Mức giảm trừ gia cảnh đứng yên khi giá cả leo thang
Bộ Tài chính vừa đề xuất thay đổi mức giảm trừ gia cảnh trong dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân thay thế.
Góp ý cho dự thảo này, có tới 16 bộ và địa phương đồng loạt đề nghị, nâng mức giảm trừ gia cảnh lên gấp rưỡi so với hiện nay, với lý do mức giảm trừ gia cảnh hiện đã lạc hậu. Nếu theo đúng quy trình thực hiện thì khoảng hai năm nữa luật mới có hiệu lực. Và đó là khoảng thời gian quá dài khi luật hiện tại đã không còn phù hợp với thực tế, tạo áp lực lên cuộc sống của người dân.
Với tổng thu nhập hai vợ chồng khoảng 40 triệu đồng, chị Ngô Thị Huệ - một giáo viên tiểu học chia sẻ, hàng tháng gia đình chị chẳng tiết kiệm được bao nhiêu khi giá cả ngày càng leo thang, phải chi trả rất nhiều chi phí. Dù vậy, mức giảm trừ gia cảnh khi đóng thuế thu nhập cá nhân với mỗi người phụ thuộc từ lâu vẫn giữ nguyên, cụ thể là 4,4 triệu đồng/tháng cho mỗi người con của chị.
Chị Ngô Thị Huệ (quận Thanh Xuân) chia sẻ: “Mình thấy (chi tiêu cho) một bạn nhỏ trong một tháng cũng rơi vào khoảng 5 -6 triệu trung bình. Đó là chưa tính đến phát sinh, ốm đau hoặc là đi khám chữa bệnh. Hiện tại, mức được giảm trừ đối với người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng trên một người, mình thấy đang bị thấp so với mức sinh hoạt chung".
Hiện tại, mức giảm trừ gia cảnh cho cá nhân người nộp thuế là 11 triệu đồng và giảm trừ mỗi người phụ thuộc 4,4 triệu đồng, duy trì từ tháng 7/2020. Cá nhân được trừ các khoản bảo hiểm, giảm trừ gia cảnh, phụ cấp, trợ cấp, số còn lại là thu nhập căn cứ tính thuế thu nhập cá nhân. Tuy nhiên, mức giảm trừ này thể hiện nhiều bất cập trong tính thuế thu nhập cá nhân, khi mức chi tiêu tăng và giá cả ngày càng đắt đỏ.
TS Vũ Văn Tính - Khoa Nhà nước pháp luật, Học viện Hành chính Quốc Gia - cho hay: “Lạm phát giáo dục tăng khoảng 20%, giá xăng tăng 110%. Nếu vẫn giữ mức giảm trừ gia cảnh như hiện nay thì không hợp lý và gây bất lợi cho người có thu nhập trung bình, nhưng có lợi cho người thu nhập cao”.
Nhiều quan điểm cũng cho rằng, biểu thuế hiện hành với 7 bậc thuế là chưa hợp lý. Khoảng cách thu nhập tính thuế ở các bậc sau quá rộng so với các bậc thấp, tạo áp lực, gánh nặng thuế cho người lao động.
Bộ Tài chính thông tin, phải đến tháng 10/2025 mới trình Quốc hội sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân, trong đó có mức giảm trừ gia cảnh cũng như thay đổi biểu thuế hiện hành, và phải đến tháng 5/2026 mới thông qua, thực hiện từ năm 2027. Dù đúng với chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đề ra, nhưng so với yêu cầu thực tiễn là chậm, tạo áp lực tài chính ngày càng lớn đối với cuộc sống người dân.