Mức độ hài lòng của người dân với dịch vụ bệnh viện công giảm sút
Theo Báo cáo Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2021 vừa được công bố sáng 10/5 tại Hà Nội, tỷ lệ quan ngại về y tế và bảo hiểm y tế tăng mạnh từ 2% lên 23% chỉ trong hai năm. Y tế và bảo hiểm y tế trở thành mối quan ngại lớn nhất của người dân, bên cạnh quan ngại về tăng trưởng kinh tế của đất nước và việc làm.
Mối quan ngại lớn nhất của người dân
PAPI là sản phẩm của hoạt động hợp tác nghiên cứu giữa Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và Hỗ trợ Cộng đồng (CECODES), Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại Trung ương và địa phương (VFF-CRT), Công ty Phân tích Thời gian thực (RTA) và Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam.
Báo cáo PAPI năm 2021 - năm Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 cho thấy tỉ lệ người dân hài lòng với cách ứng phó với đại dịch COVID-19 của các cấp chính quyền đã giảm từ 89% năm 2020 xuống còn 84% năm 2021.
Đặc biệt, với lĩnh vực y tế, mức độ hài lòng của người dân đối với dịch vụ của bệnh viện công tuyến huyện, quận, thành phố trực thuộc tỉnh giảm sút. Trong khi đó, tỉ lệ người dân cho biết họ hoặc người thân trong gia đình phải "chung chi" để được chăm sóc tốt hơn tại bệnh viện công tuyến huyện tăng nhẹ. Đáng chú ý, điểm chỉ số nội dung "Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công" lần đầu tiên giảm sút kể từ năm 2016 khi chiến dịch chống tham nhũng quyết liệt bắt đầu.
Theo khảo sát PAPI, mối quan tâm về sức khỏe của người dân nổi lên rõ nhất. Tỷ lệ quan ngại về y tế và bảo hiểm y tế tăng mạnh từ 2% lên 23% chỉ trong hai năm. Y tế và bảo hiểm y tế trở thành mối quan ngại lớn nhất của người dân, bên cạnh quan ngại về tăng trưởng kinh tế của đất nước và việc làm. Trong khi đó, mối quan ngại về ô nhiễm môi trường giảm nhẹ.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy tỉ lệ hài lòng với điều kiện kinh tế hộ gia đình tiếp tục giảm 11% so với năm 2020 khi sự lạc quan của người dân với tình hình kinh tế hộ gia đình giảm xuống lần đầu tiên sau gần một thập niên tăng lên từng năm. Cùng với đó, tỉ lệ người trả lời cho biết họ bị mất việc làm và thu nhập tăng 10% vào năm 2021 so với năm 2020.
Điểm chỉ số nội dung "trách nhiệm giải trình với người dân" năm 2021 giảm mạnh so với năm 2019 và 2020. Sự sụt giảm này có thể là do chính quyền địa phương bị quá tải với số lượng lớn yêu cầu của người dân liên quan đến chính sách hỗ trợ và ứng phó với đại dịch COVID-19 trong năm 2021. Bên cạnh đó, việc thực hiện giãn cách xã hội yêu cầu nhiều hoạt động phải chuyển sang trực tuyến, nhưng tỉ lệ sử dụng dịch vụ công điện tử qua các cổng dịch vụ công trực tuyến của các cấp chính quyền còn rất thấp, phản ánh phần nào những hạn chế trong hiệu quả quản trị điện tử năm 2021.
Về những mặt được cải thiện, người dân cho biết cơ sở hạ tầng cơ bản được cải thiện với chất lượng đường xá, nước sạch và vệ sinh môi trường tốt hơn. Người dân tham gia khảo sát cũng cho biết tình hình tội phạm an ninh, trật tự địa bàn khu dân cư cũng giảm, có thể là do tác động của giãn cách xã hội và hạn chế đi lại.
“Những phát hiện từ báo cáo PAPI 2021 được công bố ngày hôm nay có ý nghĩa quan trọng giúp chúng ta hiểu được tác động của đại dịch COVID-19 tới hiệu quả quản trị công có sự tham gia của người dân. Điều này giúp chính quyền các cấp chuẩn bị các kịch bản ứng phó với những khủng hoảng kinh tế và sức khỏe tương tự có thể xảy ra trong tương lai", bà Caitlin Wiesen - đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam cho biết.
Bà Cherie Russell - Tham tán phát triển, Đại sứ quán Úc tại Việt Nam phát biểu: “Khảo sát PAPI đóng vai trò quan trọng tại Việt Nam, giúp chính quyền các cấp cải thiện việc ra quyết định, hoạch định chính sách và cung cấp dịch vụ công cho người dân dựa trên cơ sở dữ liệu tin cậy về trải nghiệm của người dân. Trong bối cảnh Việt Nam mong muốn trở thành nước có thu nhập trung bình cao và hướng tới mục tiêu nền kinh tế thu nhập cao thì việc chính quyền các cấp hiểu được mong muốn của người dân, kịp thời chuyển đổi và cải thiện đường lối chính sách dựa trên các phản hồi của người dân là vô cùng quan trọng".
Tỷ lệ người dân muốn di cư thấp
Tương tự như các năm trước, Báo cáo PAPI năm 2021 trình bày các kết quả chi tiết về hiệu quả hoạt động của các tỉnh. So với kết quả của năm 2020, 30 tỉnh, thành phố đã cải thiện hiệu quả hoạt động trong cung ứng dịch vụ công, quản trị môi trường, và quản trị điện tử.
Tuy nhiên, 30 tỉnh, thành phố có sự sụt giảm về điểm ở các chỉ số nội dung ‘Tham gia của người dân ở cấp cơ sở’, "công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương", "trách nhiệm giải trình với người dân", và "kiểm soát tham nhũng trong khu vực công".
Bình đẳng đối với dân di cư là một vấn đề đáng quan tâm do hậu quả của đại dịch COVID-19 năm 2021 do có sự chênh lệch rõ ràng giữa người tạm trú và thường trú ở từng địa phương. Tuy nhiên, năm 2021 tỉ lệ người dân mong muốn di cư rất thấp, trong bối cảnh kinh tế suy giảm mạnh mẽ vào năm 2021 dẫn đến thiệt hại lớn về việc làm và thu nhập trên quy mô toàn quốc.
Ông John McCullagh, Đại sứ Ai-len tại Việt Nam, cho biết: "Chúng tôi hoan nghênh kết luận của
Báo cáo PAPI 2021 là “có dấu hiệu tích cực” trong việc đảm bảo bình đẳng giới trong cuộc bầu cử đại diện các cơ quan dân cử năm 2021. Chúng tôi cũng đánh giá cao việc mở rộng nghiên cứu nhóm dân di cư trong khảo sát PAPI 2021”.
Phát biểu tại sự kiện, TS. Nguyễn Hữu Dũng - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhận định: “Chỉ số PAPI đã hỗ trợ thúc đẩy trách nhiệm giải trình với người dân của các cấp chính quyền, đóng góp vào quá trình đổi mới và sáng tạo trong khu vực công vì mục tiêu “dân hưởng lợi” ngoài những mục tiêu “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” trong thực hiện dân chủ ở cơ sở. Đây cũng là tinh thần của dự án Luật thực hiện dân chủ cơ sở sẽ được thảo luận tại Quốc hội năm nay".