Mức độ hóng biến ngày càng nặng
Từ ViruSs đến Kim Soo Hyun, không câu chuyện nào nằm ngoài 'vùng phủ sóng' của cộng đồng mạng. Khi đời tư người khác trở thành phương tiện giải trí cho số đông, mức độ hả hê của người tham gia trở thành điều đáng suy ngẫm.
Xu hướng nghiện tiêu thụ nội dung rẻ tiền
Không đơn thuần là theo dõi thị phi cho vui, “hóng drama” giờ đây trở thành dạng giải trí có tổ chức, có khán giả trung thành sẵn sàng chi tiền để được cập nhật sớm nhất. Khi mọi chuyện tưởng đã lắng xuống, cư dân mạng lại khui lại biến cũ, đào xới cho bằng được, miễn là còn chuyện để bàn.
Sự việc giữa ViruSs và Ngọc Kem là ví dụ tiêu biểu. Từ bài "bóc phốt" lúc 2 giờ sáng với 1,6 triệu lượt xem, đến buổi chất vấn giữa ViruSs và Pháo vào ngày 28/3 thu hút 4,8 triệu người, trong đó có thời điểm 1,8 triệu người cùng xem trực tiếp, sau đó là livestream ViruSs xin lỗi trong clip dài vỏn vẹn 9 phút, nhưng lại đạt tới 1,1 triệu lượt xem...
Những con số khiến bất kỳ nhà sản xuất nội dung nào cũng thèm khát.
Hóng drama không dừng lại ở việc khán giả tin vào những gì nghệ sĩ/KOLs đang nói. Mỗi khoảnh khắc cúi đầu, ánh mắt "ăn năn", từng ngắt nghỉ của lời nói đều được để ý kỹ, soi lại như dữ liệu điều tra.
Không ít người xem còn bỏ tiền để vào các phòng livestream kín, hoặc “donate” để được phát biểu ý kiến trong khung giờ cao điểm. Điều này dẫn đến tình trạng khiến nhiều người phải ức chế: khán giả vừa chỉ trích nhân vật chính, vừa nuôi dưỡng nền kinh tế xoay quanh scandal đó.




Khán giả quan tâm ồn ào của TikToker, streamer dồn dập trong hai tháng.
Chia sẻ với Tiền Phong, Thạc sĩ, Nhà báo Thanh Huyền nhận định tình trạng hóng biến suốt thời gian qua khiến nhiều người phải suy nghĩ.
"Câu chuyện riêng tư, dù có phần kịch tính, cũng không nên trở thành tâm điểm của hàng triệu người. Nhất là khi nó không mang lại giá trị tích cực hay đóng góp gì đáng kể cho xã hội. Hàng giờ dành để theo dõi, bình luận, tranh luận về drama đồng nghĩa với việc hàng triệu người đang lãng phí thời gian quý báu của mình vào một nội dung vô nghĩa", chuyên gia nói.
Chuyên gia gọi đây là “rác thông tin” được ngụy trang dưới lớp vỏ giải trí, từ những màn bóc phốt showbiz, khẩu chiến livestream, đến những vở kịch cảm xúc được dựng sẵn. Việc khán giả vừa phê phán, vừa không thể rời mắt khiến hành vi “tiêu thụ drama” trở thành động lực nuôi sống những nội dung rẻ tiền, làm sai lệch các tiêu chuẩn đánh giá thông tin.
“Nguy cơ lớn hơn nữa là ranh giới giữa việc lên án cái xấu và vô tình đẩy cái xấu thành ngôi sao đang bị xóa nhòa. Trong nhiều trường hợp, người bị chỉ trích không chìm xuống mà ngược lại, trở nên nổi tiếng hơn, kiếm được nhiều tiền hơn từ chính scandal của mình”, chuyên gia nói.
Hóng drama xuyên biên giới
Chiều 31/3, Kim Soo Hyun tổ chức họp báo sau một tháng im lặng trước loạt cáo buộc từ gia đình Kim Sae Ron, cho rằng anh có “quan hệ với trẻ vị thành niên”.
