Mức hỗ trợ thấp, lao động thất nghiệp Hà Tĩnh thờ ơ với học nghề
Mức hỗ trợ thấp và thời gian học nghề ngắn khiến nhiều người lao động Hà Tĩnh hưởng trợ cấp thất nghiệp ở Hà Tĩnh thờ ơ với chính sách hỗ trợ học nghề.
Nhiều lao động đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ Việc làm Hà Tĩnh...
Anh Hồ Viết Hùng ở huyện Đức Thọ cho biết, trước đây, anh làm công nhân kỹ thuật cho một doanh nghiệp ở tỉnh Bắc Ninh. Giữa năm 2019, anh xin nghỉ việc. Lĩnh trợ cấp thất nghiệp, anh tìm đến một số cơ sở dạy lái xe định đăng ký học lái xe hạng B2 để có thể chuyển sang làm công việc mới...
Thế nhưng, "mức chi phí học lái xe khá cao, tới gần 10 triệu đồng. Trong khi đó, mức hỗ trợ học nghề chỉ được 3 triệu đồng nên tôi khó đảm bảo được việc học nghề mới”, anh Hùng chia sẻ.
Sau nhiều năm làm công nhân tại Bình Dương, do hoàn cảnh gia đình, chị Hà Thị Thủy ở huyện Can Lộc xin nghỉ việc về quê.
“Tôi đã đóng 5 năm bảo hiểm thất nghiệp nên đã có thêm tiền trợ cấp để trang trải cuộc sống hàng ngày. Muốn học nghề để tìm việc ở quê hương nhưng với mức hỗ trợ với lao động thất nghiệp hiện nay là 1 triệu đồng/người/tháng và hỗ trợ không quá 6 tháng như hiện nay thì không đủ trang trải các chi phí nên tôi không đăng ký học nghề”, chị Thủy cho biết.
Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Tĩnh, mỗi ngày có hàng chục lượt người lao động đến trung tâm làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trung tâm Dịch vụ Việc làm Hà Tĩnh bố trí cán bộ tư vấn trực tiếp tại nơi đăng ký bảo hiểm thất nghiệp để tạo điều kiện thuận lợi cho lao động thất nghiệp đăng ký tìm việc và học nghề.
Tuy nhiên, rất ít người quan tâm đến thông tin hỗ trợ học nghề cho người lao động, mà phần lớn xem mình được hưởng mức trợ cấp thất nghiệp là bao nhiêu.
Theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ Việc làm Hà Tĩnh, tính từ đầu năm đến nay, có gần 5.500 người được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Tuy nhiên, chỉ có gần 150 người đăng ký học nghề và được nhận hỗ trợ học nghề.
... nhưng rất ít lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp mặn mà với chính sách hỗ trợ học nghề
Lý giải nguyên nhân lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp thờ ơ với chính sách hỗ trợ học nghề, ông Hồ Anh Tú, Trưởng phòng Bảo hiểm thất nghiệp - Trung tâm Dịch vụ Việc làm Hà Tĩnh cho rằng, mức hỗ trợ theo Quyết định số 77/2014 của Thủ tướng Chính phủ như hiện nay là thấp nên hầu hết người lao động chỉ mong nhận được tiền trợ cấp thất nghiệp và “quay lưng” với việc học nghề.
Bên cạnh đó, người lao động đến làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp chủ yếu là đã làm ở các tỉnh, thành phố phía Nam với nhóm nghề chính là điện tử, may mặc, giầy da... Khi trở về quê, những nghề này khó xin việc, bởi nhu cầu ít.
Mặt khác, tâm lý của người lao động là rất ngại chuyển nghề. Với một số nghề có chi phí đào tạo cao như lái xe, cơ khí, chế biến món ăn và có nhu cầu học lớn... thì mức hỗ trợ học nghề hiện chưa đủ chi phí học tập. Do vậy, tâm lý chung của những lao động thất nghiệp là dành thời gian kiếm sống bằng các công việc không chính thức khác để duy trì cuộc sống.
Lao động tham gia tư vấn, tìm cơ hội việc làm tại Trung tâm Dịch vụ Việc làm Hà Tĩnh
Theo ông Hồ Anh Tú, Bộ LĐ-TB&XH đã dự thảo quyết định quy định mức hỗ trợ học nghề đối với người lao động tham gia BHTN với mức cao hơn hiện nay. Theo đó, người lao động tham gia khóa đào tạo nghề 3 tháng, đề xuất mức hỗ trợ học nghề tối đa không quá 4,5 triệu đồng/người/khóa, hỗ trợ đi lại 300.000 đồng/tháng; nếu tham gia khóa đào tạo nghề hơn 3 tháng, mức hỗ trợ tối đa không quá 1,5 triệu đồng/người/tháng, hỗ trợ đi lại 100.000 đồng/người/tháng.
“Đề xuất này được kỳ vọng giúp người lao động thất nghiệp đi học nghề sớm quay trở lại thị trường lao động để chính sách BHTN thực sự là điểm tựa cho lao động thất nghiệp. Tuy nhiên, đến nay dự thảo quyết định quy định mức hỗ trợ học nghề đối với người lao động tham gia BHTN vẫn chưa được phê duyệt”, ông Hồ Anh Tú cho biết thêm.