Mục đích tối thượng của gia tộc họ Kim: Gặp một tổng thống Mỹ
Phải qua ba thế hệ, nhà lãnh đạo Kim Jong Un mới là người thực hiện được mục tiêu quan trọng mà ông và cha ông đề ra: gặp trực diện tổng thống Mỹ đương nhiệm.
Các quan chức Triều Tiên và Mỹ vẫn đang thảo luận để vạch ra khuôn khổ cho hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong Un dự kiến diễn ra ngày 12/6 ở Singapore.
Trong các cuộc đàm phán, hai bên thảo luận gay gắt mức độ nhượng bộ của Bình Nhưỡng với Mỹ trước đòi hỏi phi hạt nhân hóa, hoặc Triều Tiên có thể đi xa tới mức nào trong yêu cầu từ bỏ chương trình hạt nhân.
Mục tiêu ba thế hệ
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nói chỉ với khoảnh khắc ông Trump bước vào phòng họp gặp Kim Jong Un thì phía Triều Tiên đã có chiến thắng lớn nhất của họ.
“Để có được cuộc họp thượng đỉnh riêng với Mỹ là điều mà nhiều nước khác cũng mong muốn. Cho nên đối với Triều Tiên, một nước mà về mặt kỹ thuật là vẫn trong tình trạng chiến tranh với Mỹ, thì việc lãnh đạo của họ cùng bàn việc với một tổng thống Mỹ chính là một phi vụ lớn”, Jean H. Lee, chuyên gia về Triều Tiên tại Trung tâm Wilson, Mỹ, nói.
Theo Lee, hai cố lãnh đạo Triều Tiên là Kim Nhật Thành và Kim Jong Il “hẳn sẽ vô cùng tự hào” khi chứng kiến người kế vị đã thiết lập được tính chính danh của nhà nước Triều Tiên trên trường quốc tế.
“Kim Jong Un đã đi tiếp đến bước cuối con đường mà ông nội của ông không thể đạt được. Đó cũng là một phần trong kế hoạch củng cố quyền lực của gia tộc họ Kim đời thứ ba tại Triều Tiên”, chuyên gia Lee nói.
Chỉ khoảng 5 tháng trước, Triều Tiên vẫn trong tình trạng cô lập và bị trừng phạt nặng nề trong khi mối quan hệ ngoại giao bị suy giảm sau cáo buộc chủ mưu trong vụ ám sát người được cho là Kim Jong Nam năm 2017.
Nhưng các chuyên gia nói một cuộc gặp trực diện với Trump sẽ mang đến vị thế tôn trọng mới dành cho Triều Tiên. “Sự kiện này nói lên rất nhiều điều. Đó là sự chấp nhận nhà nước Triều Tiên và lãnh đạo của họ”, Jim Hoare, cựu đại biện Anh tại Triều Tiên nói.
Thể hiện sự công nhận và tôn trọng
Gia tộc họ Kim đã vài lần gặp gỡ các cựu tổng thống Mỹ. Cựu tổng thống Jimmy Carter từng gặp ông Kim Nhật Thành năm 1994; trong khi ông Bill Clinton đã gặp ông Kim Jong Il vào năm 2009. Trên thực tế, Kim Jong Il đã suýt có cơ hội tiếp xúc ông Clinton khi còn đương chức tổng thống vào năm 2000, nhưng sự kiện bị hủy vào phút chót sau khi Nhà Trắng cho rằng không thể tin tưởng nhà lãnh đạo Triều Tiên.
Do vậy, ông Clinton đã cử ngoại trưởng Mỹ khi đó là bà Madeleine Albright đi thay.
Tuy nhiên, với khao khát cho một chiến thắng ngoại giao to lớn, chính quyền Trump đang cố gắng xúc tiến cuộc gặp với Kim Jong Un.
Nhiều chuyên gia cảnh báo sự kiện này lại có thể mang lại nhiều lợi ích tiềm năng cho Triều Tiên, mà điều đầu tiên chính là sự an toàn của chính quyền Bình Nhưỡng.
Về mặt kỹ thuật, Triều Tiên đang trong tình trạng chiến tranh với cả Hàn Quốc và Mỹ; nhưng Bình Nhưỡng xem Mỹ là mối đe dọa lớn hơn cả với chính quyền nước này. Mọi hiệp ước hòa bình với Hàn Quốc, cũng như lợi ích nó sẽ mang lại, cần sự chấp thuận của Washington.
“Giới chức Triều Tiên rằng nếu Mỹ chấm dứt quan điểm thù địch thì Triều Tiên có thể an toàn và sẽ không ai can thiệp vào tình hình nội bộ cả”, nhà phân tích Hoare nói.
Bên cạnh sự an toàn của chế độ, một khoảng “nghỉ” trong hàng loạt cấm vận cũng đánh dấu chiến thắng lớn cho ông Kim Jong Un, trong bối cảnh ông cố gắng củng cố quyền lực khi đất nước trải qua nhiều khó khăn.
Theo chuyên gia Lee, mặc dù việc phân tích diễn biến chính trị xảy ra nội bộ Triều Tiên là việc khó khăn, một sự thật không thể phủ nhận là Kim Jong Un đã xây dựng thành công một nền móng quyền lực vững chắc để có thể tiếp tục nắm quyền thêm vài thập kỷ.
“Kim Jong Un chỉ mới là một thanh niên đột ngột bị đưa lên nắm quyền sau cái chết của cha. Thật khó mà hình dung ông ấy chưa từng cảm thấy bị thách thức quyền lực hoặc bất an”, Lee nói.