Mặc dù đây là lần đầu ngôi sao hàng đầu Hàn Quốc lên tiếng chính thức, với phần lớn khán giả Việt, cuộc họp báo này không mang tính chất thông tin mà chỉ là “chương tiếp theo” của drama dài tập đã được theo dõi suốt nhiều tuần.
Ngay sau khi họp báo diễn ra, mạng xã hội Việt Nam lập tức có chuyện mới để “hóng” sau chuỗi drama ViruSs - Ngọc Kem. Đây không còn là câu chuyện của showbiz Hàn, mà còn là sản phẩm giải trí quen thuộc của cư dân mạng Việt Nam.
Điều đáng nói là, khán giả không còn quan tâm Kim Soo Hyun đúng hay sai, cũng không để tâm tới việc bằng chứng do gia đình Kim Sae Ron cung cấp có bị chỉnh sửa, cắt ghép, làm giả hay không. Những tình tiết pháp lý gần như bị phớt lờ.
Thay vào đó, nội dung được đào sâu nhất xoay quanh ngoại hình và lớp trang điểm của Kim Soo Hyun tại họp báo. Diễn viên Nữ hoàng nước mắt được mổ xẻ từng chi tiết như “dùng loại kem nền gì mà khóc ba tiếng không trôi”, biểu cảm có “giả trân” hay không, đầu tóc vuốt bóng ra sao...


Kim Soo Hyun "khóc nhưng kem nền không trôi" trở thành đề tài bàn tán.
Những câu hỏi ấy lọt top 1 tìm kiếm, trở thành nội dung chính của các video TikTok, bài chế ảnh và hàng trăm cuộc bình luận thu hút lượng tương tác khủng.
Điều bất ngờ hơn là Trấn Thành - người hoàn toàn không liên quan đến scandal này - bỗng dưng vạ lây. Bức ảnh anh khóc ở họp báo từ hai năm truớc bất ngờ bị mang ra so sánh với Kim Soo Hyun. Lý do duy nhất: cả hai cùng khóc.
Dù hai sự việc hoàn toàn không liên quan về ngữ cảnh, nội dung hay hậu quả, Trấn Thành vẫn trở thành “mục tiêu giải trí” trong hàng loạt ảnh chế, bình luận, và video mỉa mai.
Chuyện không dừng ở đó.
Trần Quán Hy, nam diễn viên Hong Kong, Trung Quốc vướng scandal lộ ảnh nhạy cảm vào năm 2008, sau đó công khai xin lỗi cũng bị cộng đồng mạng đào lại.
Mượn câu chuyện khen cách hành xử của Trần Quán Hy, khán giả tiếp tục công kích Kim Soo Hyun bằng cách đặt lên bàn cân so sánh. Tất nhiên, hai câu chuyện cũng chẳng hề liên quan nhau.
Giờ đây, không gian mạng trở thành nơi để mọi scandal, vụ việc đã lắng xuống từ lâu chực chờ bùng nổ lần nữa, chủ yếu để phục vụ nhu cầu tiêu thụ nội dung giật gân.
Một chuyên gia nói với Tiền Phong rằng, kiểu hành vi như trên không còn là biểu hiện của tò mò. Nó dần trở thành xu hướng giải trí, dần dẫn đến sụt giảm hệ giá trị trong xã hội hiện đại.
Sự tôn sùng drama khiến những nội dung phù phiếm lên ngôi, những điều đáng quan tâm như lòng nhân ái, đạo đức, sự sáng tạo bị phớt lờ. Sau cùng, muốn tiếp nhận hay không, thổi bùng nó thành xu hướng ra sao đều nằm ở khán giả.
"Chừng nào công chúng còn tiếp tục tiêu thụ những nội dung rẻ tiền, chừng đó drama còn đất sống. Và chỉ khi thói quen tiêu thụ thay đổi, ưu tiên những giá trị thực sự, vòng lặp tiêu cực mới có thể được phá vỡ", chuyên gia nói với Tiền Phong.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/muc-do-hong-bien-ngay-cang-nang-post1730216.tpo