tên lửa đạn đạo tầm ngắn về phía Biển Nhật Bản. JCS cho rằng Triều Tiên đã phóng 2 tên tên lửa đạn đạo tầm ngắn theo hướng đông bắc từ địa điểm tại thành phố biển Wonsan vào lúc 6 giờ 10 sáng. Cả hai tên lửa bay được khoảng 230 km và đạt tầm bay cao nhất là 30 km.
JCS cũng đưa ra tuyên bố kêu gọi Triều Tiên ngừng ngay lập tức hành động phóng tên lửa, trong bối cảnh thế giới đang trải qua giai đoạn khó khăn chống chọi với dịch bệnh COVID-19.
Phủ Tổng thống Hàn Quốc cũng tiến hành cuộc họp trực tuyến khẩn cấp chỉ thị quân đội duy trì khả năng sẵn sàng đối phó.
Ẩn chứa nhiều mục đích
Các nhà quan sát nhận định vụ thử tên lửa thứ ba kể từ đầu năm 2020 của Triều Tiên tiếp tục là “chiến thuật” nhằm thương lượng với Mỹ khi ngày 26.2 vừa qua Đặc phái viên về Triều Tiên thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ Alex Wong tuyên bố sẵn sàng tiếp tục đàm phán về vấn đề phi hạt nhân hóa với Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng có hành động tương tự.
Đa phần ý kiến cho rằng Triều Tiên muốn Mỹ cung cấp các đảm bảo an ninh và nới lỏng các biện pháp trừng phạt do Mỹ dẫn đầu để đổi lại nước này sẽ thực hiện quá trình phi hạt nhân hóa từng bước.
Đặc biệt, trong bối cảnh các cuộc đàm phán phi hạt nhân với Mỹ bị đình trệ kể từ sau thất bại của hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 diễn ra tại Hà Nội hồi cuối tháng 2.2019 và thời hạn chót mà Bình Nhưỡng đơn phương đặt ra để Washington đưa ra những nhượng bộ mới về nới lỏng các biện pháp trừng phạt đã hết hạn, vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên đóng vai trò như lời nhắc nhở và có thể hiểu là nhằm mặc cả và gây sức ép đối với Mỹ, khi các yêu cầu của Bình Nhưỡng chưa được đáp ứng.
Daniel DePetris, chuyên gia tại cơ quan nghiên cứu Defense Priorities (Mỹ) nhận định vụ phóng tên lửa thứ ba của Triều Tiên kể từ đầu năm 2020 này có thể là minh chứng mới nhất cho thấy ông Kim Jong-un dùng các vụ thử tên lửa như là cách thức phát đi “thông điệp” ngoại giao. “Triều Tiên đang muốn thể hiện điều gì sẽ xảy ra nếu Mỹ không tiến tới bàn đàm phán với những đề xuất thực tế”.
Mặc dù vậy, ba vụ thử tên lửa liên tiếp kể từ đầu năm 2020 của Triều Tiên có thể tác động tới Mỹ hay không thì chưa rõ ràng bởi chính quyền Mỹ luôn cho rằng mục đích của Bình Nhưỡng là nhằm thúc đẩy đàm phán với Mỹ.
Căn cứ vào phản ứng của Mỹ, có thể thấy các vụ phóng tên lửa đạn đạo và thử vũ khí tầm ngắn trong năm 2019 và cả ba vụ thử tên lửa kể từ đầu năm 2020 của Triều Tiên đều chưa vượt "giới hạn" mà Washington vạch ra.
Thực tế cho thấy các vụ thử tên lửa gần đây khó có thể khơi mào một cuộc khủng hoảng Mỹ-Triều bởi các vụ thử này được coi là tên lửa thông thường và tầm ngắn. Trong ba vụ thử từ đầu năm 2020 đến nay, 2 vụ thử liên quan rocket cỡ lớn KN-25 và 1 vụ liên quan tên lửa KN-24. Một số đặc điểm cho thấy cả hai loại tên lửa KN-25 và KN-24 đều chỉ được trang bị đầu đạn thông thường. Các vụ thử này đều là bước phát triển hạt nhân không đáng kể song chúng cũng cho thấy sự kiềm chế phần nào của Triều Tiên trong nỗ lực không khiến tình hình thêm căng thẳng.
