Mức lương 3 triệu của một nhà nữ khoa học

'Là đồng tác giả của một đăng ký độc quyền sáng chế quốc tế, nhà nữ khoa học Hồ Thị Thương bật khóc khi chia sẻ về việc mình lựa chọn cống hiến cho khoa học, nhưng không đủ tài chính báo hiếu cha mẹ. Bên cạnh đó, chị Thương cũng đồng thời là tác giả chính của 2 công bố và đồng tác giả của 4 công bố quốc tế uy tín. Chị từng tốt nghiệp thủ khoa đầu ra của một khoa thuộc Học viện Nông nghiệp Việt Nam'.

Tôi đọc thông tin này mà gần như không tin vào mắt mình. Nhà nữ khoa học trẻ (1991) Hồ Thị Thương đang công tác tại Viện Công nghệ sinh học - Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam. Chị có công trình khoa học, có đăng ký độc quyền sáng chế được quốc tế công nhận và đang cùng đồng nghiệp quốc tế và trong nước hoàn thiện nghiên cứu khoa học để đưa một sáng chế về vắc xin tới ứng dụng. Sáng chế này nhằm tìm ra một chiến lược tiêm chủng hiệu quả và nhanh chóng, ứng dụng cho việc phát triển vắc xin, trong đó có vắc xin phòng chống cúm gia cầm A/H5N1 và dịch tả heo Châu Phi.

"Tôi có một khát vọng đó là được đóng góp và cống hiến một phần sức lực nhỏ bé của mình vào sự phát triển khoa học của nước nhà, đồng thời mang đến cho nước nhà những sản phẩm vắc xin thú y có hiệu quả ứng dụng tốt trong tương lai", nhà khoa học Hồ Thị Thương bày tỏ.

Với một nhà nữ khoa học mới 29 tuổi, đó là một khát vọng và những thành công rất đáng ngưỡng mộ. Nền nông nghiệp Việt Nam đang rất cần những nghiên cứu, sáng chế cụ thể và hiệu quả như thế để giúp nông dân vượt qua những tai ương do dịch bệnh lên đàn gia súc, gia cầm.

Vậy mà, nữ khoa học trẻ Hồ Thị Thương, người miệt mài nghiên cứu khoa học phục vụ nông nghiệp Việt Nam, phục vụ nông dân Việt Nam, lại chỉ có mức lương khó tin là 3 triệu đồng/tháng. Chúng ta còn bao nhiêu nhà khoa học trẻ công tác trong những cơ quan, những Viện nghiên cứu của nhà nước phải chịu nhận mức lương như vậy, trong khi đang toàn tâm ý phục vụ khoa học?

Cách tính lương cho khoa học chỉ dựa trên bằng cấp hay chức vụ như hiện nay là rất bất hợp lý. Nghiên cứu khoa học là phải dựa trên kết quả, trên hiệu quả, trên đóng góp cụ thể, chứ không thể chỉ dựa trên bằng cấp hay chức vụ. Và với những công bố quốc tế, thì phải dựa trên uy tín khoa học của những tạp chí công bố, chứ không thể là những “công bố trên tạp chí quốc tế” chung chung, trong đó có không ít những tạp chí gọi là “nghiên cứu khoa học”, nhưng người công bố bài báo phải đóng tiền để được công bố, còn giá trị khoa học của những bài báo thì hết sức tù mù. Đó chỉ là “giả khoa học”, trong khi dựa vào đó, người công bố lại được hưởng lợi đủ đường. Chỉ có khoa học đích thực là chịu thiệt thòi không kể xiết.

Chị Hồ Thị Thương là đồng tác giả của một đăng ký độc quyền sáng chế quốc tế năm 2018, có tên là: Oligomeric vaccine from plants by S-tag- S-protein fusions (số hiệu đăng ký sáng chế là WO/2018.115305 A1, do Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới cấp). Đăng ký độc quyền khoa học này là thật, Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới cấp cũng là thật. Nhưng mức lương 3 triệu đồng/tháng mà chị Thương nhận còn thật hơn.

Khoa học Việt Nam sẽ rất khó phát triển nếu chúng ta vẫn duy trì cách tính lương, tính thu nhập cho các nhà khoa học, nhất là những nhà khoa học trẻ như vậy. Cũng xin đừng chỉ nhìn vào bằng cấp mà tính đội ngũ hay giá trị của các nhà khoa học Việt Nam.

THANH THẢO

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2022/202012/muc-luong-3-trieu-cua-mot-nha-nu-khoa-hoc-3035639/