Còn về phía Mỹ, theo nhận định của các chuyên gia, nếu hình thức các vụ thử tên lửa từ đầu năm 2020 đến nay sẽ tiếp tục diễn ra và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un kiềm chế không tiến hành phóng thử tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, thì Tổng thống Mỹ Trump có thể sẽ tiếp tục coi nhẹ tính chất nghiêm trọng của các vụ thử này và không kêu gọi có biện pháp đáp trả cứng rắn.
Điều đó chứng tỏ rằng dù có những động thái mang tính cảnh cáo và gây sức ép, song cả Mỹ và Triều Tiên đều không muốn ngừng đối thoại và không có ý định kích động căng thẳng và đối đầu. Vấn đề là Mỹ và Triều Tiên sẽ phải thúc đẩy đàm phán nhằm phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên đồng thời cần phải có những thỏa thuận thỏa đáng trên bàn đàm phán để có thể cân bằng lợi ích của cả hai bên.
Hơn nữa, trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến nghiêm trọng tại Mỹ cùng với việc Triều Tiên đang nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh bùng phát, cả Tổng thống Mỹ Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên đều không ở vị thế "thiên thời địa lợi" để có thể làm thay đổi tình trạng hiện nay đồng nghĩa với việc tình hình hiện nay sẽ không tồi tệ hơn để rồi trượt vào một cuộc khủng hoảng.
Ngoài việc tiếp tục là “chiến thuật” nhằm thương lượng với Mỹ, giới phân tích cũng cho rằng, vụ phóng tên lửa thứ ba kể từ đầu năm 2020 của Triều Tiên dường như cũng là động thái gây tác động tới các cuộc bầu cử sắp diễn ra ở Mỹ và Hàn Quốc. Trong tháng 4 tới, các cuộc bầu cử sơ bộ sẽ diễn ra tại nhiều bang trên nước Mỹ trong khi tại Hàn Quốc cũng tổ chức bầu cử quốc hội.
Tại Mỹ, trong bối cảnh dịch COVID-19 đang bùng phát mạnh khi Mỹ hiện đứng đầu thế giới về số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 với tổng số ca lên tới hơn 142.224 người tính đến 11 giờ ngày 30.3 theo giờ Hà Nội, trong đó có 2.485 ca tử vong cùng tác động tiêu cực đến nền kinh tế số một thế giới đã ảnh hưởng tới uy tín của Tổng thống Trump trong chiến dịch tranh cử.
Theo kết quả cuộc thăm dò dư luận do kênh truyền hình Fox News công bố ngày 29.3, ứng cử viên hàng đầu của đảng Dân chủ Joe Biden hiện đang dẫn trước Tổng thống Mỹ Trump 9 điểm ở lực lượng cử tri cực kỳ quan tâm tới bầu cử với tỷ lệ 52% so với 43% và ông Biden cũng dẫn 8 điểm cách biệt với Tổng thống Trump ở các bang "chiến trường" với tỷ lệ 48% và 40%.
Trong khi đó, tại Hàn Quốc, uy tín của đảng Dân chủ cầm quyền của Tổng thống Moon Jae-in đã sụt giảm khi nhiều cử tri cho rằng ông Moon chưa thực hiện các cam kết của mình về cải thiện nền kinh tế cũng như tình trạng số ca nhiễm SARS-CoV-2 tiếp tục tăng đồng thời chưa đạt được một thỏa thuận phi hạt nhân hóa với Triều Tiên.
Do vậy, giới phân tích nhận định Bình Nhưỡng dường như muốn gia tăng rủi ro trước cuộc bầu cử sơ bộ ở Mỹ cũng như cuộc bầu cử quốc hội Hàn Quốc.
Bên cạnh đó, các vụ thử tên lửa này cũng có ý nghĩa quan trọng đối với các nhà phân tích để đánh giá bối cảnh trong nước của Triều Tiên khi họ phóng tên lửa.
Tại thời điểm dịch COVID-19 bùng phát đã tạo ra nguy cơ và thách thức lớn, nhà lãnh đạo Triều Tiên đang gửi đi một thông điệp tới người dân của mình và các nước khác rằng quân đội Triều Tiên sẽ không ngừng công tác huấn luyện và phát triển các loại vũ khí mới để tăng cường khả năng phòng vệ.
Việc chứng tỏ Triều Tiên đang kiểm soát được tình hình và không để virus SARS-CoV-2 làm suy yếu hệ thống quốc phòng đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì quyền lực hợp pháp của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong mắt người dân và giới chính trị Triều Tiên.